Gieo hạt giống công lý sinh thái trước thềm Hội nghị COP30

Nếu tuyên bố gần đây nhất của Đức Thánh Cha Lêô XIV là một dấu hiệu thì di sản về môi trường của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô sẽ tồn tại trong suốt triều đại của ngài.

Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ các nhà báo trong buổi tiếp kiến ​​đại diện của giới truyền thông, tại Hội trường Phaolô, Vatican, vào ngày 12 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Alberto PIZZOLI / AFP)

Đức Thánh Cha Lêô XIV gặp gỡ các nhà báo trong buổi tiếp kiến ​​đại diện của giới truyền thông, tại Hội trường Phaolô VI, Vatican, vào ngày 12 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Alberto PIZZOLI / AFP)

Trong tuyên bố “Hạt giống Hòa bình và Hy vọng” được công bố vào hồi đầu tháng này, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đưa ra thông điệp kêu gọi mọi người thừa nhận nhu cầu cấp thiết về công lý môi trường và xã hội tại thời điểm mà cả hai mục tiêu này ngày càng khó đạt được.

Nhiều tuyên bố của Đức Thánh Cha Lêô đã lặp lại thông điệp chính mà người tiền nhiệm của ngài đã đưa ra cách đây một thập kỷ trong Laudato Si’: sự cần thiết của một “hệ sinh thái toàn diện” hay một cách tiếp cận toàn diện để nhận thức và ứng phó với những thách thức xã hội và môi trường liên quan mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.

Tuy nhiên, thông điệp này vẫn cần được nhắc lại, không chỉ xét đến những vấn đề mà chúng ta đang chứng kiến ​​ở hầu hết mọi nơi mà còn xét đến thực tế rằng cách tiếp cận này sẽ mất thời gian.

Một nhân đức

Đức Thánh Cha Lêô nhắc nhở chúng ta rằng việc đạt được công lý xã hội và môi trường sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Đây là một thực tế mà ngay cả những nhà hoạt động vì môi trường lý tưởng nhất cũng phải thừa nhận: sự căng thẳng giữa tầm nhìn của họ về một tương lai được đánh dấu bằng một hệ sinh thái bền vững, lành mạnh và hài hòa, và những hạn chế do các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội hiện tại mang lại.

Điều này không có nghĩa là việc đạt được công lý như vậy là không thể, hoặc phong trào môi trường toàn cầu nên ngừng ủng hộ một thế giới tốt đẹp hơn. Thay vào đó, ngài nhận xét rằng các nhà lãnh đạo và các nhà ủng hộ hiện tại có thể “gieo nhiều hạt giống công lý và do đó đóng góp vào sự tiến triển của hòa bình và đổi mới hy vọng”.

Mặc dù những hạt giống mang tính biểu trưng này có thể mất nhiều năm để đơm hoa kết trái, nhưng nhiệm vụ này vẫn đáng theo đuổi – miễn là nó bắt nguồn từ tình yêu, sự kiên trì và hy vọng rằng các thế hệ tương lai có thể tiếp tục công việc.

Điều này thể hiện ở cách chúng ta nhìn nhận thiên nhiên. Như Đức Thánh Cha Lêô than phiền, một số người coi thiên nhiên như một “chiến trường”, nơi mà lợi ích cố hữu của những người theo mô hình kỹ trị sẵn sàng tham gia vào các cuộc xung đột để kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng nhằm giành thêm quyền lực kinh tế. Sông ngòi, cây cối và những thứ tương tự không được coi là những bộ phận không thể thiếu của môi trường mà là những hàng hóa tồn tại chỉ vì lợi ích của con người.

Tuy nhiên, khái niệm về thiên nhiên như một chiến trường cũng có thể được diễn giải theo một cách khác— các cá nhân coi bản chất của mình không phải là kết nối với sự sống khác và mọi thứ xung quanh chúng ta, mà là tham gia vào một não trạng cố hữu là “kẻ mạnh nhất sẽ sống sót”.

Dù thế nào đi nữa, kết quả cuối cùng vẫn như nhau. Việc họ không quan tâm đến việc những người bên ngoài nhóm lợi ích thân cận (inner circle) của họ bị ảnh hưởng như thế nào bởi hành động của họ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và bất công hiện có. Đây là câu chuyện mà chúng ta đã nghe trong nhiều thế kỷ: người giàu tích trữ một phần quá mức của cải, trong khi người nghèo phải vật lộn để có được thậm chí ba bữa ăn một ngày. Người dân bản địa bị di tản, bị loại trừ và thậm chí bị tước mất bản sắc của họ.

Những căn bệnh kinh niên đòi hỏi những phương pháp chữa trị lâu dài. Việc giải quyết những thách thức lâu dài này góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái chỉ có thể được thực hiện thông qua việc chuyển đổi các hệ thống mà chúng ta đã biết từ lâu—một nỗ lực có thể kéo dài hơn cả cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, đây là con đường tốt nhất hướng tới công lý xã hội và môi trường, để chúng ta hy vọng và hành động cùng với công trình sáng tạo.

Trong thực tế

Con đường này được phản ánh trong cách chúng ta tiếp cận nửa cuối năm 2025. Ở cấp độ toàn cầu, mọi nẻo đường sẽ dẫn đến hội nghị đàm phán về khí hậu lần thứ 30 của Liên Hợp Quốc (COP30), sẽ được tổ chức tại Brazil – quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới.

Tình trạng của các cuộc đàm phán về khí hậu này ngày càng được công nhận là quá chậm chạp, nếu không muốn nói là bị phá vỡ; đến mức chủ tịch COP30 muốn nhấn mạnh hội nghị này là hướng đến hành động. Thậm chí ngay cả các nhà đàm phán trong các diễn đàn của Liên Hợp Quốc cũng đang lên tiếng nhiều hơn trong việc đề xuất cách thức khắc phục quá trình này.

Sự thay đổi trong hành vi của chủ nghĩa đa phương về khí hậu là điều cần thiết cho bất kỳ hành động toàn cầu có ý nghĩa nào chống lại cuộc khủng hoảng môi sinh, như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã thừa nhận trong Laudate Deum. Điều này, cùng với việc Brazil là nước chủ nhà và năm 2025 là Năm Thánh, tạo nên bối cảnh lý tưởng để phái đoàn Tòa Thánh cuối cùng cũng tiến lên và trở thành tiếng nói luân lý trong các cuộc đàm phán mà họ có khả năng thực hiện.

Tuy nhiên, kỳ vọng về tác động của vòng đàm phán tiếp theo này cần phải được kiềm chế. Không có khả năng là thành tích kém hiệu quả của nó – chủ yếu là do sự chia rẽ địa chính trị giữa Bắc và Nam Bán cầu – có thể được đảo ngược chỉ trong vài tháng.

Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương vẫn cần thiết để giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu; kết quả của nó vẫn quan trọng. Với bối cảnh là Amazon, COP30 cung cấp một nền tảng lý tưởng để cuối cùng gieo những hạt giống mang tính biểu trưng cho công lý môi trường và xã hội.

Ngay cả Giáo hội Công giáo cũng không được miễn trừ khỏi sự cần thiết phải tiếp tục giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái. Về vấn đề này, những dấu hiệu về việc Đức Thánh Cha Lêô tiếp tục công việc do Đức cố Giáo hoàng Phanxicô khởi xướng là một dấu hiệu đáng hoan nghênh cho thấy Giáo hội thực sự cam kết sẽ chứng kiến những hạt giống đó cuối cùng nở rộ thành những cánh rừng mang lại hy vọng và cuộc sống mới cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

John Leo Algo

** John Leo Algo là Điều phối viên quốc gia của Aksyon Klima Pilipinas và Phó giám đốc điều hành phụ trách Chương trình và Chiến dịch tại Living Laudato Si’ Philippines. Ông đã đại diện cho xã hội dân sự Philippines tại các hội nghị về khí hậu và môi trường của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2016 và làm việc với tư cách là nhà báo về khí hậu và môi trường kể từ năm 2016.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh lập trường biên tập của LiCAS News.

Minh Tuệ (theo LICAS News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết