Có 200.000 người tị nạn được ghi nhận nhưng nhiều người khác không được ghi nhận, theo Đức Giám mục Yunan Andali Địa phận El Obeid.
Một Giáo phận Công giáo ở Sudan là nơi cư trú của hơn 200.000 người tị nạn Nam Sudan chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở đất nước của họ.
Đức Giám mục Yunan Andali Địa phận El Obeid, Sudan, cho biết có 200.000 người tị nạn được ghi nhận nhưng nhiều người khác không được ghi nhận, theo Catholic News Service. Giáo phận của Đức Cha Andali đang cung cấp sự hỗ trợ về nhân đạo cũng như tinh thần.
Hơn một nửa số người tỵ nạn là những người Công giáo, dại diện cho một thách thức mục vụ đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương.
Nam Sudan đã giành độc lập từ Sudan vào năm 2011. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Nam Sudan đã leo thang tới mức Cơ quan tị nạn Hoa Kỳ gọi đó là “trường hợp khẩn cấp nhân đạo đang phát triển mạnh mẽ”.
Cuộc xung đột được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh sắc tộc, làm thiệt mạng hàng chục ngàn người, và đồng thời khiến cho một phần tư dân số 12 triệu người theo ước tính của Nam Sudan bị buộc phải di tản.
“Tổng số người tị nạn Nam Sudan hiện đã vượt quá 2 triệu người, đây chính là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Phi và đứng thứ ba trên thế giới”, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Khoảng 65% người tị nạn Nam Sudan dưới 18 tuổi.
Uganda cũng chính là nơi cư trú của hơn 1 triệu người tị nạn Nam Sudan, Đức Giám mục Andali cho biết thêm rằng những người tị nạn ở Uganda không được tiếp nhận các dịch vụ tôn giáo.
Giáo phận El Obeid là một trong hai Giáo phận còn lại ở Sudan sau sự chia cắt với Nam Sudan. Giáo phận El Obeid phục vụ cho các khu vực Darfur và vùng núi Nuba.
“Hầu hết các Kitô hữu địa phương sinh sống ở dãy núi Nuba”, Đức Cha Andali nói về Giáo phận của mình. “Khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt với nhóm tín hữu đông đảo này đó chính là phải đảm bảo rằng họ có được giáo dục tôn giáo trong các trường học công lập, vì chủ đề này là bắt buộc trong các trường học do nhà nước điều hành”.
97% dân số Sudan là người Hồi giáo nhưng hầu hết người dân địa phương đều sống dung hòa và không phản đối các tôn giáo khác, Đức Cha Andali nói.
“Chúng tôi chỉ có thể thực hiện các hoạt động mục vụ trong các ngôi nhà thờ cũ kĩ của mình, chứ không được thực hiện các hoạt động ấy bên ngoài. Các quy định của nhà nước ngăn cấm việc xây dựng những ngôi Thánh đường mới và chuyển quyền sở hữu đất cho Giáo hội”.
“Nhờ sự giúp đỡ của Giáo hội hoàn vũ, chúng tôi đã mua được một số ngôi nhà riêng để thực hiện một số hoạt động mục vụ của chúng tôi”.
“Bằng cách này, chúng tôi có thể tiếp cận với các tín hữu của mình trong chính những ngôi nhà của họ và cầu nguyện với họ thậm chí ngay cả ở những khu vực không có nhà thờ”, Đức Giám mục Andali chia sẻ, theo Catholic News Service.
Minh Tuệ chuyển ngữ