Giáo hội tại Châu Đại Dương ghi nhận ‘những căng thẳng’ giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trong tài liệu Thượng hội đồng

Jeanie Bamba bế cháu trai của mình, Jayce, khi họ đặt hoa trước tượng Đức Trinh Nữ Maria trong Thánh lễ vào Ngày của Mẹ tại Nhà thờ Công giáo dâng kính Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ ở Toto, Guam, Chúa nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2019 (Ảnh: David Goldman/ AP)

Jeanie Bamba bế cháu trai của mình, Jayce, khi họ đặt hoa trước tượng Đức Trinh Nữ Maria trong Thánh lễ vào Ngày của Mẹ tại Nhà thờ Công giáo dâng kính Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ ở Toto, Guam, Chúa nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2019 (Ảnh: David Goldman/ AP)

Khi Giáo hội Công giáo tiếp tục Tiến trình Hiệp hành trước cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10, Giáo hội ở Châu Đại Dương đã thừa nhận “những căng thẳng” trong một khu vực bao gồm cả các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển.

Các Giám mục của khu vực đã gặp nhau tại Fiji trong cuộc họp bốn năm một lần của Liên Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Đại Dương vào tháng Hai, và đã dành một phần của cuộc họp đó để xem xét phản ứng của khu vực đối với Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng về Giai đoạn Lục địa, và phản hồi đã được công bố vào ngày 13 tháng 4.

Liên Hội đồng Giám mục Công giáo Châu Đại Dương bao gồm các Hội đồng Giám mục của Úc, New Zealand, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon và Thái Bình Dương. Hội đồng Giám mục Thái Bình Dương (CEPAC) bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Guam, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, New Caledonia, Quần đảo Bắc Mariana, Samoa, Tonga, Tuvalu, Vanuatu, Wallis và Futuna. Các Giáo hội Công giáo Đông phương (ECC) trong khu vực cũng đã tham dự cuộc họp.

Trong số “những căng thẳng” được xác định trong tài liệu là những thái độ khác nhau đối với những người có trải nghiệm đa dạng về vấn đề tính dục và giới tính trong khu vực; vai trò của phụ nữ trong Giáo hội; và quan điểm về khả năng thay đổi trong Giáo huấn của Giáo Hội.

“Một số tiếng nói trong những phản ứng kêu gọi thay đổi Giáo huấn của Giáo hội, theo chu kỳ ‘suy tàn và hồi sinh’ (New Zealand, 52-56). Những người khác khẳng định sự cần thiết phải duy trì việc giảng dạy và cung cấp sự đào tạo trong việc không thay đổi Giáo huấn của Giáo hội hiện nay (ECC, 18)”, tài liệu nêu rõ.

“Ở một số nơi trong khu vực, vết thương của vấn nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội không được quan tâm: ‘Vụ bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục và lạm dụng trẻ vị thành niên … là một vấn đề ngày càng được quan tâm. Tuy có một số vụ lạm dụng, nhưng các vụ bê bối chưa ảnh hưởng nhiều đến đức tin của người dân’ (PNG/SI, 3.1). Trong một số khu vực khác, vụ bê bối trở nên rõ ràng và công khai. Vết thương đang diễn ra đối với toàn thể Giáo hội, không chỉ của các nạn nhân và những người sống sót sau các vụ lạm dụng mà còn cả gia đình của họ và cộng đoàn Giáo xứ và các giáo sĩ khác, cần được chú ý hướng tới việc chữa lành liên tục”, tài liệu tiếp tục.

Tài liệu cũng thừa nhận sự căng thẳng trong việc nhận thức vấn đề hội nhập văn hóa, trong đó Giáo hội địa phương tiếp nhận các phong tục và biểu hiện văn hóa địa phương.

“Một số người coi các truyền thống của Giáo hội hoàn vũ là một kiểu áp đặt lên văn hóa địa phương, và thậm chí là một hình thức chủ nghĩa thực dân. Những người khác coi Thiên Chúa hiện diện trong mọi nền văn hóa để mọi nền văn hóa đã bày tỏ những chân lý Kitô giáo. Một quan điểm khác cho rằng các Kitô hữu không thể áp dụng và tiếp nhận một số thực hành văn hóa tiền Kitô giáo. Chẳng hạn, khi một Linh mục đảm nhận vai trò là trưởng làng, Linh mục đó trở thành biểu tượng của quyền lực hơn là của sự phục vụ (Thái Bình Dương)”, tuyên bố cho biết.

Tài liệu Châu Đại Dương cũng xác định những thiếu sót trong Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa do Vatican ban hành.

Tài liệu cho biết không có đủ sự quan tâm dành cho cuộc khủng hoảng sinh thái, bao gồm cả mối đe dọa của việc mực nước biển dâng và tình trạng suy thoái môi trường và biển ở Châu Đại Dương, cũng đang xảy ra ở các nơi khác trên thế giới.

Tài liệu cũng lưu ý rằng đời sống tu trì, bao gồm sự đóng góp của các tu sĩ nam nữ và gương mẫu của các nền linh đạo liên quan, việc quản trị tốt và sự lãnh đạo chung trong nhiều tổ chức tôn giáo cần được suy tư thêm.

Tài liệu kêu gọi sự nhìn nhận nhiều hơn đối với ơn gọi hôn nhân và vai trò của gia đình trong việc đào tạo đức tin.

Tài liệu của Châu Đại Dương cũng cho biết những tác động đang diễn ra của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vốn đã không nhận được sự quan tâm đúng mức trong Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục.

 “Trong cuộc hành trình hiệp hành do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng vào tháng 4 năm 2021, đã có nhiều tiết lộ tai hại hơn nữa về việc xử lý yếu kém các trường hợp lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Điều này cần phải được thừa nhận, cùng với việc suy tư về việc liệu các cấu trúc hiện tại của Giáo hội có cản trở hoặc cho phép bảo vệ đầy đủ, quản trị tốt và bồi thường công bằng hay không. Đối với một số vùng của Châu Đại Dương và rộng hơn, điều này cũng sẽ bao gồm sự công nhận tích cực đối với những nỗ lực của các Giáo hội địa phương nhằm cải thiện các tiêu chuẩn chuyên môn và việc bảo vệ”, tài liệu cho biết.

Giáo hội Châu Đại Dương cũng cho biết các vấn đề về thời điểm bắt đầu sự sống và những giây phút cuối cuộc đời chẳng hạn như phá thai và an tử cần được chú ý nhiều hơn, cũng như những hạn chế ngày càng tăng đối với quyền tự do tôn giáo.

“Chúng tôi không muốn xây dựng một Giáo hội khác, nhưng muốn đổi mới và hồi sinh Giáo hội mà chúng tôi yêu mến”, các Giám mục Châu Đại Dương cho biết.

 “Việc đổi mới và hồi sinh này sẽ bắt đầu bằng sự hoán cải cá nhân, và nó cũng sẽ tìm thấy sự thể hiện mang tính cộng đồng và cơ cấu. Một Giáo hội đổi mới và hiệp hành tìm cách không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Trong một Giáo hội như vậy, chúng ta sẽ cùng nhau bước đi, cùng yêu thương nhau”.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết