Giáo Hội Paraguay và nỗ lực xây dựng đất nước

Ngày 22 tháng 4 vừa qua trong cuộc tổng tuyển cử tại Paraguay ông Mario Abdo Benítez, nguyên thượng nghị sĩ bảo thủ, đã đắc cử tổng thống với 46,44% tổng số phiếu. Thế là chính quyền tiếp tục nằm trong tay đảng Colorado cai trị Paraguay từ nhiều thập niên qua. Ông Efrain Alegre thuộc đảng tự do cấp tiến được 42,74%  số phiếu. Trong cuộc tranh cử tân tổng thống Abdo Benítez hứa sẽ duy trì thuế thấp và gia tăng việc xuất cảng các sản phẩm nông nghiệp của Paraguay. Trong diễn văn nhậm chức tổng thống tân cử nói: “Chính quyền của tôi dấn thân để được sự tin cậy của tất cả những ai đã không ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi chào mừng tất cả những ai muốn xây dựng một đất nước công bằng, một đất nước với cơ chế bình đẳng, có luân lý đạo đức, hùng mạnh và độc lập”.Nu Guazu field in the outskirts of Asuncion - Paraguay

Tổng thống tân cử là con của bí thư của cựu tổng thống Alfredo Stroesner cai trị Paraguay trong các năm 1954 tới 1989 và là một trong các vị lãnh đạo độc tài nhất châu mỹ latinh. Trước đó tổng thống mãn nhiệm Horacio Cartes, cũng thuộc đảng Colorado, đã tìm cách thay đổi Hiến pháp để có thể ra tranh cử nhiệm kỳ hai, và đã gây ra các cuộc tranh luận và biểu tình phản đối trên toàn nước. Trong các năm qua Paraguay có nền kinh tế gia tăng nhờ xuất cảng thịt và đậu nành. Trong thời gian tranh cử toàn nước đã thảo luận về tình hình an ninh quốc gia, nạn gian tham hối lộ và các vấn đề xã hội.

Trước đây mấy tháng phe đối lập xem ra thắng thế, vì bao gồm đảng Tự do cấp tiến và đảng Guasù của nguyên tổng thống Fernando Lugo cũng như sự ủng hộ của ông Mario Ferreiro, thị trưởng thủ đô Asuncion. Ông Raul Ricardi, giáo sư xã hội học tại phân khoa Khoa học xã hội đại học quốc gia Asuncion, cho biết người dân Paraguay đã sống cuộc tranh cử trong bầu khí vô cảm, vì họ xác tín rằng đó chỉ là một hình thức bầu cử cho có chuyện và sẽ chẳng có gì thay đổi. Do đó các ứng cử viên các đảng phái có hứa hẹn cái gì đi nữa rồi đâu cũng sẽ lại vào đấy, khi họ lên cầm quyền. Dân chúng đã chán nản và nghĩ rằng lá phiếu của họ sẽ chẳng thay đổi được tình trạng đất nước bệ rạc với biết bao nhiêu vấn đề đang siết chặt vòng vây, cũng như tình trạng các nhóm đa quốc, nạn gian tham hối lộ, các tổ chức tội phạm mafia và buôn bán ma túy, tự do thao túng.

Trong đại hội khoáng đại lần thứ 216 hồi tháng 10 năm ngoái 2017 các Giám Mục Paraguay đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề gia đình, cuộc sống của tín hữu, nền giáo dục công, lý thuyết về giống, các đòi buộc tôn trọng quyền con người và sự sống chung trong nền dân chủ, cũng như cuộc tổng tuyển cử vào ngày 22 tháng 4 năm 2018.

** Trong một thông cáo gửi hãng tin FIDES của Bộ Truyền Giáo HĐGM Paraguay cho biết cuộc sống chung huynh đệ tại Paraguay đã trải qua nhiều thử thách, với các thời điểm căng thẳng đã qua, nhưng đất nước vẫn còn phải đương đầu với các thách đố và các tình trạng xã hội cần được lưu tâm và cải tiến để mưu cầu thiện ích cho toàn dân. Cuộc tranh cử bắt đầu là dịp giúp dân chúng có cơ may có các lựa chọn tốt nhất cho hiện tại và cho tương lai, phân định trên bình diện luân lý đạo đức và tôn giáo các đề nghị và chương trình chính trị của các ứng cử viên. Chính quyền mà họ lựa chọn phải làm tốt hết sức có thể để xây dựng sự tin tưởng của dân chúng, củng cố sự hiệp nhất quốc gia, bảo đảm việc đối thoại, và cùng nhau làm việc trong hài hòa, bao gồm sự đóng góp của tất cả mọi người. Bỏ phiếu là một khởi đầu quan trọng của cuộc sống dân chủ trong nước. Như là các chủ chăn chúng tôi mời gọi tất cả mọi người thực thi quyền công dân của mình trong tinh thần trách nhiệm.

Sau cùng các Giám Mục khích lệ tín hữu và toàn dân như sau: “Giáo Hội được mời gọi tiếp nhận các thách đố hoán cải mục vụ với niềm hy vọng, và tiếp tục là tác nhân của một thế giới nhân bản hơn, một xã hội huynh đệ hơn, một kiểu sống cởi mở hơn cho sự siêu việt và nhậy cảm đối với thụ tạo. Như là các chủ chăn chúng tôi muốn trông thấy các tín hữu giáo dân trưởng thành, dấn thân trong lãnh vực xã hội chính trị, rất cần thiết cho việc canh tân quốc gia.” Các Giám Mục cũng mời gọi mọi người nỗ lực xây dựng cuộc chung sống trong sự tôn trọng lẫn nhau, không sợ hãi, luôn luôn nhìn về  xa hơn các khác biệt không thể khước từ, vì chúng làm giầu cho tất cả mọi người.

Như đã biết Paraguay đã trải qua một thời gian bất ổn chính trị, vì tổng thống mãn nhiệm Horacio Cartes đã đưa ra đề nghị tu chính Hiến pháp để có thể tái ứng cử, trong khi Hiến pháp quy định mỗi nhiệm kỳ chỉ kéo dài 5 năm. Đã xảy ra các vụ biểu tình xuống đường phản đối và đụng độ với cảnh sát khiến cho nhiều người chết và bị thương. HĐGM đã làm trung gian đối thoại khiến cho tình hình căng thẳng lắng dịu.

Trong thông cáo nói trên các Giám Mục Paraguay cũng đề cập tới  chuyến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh trong các ngày từ mùng 5 tới 12 tháng 11 năm 2017. Các  vị cho biết sẽ đem theo các âu lo, các nhu cầu cũng như các thỉnh nguyện ước mong của tín hữu, và tình hình thực tại cuộc sống của dân nước Paraguay theo về Roma, tín thác mọi sự cho sự yểm trợ và liên đới của Tòa Thánh, cũng như chia sẻ chúng với Giáo Hội hoàn vũ, nhằm canh tân sự hiệp thông giáo hội trong hy vọng và bác ái. Chuyến viếng thăm Tòa Thánh là một thời điểm quan trọng trong việc thi hành chức vụ chủ chăn, trong đó ĐTC tiếp các Giám Mục của Giáo Hội Paraguay và thảo luận các vấn đề liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội Paraguay.

** Chính trong bầu khí trên đây ngày 23 tháng 6 vừa qua ĐHY Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã chủ sự lễ phong Chân phước cho chị Maria Felicia Guggiari Echeverria, dòng Cát Minh nhặt phép, sinh năm 1925 và qua đời năm 1959 tại Asuncion. Người dân Paraguay thân thương gọi chị là “Chiquitunga”. Thánh lễ đã được cử hành tại sân vận động Cerro Portenho. Khi đến Asuncion chiều hôm trước ĐHY Amato đã đến chào  thăm giới chức chính quyền và cả tổng thống mãn nhiệm Horacio Cartes, cùng với ĐC Edmundo Valenzuela TGM Asuncion, và linh mục Romano Gambalunga, thỉnh nguyện viên phong thánh. Chị Maria Felicia Guggiari Echeverria ngày còn trẻ đã thích sống đời cầu nguyện và hoạt động tông đồ như thành viên phong trào Công giáo tiến hành. Chị dậy giáo lý cho trẻ em, giới trẻ và sống gần gũi với các sinh viên nghèo. Năm 1955 khi đã 30 tuổi, chị xin gia nhập dòng Cát Minh nhặt phép lấy tên là Maria Felicia Chúa Giêsu Thánh Thể. Chị qua đời vì bệnh gan ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 1959. Chị là vị thánh đầu tiên của đất nước Paraguay. Lễ phong chân phước cho chị khiến cho tín hữu và người dân phấn khởi hơn trong tình trạng chính trị xã hội còn có nhiều điều phải cải tiến.

Cộng hòa Paraguay rộng gần 407.000 cây số vuông có 6,7 triệu dân, trong đó có 95% là người lai giống, con cái của các thổ dân và người Tây Ban Nha, và 5% thuộc các nhóm dân khác bao gồm cả 19 bộ lạc thổ dân. Trong số các nhóm ngoại quốc có các người gốc Ý, Đức, Nga,  Hàn Quốc,  Hoa,  Ả Rập,  Ukraina,  Brasil và Argentina. Người Brasil là cộng đồng lớn nhất khoảng 400.000 người. Cũng có khoảng 63.000 người Paraguay gốc Phi, chiếm 1% dân số.

Thống kê năm 2002 cho biết có 19 bộ tộc thổ dân khác nhau gồm 496 cộng đoàn sống rải rác trên toàn nước, và thuộc 5 gia đình ngôn ngữ nói 19 thứ tiếng khác nhau. Người dân Paraguay nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guarani được 90% tổng số dân thông hiểu. Trong số các ngôn ngữ thổ dân có các thứ tiếng như tupï-guaraní, Zamuco, Mataco-Mataguayo, Maskoy e Guaicurú.

Trên bình diện tôn giáo 88,9% tổng số dân theo Công Giáo, 6,2% theo Tin Lành, 2% không theo tôn giáo nào và 1,1% thuộc các Giáo Hội Chính Thống và các giáo phái kitô khác, 0,6% theo các tôn giáo cổ truyền bản địa. Bên cạnh đó cũng có các tín hữu Do thái, Hồi  giáo và Bahai. Trong số các giáo phái tin lành có hai nhóm Mormon và Mênonít là đông tín hữu nhất.

Giáo Hội công giáo đã hiện diện tại Paraguay ngay từ đầu thế kỷ thứ XVI, khi người Tây Ban Nha đặt chân đến đây đem theo các thừa sai rao giảng Tin Mừng cho các thổ dân. Năm 1537 nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan de Salazar y Espinoza đã thành lập điểm định cư tại Asunción. Giáo phận Asuncion đã được thành lập năm 1547 và thành phố trở thành trung tâm của một tỉnh thuộc địa của Tây Ban Nha, cũng như là cứ điểm chính của các nhà truyền giáo, trong đó có các tu sĩ  dòng Tên. Dòng Tên đã được thành lập và phát triển tại miền đông Paraguay khoảng 150 năm cho đến khi vua Tây Ban Nha trục xuất họ vào năm 1767. Paraguay giành được độc lập từ Tây Ban Nha vào ngày 15 tháng 5 năm 1811.

** Hiện nay Giáo Hội Paraguay gồm 1 tổng giáo phận, 11 giáo phận, 2 giám tòa quản tông tòa và một giáo phận quân đội.  Thống kê năm 2013 cho biêt Giáo Hội có 372 giáo xứ, với 804 linh mục, 498 đại chủng sinh, 180 Phó tế vĩnh viễn, 623 tu huynh và 1473 nữ tu.

Lịch sử Paraguay đặc trưng với những thời kỳ dài bất ổn và xung đột chính trị, cũng như chiến tranh với các nước láng giềng và nội chiến. Từ năm 1904 đến 1954, Paraguay có tới 31 vị tổng thống, hầu hết trong số đó bị loại bỏ bởi các cuộc đảo chánh và vũ lực.

Sau Thế chiến II, nền chính trị Paraguay không ổn định với sự kiện một vài đảng phái giao chiến với nhau để tranh giành quyền lực, và sau đó đã dẫn tới cuộc nội chiến năm 1947. Một loạt các chính phủ không vững chắc được thành lập và kết thúc năm 1954 với chế độ của nhà độc tài Alfredo Stroessner, tại nhiệm trong hơn ba thập niên sau đó.

Các thống kê cho biết Paraguay có từ 30 tới 50 % dân nghèo. Tại nông thôn có tới 42.2% dân thiếu ăn. Trong khi đó thiểu số 10% dân lại chiếm tới 43,8% toàn thu nhập quốc gia. Tình hình suy thoái kinh tế đã làm cho sự bất bình đẳng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, nhất là tại các khu vực nông thôn. Hiện tượng chiếm hữu tập trung đất đai tại các vùng nông thôn Paraguay có tỷ lệ cao nhất thế giới: 10% dân số gồm các đại điền chủ kiểm soát 66% tổng số đất đai, trong khi 30% dân cư nông thôn không có đất đai để trồng trọt, sản xuất mưu sinh. Chính tình trạng bất bình đẳng này là nguyên nhân gây ra các vụ xung đột giữa các nông dân nghèo không có đất và giới đại diền chủ.

Tại Paraguay nền giáo dục công cộng được miễn phí, tuy nhiên học sinh phải tự mua đồng phục và đóng tiền mua thiết bị dạy học. Ngôn ngữ giảng dạy chính thức là tiếng Tây Ban Nha.

Tỷ lệ biết chữ tại Paraguay là 91%. Nên giáo dục sơ cấp miễn phí, bắt buộc và kéo dài 9 năm. Trường cấp hai tiếp tục ba năm còn lại. Paraguay có một vài trường đại học như Đại học Quốc gia Asunción, được thành lập năm 1889. Tỷ lệ tốt nghiệp sơ cấp là 88% vào năm 2005. Chi phí cho giáo dục chiếm 4,3% tổng sản lượng quốc gia vào đầu thập niên 2000.

Paraguay có hệ thống bệnh viện, nhưng phần lớn đều tập trung ở các thành phố lớn, còn tại các thành phố nhỏ hoặc vùng nông thôn chủ yếu chỉ có các phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế. Bệnh về răng lợi khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, mối nguy hiểm thật sự của người dân Paraguay là bệnh rệp vinchuga, người bị cắn sau vài năm sẽ chết. Trong hiện tình đất nước khó khăn này phần đóng góp của Giáo Hội cũng giúp cải tiến được phần nào cuộc sống của dân nghèo, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế và an sinh.

Linh Tiến Khải Radio Vatican

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết