“La Croix” thảo luận về mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với các Giáo hội Công giáo tại Phi châu với Laurent Duarte, điều phối viên của nhóm “Tournons la page”.
Một số Giáo hội Công giáo tại Trung Phi hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ các cơ quan chính phủ. Từ sự im lặng không dám lên tiếng, phản ứng của các nhà lãnh đạo Công giáo đã trở nên không còn thống nhất.
Tại sao Giáo hội Công giáo lại trực tiếp bị đe doạ bởi các chế độ khác nhau tại châu Phi?
Laurent Duarte: Giáo hội đang bị tấn công ở những quốc gia ở đó các nhà chức trách chính quyền không thể chấp nhận bất cứ ai bày tỏ sự phản kháng. Họ cho rằng bất kỳ sự phản đối nào cũng đều là mối đe dọa.
Mọi người thường nghĩ rằng việc các chính phủ có quyền lực đàn áp Giáo hội Công giáo có liên quan đến các chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không chính xác.
Cho dù các cuộc bầu cử có đang đến gần hay không, các giám mục đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ, cũng như các nhóm đối lập địa phương khác.
Ở một số quốc gia châu Phi, Giáo hội không còn là một thể chế không thể đụng tới nữa, điều chỉ còn là dĩ vãng. Hiện nay, chính phủ các quốc gia dễ dàng công kích Giáo hội hơn so với khoảng thời gian 20 hay 30 năm trước đây.
Chính sách đàn áp của các chính phủ rõ ràng đã ảnh hưởng đến khả năng mọi sự tiến lên phía trước.
Tông huấn ‘Africae Munus’ năm 2011, vốn kêu gọi Giáo hội Phi Châu nỗ lực dấn thân hớn nữa vì công bằng xã hội, dường như là một Tông huấn nhắm đến mục đích này.
Tuy nhiên, sự quan tâm đến việc quản trị của chính phủ, sự tham gia của công dân và ý tưởng về phẩm giá con người, đang ngày càng được các Giáo hội địa phương đề cao nhờ mạng lưới Ủy ban Công lý và Hoà bình.
Các Giáo hội tại Châu Phi có thực sự liên đới với nhau để đối phó với những áp lực này?
Các tổ chức Công giáo khu vực, chẳng hạn như Hiệp hội các Hội đồng Giám mục vùng Trung Phi (ACERAC), vẫn còn tương đối rời rạc.
Chính vì thế, các Giám mục thường gặp khó khăn trong việc nhìn xa hơn viễn cảnh của một quốc gia.
Hiện tại, nhiều Hội đồng Giám mục đang hướng nhìn Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi có thể đưa ra một kiểu mẫu nào đó, nhưng vẫn chưa có bất kì hành động chung nào.
Trong khi đó, vẫn có những dấu hiệu của tinh thần liên đới, đang được thực hiện bởi cơ quan Caritas lục địa, vốn đang cố gắng tự tái cơ cấu nhằm thúc đẩy sự hợp tác lớn mạnh hơn.
Đâu là những kẻ thù chính của Giáo hội Công giáo?
Giáo hội là kẻ thù tồi tệ nhất đối với chính mình. Nếu không đổi mới cách tiếp cận của mình trên lục địa, nơi có 78% dân số hiện còn dưới 18 tuổi, thì nguy cơ có thể xảy ra là Giáo hội sẽ không còn được lắng nghe nữa.
Giáo hội cần phải tìm hiểu để có thể tiếp cận với các bạn trẻ hoặc nếu không, Giáo hội sẽ mất họ. Giáo hội cũng cần phải cẩn thận không được tự cho phép mình bị chia rẽ. Một Hội đồng Giám mục bị suy yếu sẽ rất khó khăn trong việc lên tiếng.
Ngoài ra, những tiến bộ chủ yếu của các nhóm thuộc phong trào Ngũ Tuần, vốn thường dựa trên logic cá nhân, cũng góp phần làm suy yếu Giáo hội.
Cuối cùng, Giáo hội bị đe dọa trực tiếp bởi các chế độ độc tài. Họ cướng bức Giáo hội bằng bạo lực và buộc Giáo hội phải im lặng để không bị công kích. Việc đàn áp hiện nay đang diễn ra tại Trung Phi.
Vai trò của người giáo dân là gì?
Mặc dù chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của giáo dân trong Giáo hội, nhưng Giáo hội Công giáo ở Châu Phi hiện vẫn còn mang nặng tính giáo sĩ trị.
Các vị trí chính yếu vẫn thường là do các linh mục nắm giữ là chủ yếu. Nhưng mặt khác, các mạng lưới đang phát triển, trong đó có các phong trào Giáo hội và xã hội dân sự, giáo dân và giáo sĩ, chẳng hạn nhóm ‘Tournons la page’ mà tôi đang cộng tác.
Chúng tôi đang mở thêm các chi nhánh ở nhiều nước châu Phi.
Những nhân vật lớn nào của Giáo hội Phi châu có thể góp phần tạo ra một kiểu mẫu cho sự tham gia vào lĩnh vực chính trị?
Ngoài Đức Cha Louis Portella Địa phận Kinkala tại Brazzaville-Congo, chúng ta có thể đề cập đến Đức Hồng y Laurent Monsengwo Địa phận Kinshasa và Cha Donatien Nshole, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Công-gô.
Tôi cũng muốn nhắc đến Cha Gustave Sanvee, Tổng Thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình Togo, và Đức Giám mục Bienvenu Manamika Bafouakouahou Địa phận Dolisie tại Brazzaville-Congo.
Minh Tuệ (theo La Croix)