Gioan Tẩy Giả chuẩn bị cho Dân đón Chúa Giêsu đến (Lc 3, 3-6)

Giữa thế giới hôm nay, Hội Thánh và từng người chúng ta cũng phải là “tiếng người hô” giúp nhân loại đón nhận ơn cứu độ. Niềm hy vọng Chúa đến trong Mùa Vọng sẽ là vô nghĩa, nếu chúng ta không phải là tiếng kêu mang tính ngôn sứ công bố ơn cứu độ cho mọi người phàm. Và tất nhiên chúng ta sẽ có thể phải trả giá vì tư cách ngôn sứ đó của mình.

03-john-baptist-jpeg-1920-1Tác giả Tin Mừng Luca kể: “Gioan đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội” (Lc 3,3).

Ông Gioan rời khỏi khung cảnh bình an và hạnh phúc mà ông đã sống từ nhỏ, lên đường đi khắp vùng ven sông Giođan, nơi ông rao giảng. Theo Mc 1,4 ông Gioan rao giảng trong hoang địa, nhưng tác giả Luca phân biệt hoang địa (nơi có lời Thiên Chúa phán với ông Gioan) và vùng ven sông Giođan (nơi ông Gioan rao giảng). Đừng tìm cách xác định đó là vùng nào. Điều quan trọng là Gioan đi khắp vùng (vì Lời Thiên Chúa phải vận hành): như thế, trong phong thái một vị ngôn sứ, ông thực hiện sứ mạng của vị tẩy giả, chuẩn bị cho mọi người đón Chúa Kitô.

Ông Gioan rao giảng một phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội. Điều đó có nghĩa là ông phải dấn thân cho một sứ mạng đầy thách thức và rất dễ gây mất lòng. Thông thường, người ta thích nghe những lời công nhận (thậm chí là ủng hộ, hay ít nhất là không phê phán) những tư tưởng và những cách hành xử của mình. Không ai muốn nghe tuyên bố rằng lý tưởng hay cách hành xử của mình là sai lầm và phải thay đổi. Vì thế, chấp nhận sứ mạng kêu gọi người ta hối cải, là chấp nhận không sống quỵ luỵ trước thế gian, nhưng dấn thân sống trong nguy hiểm, bị khước từ và thậm chí bị giết hại. Và quả thực, đó sẽ là số phận bi thương của chính ông Gioan sau này (Lc 3,19-20).

Ông Gioan đòi hỏi người ta phải hối cải, phải quay về với Thiên Chúa, phải kính trọng Thiên Chúa và thánh ý Người. Dân chúng sống trong tội lỗi là sống trong sự bất tuân Thiên Chúa. Họ cần ơn tha thứ. Khi lãnh nhận phép rửa của ông Gioan, người ta công nhận rằng mình cần được Thiên Chúa tha thứ và muốn quay trở về với Người. Và như thế, người ta được chuẩn bị để đón nhận biến cố Đức Chúa ngự đến, và để được nhìn thấy ơn cứu độ của Người.

Sự hối cải (mêtanoia) được nói ở đây là một cuộc quay trở lại với Thiên Chúa, chứ không chỉ là một cuộc thay đổi mang tính luân lý hay xã hội. Nếu chỉ mang tính luân lý hay xã hội và bỏ mất chiều kích “về với Thiên Chúa”, thì sự hối cải Kitô giáo sẽ chẳng hơn gì (thậm chí có thể thua kém) những lý thuyết nhân bản trong lịch sử nhân loại. Nhưng đây là một cuộc quay trở lại với Thiên Chúa, và chính do vậy mà kéo theo những hiệu quả về luân lý và xã hội. Đàng khác, sự hối cải mà ông Gioan rao giảng đòi được thể hiện ra bên ngoài bằng một hành động thấy được: chịu phép rửa. Tất nhiên phép rửa này chưa phải là phép rửa Kitô giáo, nhưng ít nhất nó cũng cho chúng ta thấy rằng: hối cải không phải chỉ là chuyện của tư tưởng thầm kín, thuộc phạm vi trí não, mà còn là một bước đi có ý nghĩa, được thể hiện cho mọi người thấy bằng một hành vi công khai. Phép rửa này là một hành vi biểu tượng bên ngoài, nói lên sự trở lại của tâm hồn bên trong.

Nhưng ông Gioan không chỉ là người rao giảng sự hối cải. Ông còn là người công bố một sứ điệp mang lại niềm vui: khi kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón Đức Chúa ngự đến, ông đồng thời loan báo rằng cuộc ngự đến ấy của Đức Chúa đã gần kề, và “hết mọi người phàm sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Tác giả Luca trích Is 40,3 theo bản dịch LXX và nhấn mạnh tính phổ quát của ơn cứu độ. Trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị, tiếng hô công bố cuộc trở về của những người Israel từ nơi lưu đày; được Đức Chúa YHWH dẫn đầu, họ đi qua hoang địa đã được sửa lối và tiến về quê hương như trong một đoàn rước. Trong truyền thống Kitô giáo: từ hoang địa vang lên lời của vị ngôn sứ (ông Gioan Tẩy Giả) rao giảng cuộc hoán cải chuẩn bị cho cuộc ngự đến của Đấng Mêsia.

Trong viễn tượng của Luca, ông Gioan không chỉ là ngôn sứ rao giảng sự hoán cải, mà còn là ngôn sứ công bố ơn giải thoát. Là vị tiền hô, ông được soi sáng bởi ơn cứu độ thời đại Mêsia vốn đã gần kế, và ông kêu gọi Israel đón nhận ơn cứu độ đó. Ông là ngôn sứ và là người loan tin vui, hơn là người làm phép rửa và kêu gọi sống khổ hạnh.

Giữa thế giới hôm nay, Hội Thánh và từng người chúng ta cũng phải là “tiếng người hô” giúp nhân loại đón nhận ơn cứu độ. Niềm hy vọng Chúa đến trong Mùa Vọng sẽ là vô nghĩa, nếu chúng ta không phải là tiếng kêu mang tính ngôn sứ công bố ơn cứu độ cho mọi người phàm. Và tất nhiên chúng ta sẽ có thể phải trả giá vì tư cách ngôn sứ đó của mình. “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; và hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4.6).

Nguyễn  Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết