“Câu hỏi mà Đức Giáo hoàng đặc biệt chú ý trong “Amoris Laetitia”: làm thế nào đem lại hy vọng cho những người sống ở xa và đặc biệt là cho những người đã trải qua thảm kịch và các vết thương của cuộc hôn nhân dân sự thứ hai sau khi ly hôn? … Họ có thể trở lại trong con tàu Nôê được xây dựng trên tình yêu của Chúa Kitô, và thoát khỏi cơn hồng thủy, hay không?”
Ngày 8/4/ vừa qua, Tòa Thánh đã công bố Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về tình yêu trong gia đình “Amoris Laetitia” của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Dành riêng để nói về sự đồng hành, phân định và hội nhập những tình cảnh mong manh, chương VIII của Tông huấn “Amoris Laetitia” đụng đến vấn đề gây tranh cãi và chống đối nhất mà hai Thượng Hội đồng 2014 và 2015 đã phải đối diện. Nó nhanh chóng thu hút sự chú ý của báo chí và cả của các mục tử và tín hữu vốn từ lâu đã chờ đợi một giải pháp mới về kỷ luật dành cho những cuộc hôn nhân “bất hợp luật”, đặc biệt là trường hợp những người đã ly dị và tái hôn dân sự.
Trong số các vị Hồng y cố gắng đưa ra cách giải thích “Amoris Laetitia” rõ ràng, không mơ hồ và phù hợp với kỷ luật xưa nay của Giáo hội, vị có thẩm quyền cao nhất là Đức Hồng y Gerhard L. Müller, nguyên Giám mục Regensburg, và từ năm 2012 là người đứng đầu Thánh Bộ Giáo lý Đức tin.
Đức Hồng y Müller đã trình bày một bài diễn thuyết dài về “Amoris Laetitia” tại Chủng viện Oviedo – Tây Ban Nha, vào ngày 04 tháng 5 năm 2016, với tựa đề “¿Qué podemos esperar de la familia?” (Chúng ta có thể mong đợi gì từ gia đình?).
Chúng tôi xin kể hầu quý vị ý kiến được trình bày trong bài thuyết trình đó. Chúng tôi sẽ chỉ dựa vào phần thứ ba của bài thuyết trình, là phần trực tiếp liên quan đến vấn đề tranh luận: trong Amoris Laetitia, Đức Giáo hoàng có thay đổi kỷ luật của Giáo hội về việc rước lễ của những người ly dị tái hôn hay không?
Thực ra, câu hỏi mà Đức Giáo hoàng đặc biệt chú ý trong chương VIII của “Amoris Laetitia” (AL) thì không phải là vấn đề rước lễ của các tín hữu li dị tái hôn. Đức Hồng y Müller cho biết: “Câu hỏi mà Đức Giáo hoàng đặc biệt chú ý trong “Amoris Laetitia”: làm thế nào đem lại hy vọng cho những người sống ở xa và đặc biệt là cho những người đã trải qua thảm kịch và các vết thương của cuộc hôn nhân dân sự thứ hai sau khi ly hôn? Họ là những người, có thể nói, đã bị nhấn chìm trong cơn hồng thủy hậu hiện đại và đã quên lời hứa hôn phối mà bởi đó họ đã niêm phong trong Chúa Kitô một tình yêu mãi mãi. Họ có thể trở lại trong con tàu Nôê được xây dựng trên tình yêu của Chúa Kitô, và thoát khỏi cơn hồng thủy, hay không?”
Đức Hồng y Müller cho rằng để trả lời cho câu hỏi đó, cần phải bắt đầu với “chân trời rộng lớn của nền văn minh tình yêu”. Và ngài nói: “Đức Giáo Hoàng đã chỉ cho chúng ta cách để làm công việc này của Giáo Hội trong ba hạn từ: đồng hành, phân định và hòa nhập (AL 291-292). Bắt đầu từ các hạn từ đó, chúng ta có thể đọc chương thứ tám của “Amoris Laetitia”.
Trước hết là đồng hành.
Các tín hữu ly dị tái hôn “không bị loại trừ ra khỏi Giáo Hội” – lời Đức Hồng y.
“Ngược lại – Đức Hồng y nói tiếp – Giáo Hội, Tàu Nôe mới, đón nhận họ, ngay cả khi cuộc sống của họ không tương ứng với những lời của Chúa Giêsu. Năng lực tiếp nhận này được Thánh Augustinô mô tả khi ngài nói đến một sự phân biệt, luôn luôn liên quan đến con tàu Nôe như là một hình ảnh của Giáo Hội.”
Trình bày giáo huấn của Thánh Augustinô, Đức Hồng y nói: “Thứ nhất, chiếc tàu đã không chỉ dành cho các loài vật thanh sạch theo Luật. Đối với Thánh Augustinô, điều này có nghĩa rằng Giáo hội đón nhận vào lòng mình cả những người công chính lẫn những kẻ tội lỗi, dưới cùng một một mái nhà; rằng Giáo hội bao gồm những con người sa ngã và trỗi dậy, những người phải đọc kinh cáo mình vào đầu mỗi thánh lễ: “Tôi thú nhận”.
Như thế tức là Giáo hội không hề từ khước đón nhận những con người tội lỗi. Đức Hồng y nói rõ hơn: “Bằng cách này, Giáo hội Công giáo giữ khoảng cách với cách nhìn về một “Giáo hội của những người tinh khiết”, trong đó không có chỗ cho những kẻ tội lỗi. Thiên Chúa sẽ chỉ tách lúa khỏi cỏ lùng vào ngày thế mạt, kể cả cỏ dại mọc trong mỗi người tín hữu.”
“Tiếp đến, Thánh Augustinô nói, tất cả các loài vật, thanh sạch và không thanh sạch, đều bước qua cùng một chiếc cổng và sống trong cùng một ngôi nhà, với cùng những bức tường và cùng một mái nhà. Ở đây, vị giám mục thành Hippo đề cập đến các bí tích, với phép rửa như chiếc cổng, và với sự thay đổi cuộc sống mà những người muốn lãnh nhận phép rửa được yêu cầu phải thực hiện, tức là sự từ bỏ tội lỗi” – lời Đức Hồng y Müller.
“Trong sự hài hòa giữa các bí tích và đời sống có thể nhìn thấy được của các Kitô hữu, Thánh Augustinô nói, Giáo hội đưa ra trước mặt thế giới chứng từ không chỉ về đời sống của Chúa Giêsu, mà còn về đời sống mà các thành viên của Thân Mình Chúa Giêsu được kêu gọi sống. Sự hài hòa giữa các bí tích với cách sống của các Kitô hữu, do đó, đảm bảo rằng văn hóa bí tích trong đó Giáo hội sống và cung cấp cho thế giới một cách sống, vẫn còn tồn tại. Chỉ như vậy Giáo hội mới có thể đón nhận những người tội lỗi, chăm sóc họ và mời gọi họ đến với một hành trình cụ thể để vượt qua tội lỗi. Điều Giáo hội không bao giờ được từ bỏ là cấu trúc các bí tích, nếu không, sẽ có nguy cơ mất đi món quà độc đáo hỗ trợ Giáo hội, và nguy cơ che khuất tình yêu của Chúa Giêsu cũng như cách lối tình yêu này biến đổi đời sống Kitô hữu.”
Từ đó, Đức Hồng y nói đến yêu cầu nền tảng của việc các thừa tác viên của Giáo hội đồng hành với những người ly dị tái hôn:
“Vì vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên đối với cuộc đồng hành là sự hài hòa giữa việc cử hành bí tích và đời sống Kitô hữu. Đây là lý do của kỷ luật Thánh Thể mà Giáo hội đã duy trì kể từ thời sơ khai. Nhờ kỷ luật đó Giáo hội có thể là một cộng đoàn đồng hành và đón tiếp các tội nhân mà không chúc lành cho tội lỗi, và do đó cung cấp cơ sở làm cho con đường của sự phân định và hội nhập là có thể.”
Chúng ta có thể tìm thấy kỷ luật đó ở đâu? Đức Hồng y trả lời: “Thánh Gioan Phaolo II đã xác nhận kỷ luật này trong “Familiaris Consortio”, số 84 và “Reconciliatio Poenitentia”, số 34; Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, đến lượt mình, đã xác định điều đó trong tài liệu năm 1994; Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khai triển trong “Sacramentum Caritatis”, số 29. Đó là một giáo huấn chắc chắn, dựa vào Kinh Thánh và dựa trên một lý do đạo lý: sự hài hòa mang ơn cứu độ của các bí tích, trái tim của “văn hóa hôn ước” làm sống động Giáo hội.”
Chúng ta biết, theo “Familiaris Consortio”, số 84, những người ly dị tái hôn không được lãnh nhận các bí tích, không chỉ bí tích hôn nhân mới, mà là các bí tích khác nữa, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải. Việc chấp nhận cho rước lễ và giải tội, thật ra, không hoàn toàn bị loại trừ, nhưng được gắn với hai điều kiện: kiêng giữ các hành vi vợ chồng (tức là chấp nhận sống với nhau như anh trai với em gái) và không gây cớ vấp phạm cho đức tin của những người khác. Ngoài ra, các kỷ luật do Familiaris Consortio thiết lập cũng yêu cầu những người ly dị tái hôn không đảm nhận những nhiệm vụ Hội Thánh trong các lĩnh vực đòi hỏi một chứng từ đặc biệt của đời sống Kitô hữu: lãnh vực phụng vụ (thừa tác viên đọc sách thánh, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa ngoại thường); lãnh vực mục vụ (thành viên hội đồng mục vụ); lãnh vực giáo dục (giáo lý viên, cha đỡ đầu / mẹ đỡ đầu trong các bí tích khai tâm Kitô giáo); lãnh vực thể chế (giáo viên dạy về tôn giáo)…
(còn tiếp)
Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh