Giáo hội Syro-Malabar ở Ấn Độ khởi xướng kế hoạch giải quyết cuộc xung đột gay gắt về phụng vụ

Thánh lễ theo quy định mới của Thượng Hội đồng đang diễn ra tại Nhà thờ Thánh Đa Minh tại Aluva, Tổng Giáo phận Ernakulam thuộc Giáo hội nghi lễ Syro-Malabar vào ngày 14 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: Anto Akkara)

Thánh lễ theo quy định mới của Thượng Hội đồng đang diễn ra tại Nhà thờ Thánh Đa Minh tại Aluva, Tổng Giáo phận Ernakulam thuộc Giáo hội nghi lễ Syro-Malabar vào ngày 14 tháng 7 năm 2024 (Ảnh: Anto Akkara)

Mâu thuẫn phụng vụ sôi sục về việc cử hành Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn dẫn tới với việc ban hành vạ tuyệt thông tại Tổng Giáo phận Ernakulam thuộc Giáo hội Syro-Malabar (SMC) ở Ấn Độ đã lắng xuống với một “thỏa hiệp” vào ngày 3 tháng 7, Lễ Thánh Tôma, Bổn mạng của SMC.

“Phụng vụ Thánh Thể (Holy Qurbana) không nên là lý do gây chia rẽ trong Giáo hội”, Cha Antony Vadakkekara, phát ngôn viên của SMC, nói với CNA vào ngày 16 tháng 7.

“Đó là lý do tại sao Thượng Hội đồng [SMC] đã đưa ra đề xuất thỏa hiệp để cử hành ít nhất một Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn ở mỗi Giáo xứ”.

Rắc rối bắt đầu nảy sinh trong Tổng Giáo phận vào tháng 8 năm 2021 sau khi Thượng Hội đồng SMC quy định Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn, còn được gọi là “Thánh lễ đồng nhất”, trong đó vị Linh mục quay về phía bàn thờ, quay lưng về phía cộng đoàn sau lời nguyện tiến lễ. Các Linh mục của Tổng Giáo phận Ernakulam đã phản bác điều này và tiếp tục cử hành Thánh lễ hướng về phía giáo dân trong suốt buổi cử hành phụng vụ.

Những lời kêu gọi của Thượng Hội đồng và Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đến sự phản đối của hàng giáo sĩ và giáo dân, đỉnh điểm là việc Đức Thánh Cha đưa ra thời hạn cho Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn sẽ được thực hiện bắt đầu vào ngày 7 tháng 12 năm 2023, trong một thông điệp video gửi tới Tổng Giáo phận.

Lưu ý đến lời khuyên này của Đức Thánh Cha Phanxicô, Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn đã được cử hành vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 2023, nhưng đại đa số trong số 450 Linh mục của Tổng Giáo phận đã phản đối. Một lá thư mục vụ sau đó đã được Đức Tổng Giám mục Giáo phận ban hành vào ngày 14 tháng 6 với lời đe dọa vạ tuyệt thông và thời hạn vào tháng 7.

“Các Linh mục không tuân thủ quyết định của chúng tôi từ ngày 3 tháng 7 sẽ bị coi như những người đã rời bỏ tình huynh đệ của Giáo hội Công giáo. Những Linh mục như vậy sẽ bị cấm cử hành Thánh lễ trong Giáo hội Công giáo từ ngày 3 tháng 7”, Đức Tổng Giám mục Raphael Thattil, người đứng đầu Thượng Hội đồng SMC, cảnh báo trong lá thư mục vụ.

Bức thư đã gây ra những cuộc phản đối mạnh mẽ vào Chúa nhật ngày 16 tháng 6. Bên cạnh việc “chưa được đọc” ở hầu hết 330 Giáo xứ trong Tổng Giáo phận, một số Giáo xứ còn chứng kiến các cuộc biểu tình chưa từng có như đốt lá thư mục vụ, vứt vào thùng rác và ném vào các vùng nước xung quanh các nhà thờ.

Với tình trạng căng thẳng gia tăng trước thời hạn ngày 3 tháng 7, Đức Tổng Giám mục Thattil và Giám quản Tông Tòa Ernakulam, Đức Giám mục Bosco Puthur, đã gấp rút tổ chức các cuộc họp với các cơ quan Linh mục và đi đến một kế hoạch được công bố vào ngày 1 tháng 7.

Nhà thờ Thánh George Forane (Deanery), ở Edappally, Ấn Độ, ngày 13 tháng 7 năm 2024, trong mùa gió mùa u ám (Ảnh: Anto Akkara)

Nhà thờ Thánh George Forane (Deanery), ở Edappally, Ấn Độ, ngày 13 tháng 7 năm 2024, trong mùa gió mùa u ám (Ảnh: Anto Akkara)

Kêu gọi ít nhất một Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn được cử hành tại mỗi Giáo xứ vào các ngày Chúa nhật và các ngày bắt buộc khác, kế hoạch cho phép tiếp tục phụng vụ hiện hành hướng về phía giáo dân. Tuyên bố cũng nói rằng cơ quan Linh mục chủ chốt và Hội đồng mục vụ sẽ được tham khảo ý kiến trước khi Thượng HYội đồng SMC đưa ra quyết định tiếp theo về vấn đề này.

“Đó là một bước đột phá lớn và nó đang hoạt động”, Cha Vadakkekara nói. “Việc tuân thủ vào ngày 3 tháng 7 [đối với Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn] là hơn 50%. Vào ngày 7 tháng 7, Chúa nhật, con số này là 75%. Tình hình sẽ được cải thiện từ đây trở đi”.

“Chúng tôi rất vui vì Đức Tổng Giám mục Thattil đã đưa ra một phương pháp rất tích cực. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận”, Cha Jose Vailikodath, phát ngôn viên của Ủy ban Bảo vệ Tổng Giáo phận (APC), nói với CNA.

“Chúng tôi không có ý định bất tuân sự lãnh đạo của Giáo hội nhưng chúng tôi muốn Giáo hội thừa nhận sự phản đối của chúng tôi đối với Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn vì lý do lịch sử. Giờ đây, tảng băng đã vỡ. Chúng tôi cầu nguyện để sự kình địch vĩnh viễn bị loại bỏ”, Cha Vailikodath nói.

 “Chúng tôi rất vui vì không có một vấn đề nào xảy ra ở bất kỳ Giáo xứ nào vào ngày Chúa nhật. Đó là một dấu hiệu tốt đẹp. Hy vọng đây là một sự khởi đầu mới”, Riju Kanjookaran thuộc phong trào giáo dân, người lãnh đạo một số cuộc biểu tình, nói với CNA.

 Bất chấp những lo ngại về sự gián đoạn, không có báo cáo nào từ Tổng Giáo phận khi một Thánh lễ được Thượng Hội đồng phê chuẩn được cử hành ở hầu hết các Giáo xứ.

“Chúng tôi quyết định cử hành Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội đồng vào buổi tối – Thánh lễ Chúa nhật thứ tư”, Cha Joseph Karumathy, Linh mục quản xứ Nhà thờ Thánh Đaminh, nói với CNA vào ngày 14 tháng 7.

Trong khi các nhà phê bình nói rằng Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội đồng được lên kế hoạch vào những thời điểm lạc lõng ở một số Giáo xứ mà không nằm trong lịch trình thông thường, một số Linh mục nói rằng Thánh lễ được lên kế hoạch cho một thời điểm đặc biệt vì chỉ có một số ít người háo hức tham dự.

Giáo xứ Thánh Phêrô và Phaolô với 370 gia đình tại Thaikattukara gần Aluva đã cử hành Thánh lễ theo quy định mới của Thượng hội đồng vào lúc 3:30 chiều như Thánh lễ thứ ba trong ngày. Vào ngày 14 tháng 7, chỉ có khoảng hai chục người tham dự Thánh lễ theo quy định mới của Thượng hội đồng và trong số những người tham dự chỉ có một người nói “Tôi đến đây tham dự Thánh lễ theo quy định mới”, trong khi những người khác nói rằng Thánh lễ bổ sung buổi chiều mới phù hợp với họ.

Nhưng Giáo xứ Maria Nữ Vương tại Thoppil, với hơn 1.000 gia đình, là một trong 7 Giáo xứ trong Tổng Giáo phận chỉ cử hành Thánh lễ theo quy định mới của Thượng hội đồng.

“Tất cả 3 Thánh lễ ở đây chỉ được cử hành theo quy định mới của Thượng hội đồng”, Cha Simon Pallupetta, Cha sở của Giáo xứ Maria Nữ Vương ở Thoppil, nói với CNA. “Khi tôi được lựa chọn thuyên chuyển, tôi đã nhất quyết yêu cầu một Giáo xứ nơi cử hành Thánh lễ theo quy định mới của Thượng Hội đồng. Đã có một số ý kiến ​​phản đối nhưng tôi đã thuyết phục họ đi theo hệ thống này”.

“Tôi kiên quyết ủng hộ quyết định của Thượng Hội đồng. Toàn bộ vấn đề phải được giải quyết sớm nhất bằng đối thoại và hành động vì sự chia rẽ trong Giáo hội là một sự ô nhục”, Cha Pallupetta nói.

Nhà thờ Chính tòa St. Mary, một trong những Giáo xứ trong Tổng Giáo phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự kình địch gay gắt (Ảnh: Anto Akkara)

Nhà thờ Chính tòa St. Mary, một trong những Giáo xứ trong Tổng Giáo phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự kình địch gay gắt (Ảnh: Anto Akkara)

Các Giáo xứ khác trong Giáo phận hiện chưa có phản ứng tương tự. 60 nhà thờ, chẳng hạn như nhà thờ Thánh George Deanery ở Edappally, vẫn chưa cử hành Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội đồng vì các nhóm giáo dân kình địch đã đệ đơn lên tòa án cả ủng hộ lẫn phản đối việc cử hành Thánh lễ theo quy định này.

Một trong những Giáo xứ trong Tổng Giáo phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự kình địch gay gắt là Nhà thờ Chính tòa St. Mary. Mặc dù ngôi Vương cung Thánh đường được mở cửa vào tháng 3 sau khi bị đóng cửa hơn một năm, nhưng vào ngày 14 tháng 7, nhà thờ này trông vắng vẻ và hầu như không có ai vào, kể cả vào ngày Chúa nhật, vì Thánh lễ không được phép cử hành trong ngôi Vương cung Thánh đường này do lệnh của tòa án.

“Ở đây tôi cảm thấy rất buồn vì tôi không thể cử hành Thánh lễ trong ngôi Vương cung Thánh đường mặc dù tôi có thể chủ sự việc ban phép lành hôn nhân, cử hành Bí tích Rửa tội và nghi thức an táng bên trong”, Cha Varghese Manavalan, Cha sở Giáo xứ Chính tòa St. Mary, nơi có 1.900 gia đình theo sổ sách, nói với CNA.

“Tôi thiết tha cầu nguyện để các bên liên quan đến vụ việc sẽ bị đánh động trước thông điệp vào ngày 3 tháng 7 và đảm bảo rằng Vương cung Thánh đường sẽ mở cửa để cử hành Thánh lễ sớm nhất có thể”, Cha Manavalan nói. “Các tín hữu đến với tôi đều thất vọng. Chúng tôi không thể tiếp tục như thế này được”. Cha Manavalan hiện đang cử hành Thánh lễ tại các địa điểm bên ngoài nhà thờ.

“Những diễn biến từ ngày 3 tháng 7 cho chúng tôi hy vọng. Cả hai bên đã có lập trường không khoan nhượng dẫn đến tình trạng tai tiếng”, Cha Ignatius Payyappilly, người phụ trách văn khố của Tổng Giáo phận, nói với CNA.

“Cả hai bên đều gây tổn hại nhiều hơn là có lợi cho Giáo hội, đặc biệt bằng cách xua đuổi giới trẻ ra khỏi Giáo hội”, Cha Payyappilly chỉ ra. “Vụ bê bối bắt đầu ở đỉnh điểm của COVID vào năm 2021. Khi sự chia rẽ trở nên tồi tệ hơn, giới trẻ thực sự thất vọng”.

Sự kình địch gay gắt với Thượng Hội đồng đã khiến Tổng Giáo phận Ernakulam, một trong những Giáo phận lớn nhất đất nước với hơn 600.000 người Công giáo và 330 giáo xứ, rơi vào tình trạng hỗn loạn về sự lãnh đạo mục vụ và nhiều bận tâm khác.

Tổng Giáo phận hiện vẫn dưới quyền lãnh đạo của một Giám mục Giám quản Tông Tòa, và việc truyền chức cho 8 Phó tế, những người đã hoàn thành ít nhất 11 năm đào tạo Chủng viện, vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi. Ban đầu, các Phó tế dự kiến ​​sẽ được truyền chức Linh mục vào mùa Giáng sinh năm ngoái.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết