Các nhà hoạt động Công giáo trên khắp châu Phi đã cùng với các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Nigeria lên án nỗ lực của chính phủ nhằm “mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ chấm dứt thai kỳ an toàn” tại quốc gia Tây Phi này.
Bộ trưởng Y tế Nigeria, Tiến sĩ Mukhtar Yawale Muhammad và Tiến sĩ Osagie Ehanire, đã thúc đẩy việc sửa đổi Bộ luật Hình sự để mở rộng quyền tiếp cận quyền phá thai và họ đã tìm được mối quan hệ đối tác làm việc với các tổ chức phi chính phủ thúc đẩy phá thai như Liên đoàn Kế hoạch hóa Gia đình Quốc tế, IPPF và Ipas.
Chính phủ đã lập luận rằng mục đích là để bảo vệ sự sống của trẻ em gái và phụ nữ, nơi có hơn 20 đến 30% số ca tử vong ở bà mẹ là do phá thai không an toàn. Tiến sĩ Lucky Palmer, Giám đốc quốc gia của Ipas Nigeria Health Foundation, cho biết rằng việc mang thai ngoài ý muốn góp phần gây ra hơn 1.500 ca tử vong ở bà mẹ hàng năm tại Nigeria.
Các nhà hoạt động Công giáo dưới tổ chức chung của họ, CitizenGO Africa, đã phản đối việc nới lỏng luật phá thai, với lý do quyền được sống của ngay cả những đứa trẻ chưa chào đời.
“Động thái này [hợp pháp hóa phá thai] đe dọa đến tính mạng của hàng triệu trẻ em chưa chào đời và làm suy yếu luật pháp cũng như nền tảng đạo đức của quốc gia chúng ta”, các nhà hoạt động cho biết trong cuộc biểu tình vào ngày 2 tháng 12.
“Sự sống của những đứa trẻ vô tội chưa chào đời đang bị đe dọa, và việc bình thường hóa phá thai sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho sự hạ thấp bi kịch của sự sống con người ở Nigeria”.
Các nhà hoạt động đã thúc giục Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu, sa thải 2 Bộ trưởng, khẳng định rằng các quan chức chính phủ đã “liên kết với một chương trình nghị sự nhằm tước đi bản sắc ủng hộ sự sống của Nigeria, ưu tiên lợi ích nước ngoài hơn sự sống của trẻ em Nigeria”.
Họ cảnh báo rằng việc trì hoãn sa thải các Bộ trưởng “sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với tương lai mà tính thiêng liêng của sự sống bị coi nhẹ và việc phá thai trở nên bình thường”.
Các nhà lãnh đạo Công giáo ở Nigeria đã lên tiếng phản đối, họ nói với Crux rằng phá thai về cơ bản là vi phạm món quà sự sống mà Thiên Chúa ban tặng.
Josef Ishu, Thư ký Văn phòng Giáo dân của Hội đồng Giám mục Nigeria cho biết lập trường của Giáo hội Công giáo về phá thai là không ai có quyền tước đoạt hoặc chấm dứt sự sống của người khác.
“Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của Giáo huấn Xã hội Công giáo, tôn trọng sự sống con người kể từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên, kể từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi chết. Điều này là do sự sống là điều thiêng liêng, và tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, do đó, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tước đi sự sống khi Ngài muốn”, ông Ishu nói với Crux.
Ông Ishu đã bác bỏ lập luận của các nhà hoạt động ủng hộ phá thai rằng phụ nữ có quyền làm bất cứ điều gì cô ấy muốn với cơ thể mình.
“Họ đã sai”, ông Ishu nói, và đồng thời cho biết ông tự hỏi tại sao những người ủng hộ phá thai lại không bao giờ đặt câu hỏi tại sao họ không bị mẹ của họ phá thai.
“Sự thật của vấn đề là ngay cả khi bạn muốn kiểm soát việc sinh nở, Giáo hội Công giáo khuyến nghị phương pháp billings, kiêng quan hệ tình dục hoàn toàn đối với nam giới và phụ nữ chưa kết hôn. Vì vậy, việc đưa ra những lập luận như vậy về quyền quyết định những gì sẽ xảy ra với cơ thể của phụ nữ là hoàn toàn không cần thiết”, ông Ishu nói với Crux.
Cha Zacharia Nyantiso Samjumi, Tổng thư ký Ban thư ký Công giáo Nigeria (CSN) cho biết thêm rằng các Bộ trưởng chính phủ đã vi phạm Hiến pháp đất nước khi ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.
“Sự phát triển này đe dọa nghiêm trọng đến giá trị và phẩm giá của con người,” vị Linh mục nói với Crux.
“Thật đáng buồn khi biết rằng Chính phủ lại là bên không hề biết đến Hiến pháp của đất nước mà họ đã long trọng tuyên thệ bảo vệ vì các quyết định của Chính phủ vi phạm các điều khoản của Hiến pháp, trong đó quy định phải bảo vệ và tôn trọng tuyệt đối sự sống con người và phẩm giá vốn có của con người. Ví dụ, điều 33 của Hiến pháp năm 1999, sau khi sửa đổi, đảm bảo quyền sống, nêu rõ rằng “mọi người đều có quyền sống và không ai bị tước đoạt mạng sống một cách cố ý, trừ khi đang thi hành bản án của tòa án về một tội hình sự mà người đó bị kết tội ở Nigeria”, Cha Samjumi nói thêm.
Cha Samjumi cho biết Chương IV của Hiến pháp này nêu rõ các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền sống, quyền được tôn trọng phẩm giá và quyền không bị phân biệt đối xử, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mạng và phẩm giá con người.
“Làm sao một chính phủ lại có thể làm như vậy với người dân của mình? Hiến pháp nói một điều, và chính phủ, vốn có nghĩa vụ duy trì Hiến pháp, lại cố tình vi phạm nó”, Cha Samjumi nói.
Cha Samjumi đề xuất rằng thay vì “thúc đẩy nền văn hóa sự chết thông qua việc hợp pháp hóa phá thai, chính phủ cần phải coi trọng phẩm giá thiêng liêng và tình yêu thương dành cho con người, điều được bảo đảm bởi luật tự nhiên và 10 Điều răn và được khẳng định trong hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Nigeria”.
“Sẽ an toàn hơn khi đưa phẩm giá con người vào chương trình giảng dạy thay vì chống lại nó dưới danh nghĩa cung cấp quyền được tiếp cận, được che đậy dưới vỏ bọc tự do của con người. Chúng ta càng biết và coi trọng phẩm giá của người khác, thì xã hội sẽ càng chung sống trong hòa bình và sự hòa hợp”, Cha Samjumi nói với Crux.
Minh Tuệ (theo Crux)