Giáo hội như một bệnh viện dã chiến đang được mở ra

Một bức tranh tường mô tả một y tá ôm dáng người Ý trong bệnh viện của Giáo hoàng John XXIII trong tình đoàn kết với các nhân viên y tế ở Bergamo  

Một bức tranh tường mô tả một y tá ôm lấy hình dáng nước Ý ở bệnh viện Giáo hoàng Gioan XXIII trong tinh thần liên đới với các nhân viên y tế ở Bergamo

Sự lây lan của Covid-19 là một thảm họa của nhân loại. Nhưng một cách nghịch lý, đó có thể cũng là thời gian của ân sủng đối với Giáo hội dù vẫn là thời gian của sự u buồn khốn quẫn.

Vị Giám mục Rôma, chỉ được tháp tùng bởi một số nhân viên an ninh, đi dọc theo con phố hoang vắng Via del Corso, khu mua sắm chính của Thành phố Vĩnh cửu. Vào một ngày Chúa nhật bình thường như mọi khi, con phố này là một đại lộ nhộn nhịp đông đảo khách du lịch. Tôi đã nhiều lần phải chiến đấu bằng mọi cách để có thể băng qua con phố này, và thông thường tôi phải cố gắng tìm cách né tránh nó vào một ngày cuối tuần do tình trạng tắc nghẽn.

Pope Francis walks in a deserted Rome to pray at two shrines for the end of the coronavirus pandemic, in RomeĐại dịch coronavirus đã thay đổi hoàn toàn điều đó. Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô băng qua Cung điện Doria Pamphilj, nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân lớn nhất ở Rôma, một người đi xe đạp đơn độc đi ngang qua. Ngân hàng của tôi nằm trên đại lộ Via del Corso. Vào ngày Đức Giáo hoàng Phanxicô đi ngang qua nơi đây, tôi nhận được một email từ ngân hàng nói với tôi rằng khu phố này đang tạm thời đóng cửa. Thành phố vĩnh cửu đã bị cách ly bởi lệnh cách ly được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Người dân Ý đã được yêu cầu ở nhà, ngừng các mối tương quan xã hội và chỉ mạo hiểm đến các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng thực phẩm.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã rời Vatican để tự mình hành hương đến nhà thờ Thánh Marcello, cầu nguyện trước cây Thánh giá được cho là đã làm chấm dứt trận dịch bệnh vào năm 1522. Trên đường đi, ĐGH Phanxicô đã viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Santa Maria Maggiore, cầu nguyện cho việc chấm dứt đại dịch trước bức linh ảnh của Đức Trinh Nữ Maria “Salus Populi Romani” (Đấng Bảo vệ dân thành Rôma). Đó là một cử chỉ của sự liên đới với những người anh chị em kề cận quanh mình.

Vài giờ trước, ĐGH Phanxicô đứng ở ban công của Điện Tông Tòa để ban phép lành truyền thống sau giờ kinh Truyền Tin vào mỗi Chúa nhật. Thông thường Ngài chúc lành cho một đám đông lên tới hàng ngàn người – lần này, không một người nào có mặt ở Quảng trường Thánh Phêrô. ĐGH Phanxicô đã ban phép lành cho tất cả những người bị giữ chân trong nhà của họ. Đó quả là một khoảnh khắc đau đớn đối với một vị Giáo hoàng, người liên tục tìm mọi cách để trở nên gần gũi với mọi người, người vươn ra để ôm lấy mọi người, và người nổi tiếng thúc giục các linh mục và giám mục phải “mang mùi của chiên”.

Các biện pháp đang được thực hiện ở Ý nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bao gồm việc cách ly và giữ khoảng cách xã hội, đã có hiệu lực, đồng nghĩa với sự hạn chế nghiêm trọng việc cử hành các Bí tích. Giống như các lãnh vực khác của đời sống đất nước, Giáo hội gần như hoàn toàn bị phong tỏa, với tất cả các buổi cử hành phụng vụ tôn giáo – bao gồm Thánh lễ và tang lễ – bị đình chỉ cho đến ít nhất là ngày 3 tháng Tư. Các buổi cử hành này cũng đã bị đình chỉ ở Ireland, Tây Ban Nha, Đức, Hoa Kỳ và các nơi khác.

Vatican đã đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ khi tuyên bố rằng việc cử hành các nghi thức Tuần Thánh năm nay, theo truyền thống là do Đức Giáo hoàng chủ sự, sẽ được cử hành mà không có sự hiện diện về thể lý của các tín hữu, và thay vào đó sẽ được truyền hình trực tiếp. Các Thánh lễ ban sáng của Đức Phanxicô, giờ kinh Truyền Tin vào mỗi Chúa nhật và buổi tiếp kiến chung vào mỗi thứ Tư hàng tuần đều được truyền hình trực tiếp. Với việc 170 triệu người đã bị cách ly ở châu Âu và Bắc Mỹ, việc cử hành phụng vụ đang diễn ra thông qua nền tảng kỹ thuật số.

Bất chấp những hạn chế đối với việc thờ phượng thiêng liêng, sự lây lan virus đã cho thấy sứ mạng của Giáo hội là cần thiết hơn bao giờ hết. Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng, việc yêu thương một người anh chị em thân cận không chỉ là một lợi ích xã hội, mà còn là vấn đề về sự sống và sự chết. Đại dịch cũng đang củng cố sự cần thiết của tinh thần cộng đồng và của sự liên đới. “Trong những năm gần đây, chúng ta đã tự kết án mình với một hình thức của việc tự cô lập”, Giám mục Địa phận Bergamo, Đức Cha Francesco Beschi mà Giáo phận của ngài là trung tâm của cuộc khủng hoảng, cho biết. “Tất cả mọi người đều chỉ nghĩ cho bản thân mình. Trong thời điểm này, chúng ta phải trải nghiệm một sự cô lập bị áp đặt, chúng ta nhận ra rằng sự chia sẻ là cần thiết biết bao nhiêu”.

Một số người dân Ý đang cùng nhau ca hát từ cửa sổ nhà mình để giữ tinh thần cho nhau, trong khi tiếng chuông nhà thờ vẫn vang lên mỗi đêm trên những con đường vắng vẻ ở Rôma. Truyền thống các tu viện có rất nhiều điều để nói về những gì chúng ta có thể học hỏi được khi chúng ta bị cầm chân một chỗ. “Đứng lên, bước vào căn phòng của mình”, Cha Abba Moses nói, “và ở đó, căn phòng của bạn sẽ dạy cho bạn mọi thứ”. Việc phải đối mặt với sự mong manh của sự sống có thể khiến có nhiều người hơn, trong một nền văn hóa hậu Kitô giáo, suy ngẫm về các vấn đề tôn giáo. Callum Brown, nhà sử học hàng đầu về chủ nghĩa tục hóa ở Anh, nhận thấy rằng việc đi nhà thờ đã lên đến đỉnh cao trong những năm ngay sau Thế chiến thứ hai.

Một cách nghịch lý, đây là thời gian của ân sủng cũng y như thời gian của sự u buồn khốn quẫn. Nó tạo cơ hội cho Giáo hội rời khỏi vùng an toàn nơi các nhà xứ và các tòa giám mục, và trở thành một người hành hương, một thiết chế truyền giáo hướng ngoại như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã liên tục kêu gọi trong suốt 7 năm Triều đại Giáo hoàng của Ngài. Có rất nhiều sự rủi ro. Trong một bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin vào cuối tuần, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảm ơn các linh mục vì đã đưa ra những cách thức “đầy sáng tạo” để làm công việc mục vụ cho các tín hữu trong cuộc khủng hoảng. Nhưng ngài đồng thời cũng đưa ra một lời cảnh báo. “Các con không nên trở thành một Don Abbondio”, Đức Phanxicô nói với các giáo sĩ, đề cập đến vị linh mục hèn nhát và đạo đức giả trong tác phẩm “I Promessi Sposi”, một tiểu thuyết tuyệt vời của tác giả Alessandro Manzoni, mô tả một cách sinh động về trận bệnh dịch xảy ra tại Milano vào năm 1630. Vị lnh mục này trái ngược với vị Tu sĩ Dòng Capuchino đầy vị tha và can trường, linh mục Cristoforo, và Đức Hồng y Federico Borromeo.

Có thể chúng ta đang chứng kiến sứ vụ đầy can trường về “một Giáo hội như một bệnh viện dã chiến” mà Đức Giáo hoàng Phanxicô mong ước đang dần xuất hiện. Ở Bergamo, nhiều linh mục đã qua đời vì virus. Đức Giám mục Beschi cho biết các linh mục này đã “mạo hiểm bản thân” với coronavirus để có thể “gần gũi với cộng đồng của họ”. Một sứ vụ như vậy phát xuất từ việc các Kitô hữu đầu tiên chăm sóc cho những người đau bệnh và hấp hối bất kể những sự rủi ro cho bản thân trong các trận dịch bệnh đã càn quét qua Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ II và thứ III. “Bất chấp nguy hiểm, các ngài chịu trách nhiệm đối với những người đau bệnh, đáp ứng mọi nhu cầu của họ và làm công việc mục vụ cho họ nhân danh Chúa Kitô, và cùng với họ rời cõi đời này trong bình an”, Thánh Dionysius Thành Alexandria viết vào năm 260.

“Chớ gì các linh mục có được sự can trường để dám bước ra bên ngoài”, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ ban sáng vào tuần trước, “đến thăm các bệnh nhân, để mang đến cho họ sự an ủi của Thiên Chúa, và đem Mình Thánh Chúa đến cho họ”. Vatican sau đó đã giải thích một cách rõ ràng rằng điều này nên được thực hiện theo các giao thức y tế. Điều này nhấn mạnh một sự căng thẳng khác trong cách phản ứng của Giáo hội đối với Covid-19. Trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn các linh mục làm công việc mục vụ, Ngài không muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe của bất kỳ ai. Có một hành động cân bằng khéo léo giữa sứ mạng của Giáo hội và chính sách của chính phủ; Đức Giáo hoàng – người được cho là một vị nguyên thủ quốc qua – dường như không muốn khuyến khích người dân bỏ qua các hướng dẫn về việc cách ly xã hội của chính phủ Ý. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị chính quyền hỗ trợ thực hiện các biện pháp cứng rắn vì sức khỏe cộng đồng, nhưng Ngài cũng lập luận rằng “các biện pháp quyết liệt” đã không có hiệu lực.

Khi Đức Hồng y Angelo De Donatis, người đại diện Đức Giáo hoàng điều hành Giáo Phận Rôma, tuyên bố đóng cửa các Nhà thờ trong Thành phố vĩnh cửu, quyết định đã nhanh chóng bị đảo ngược. Đức Giáo hoàng Phanxicô, theo các nguồn tin, không hài lòng về quyết định đóng cửa các nhà thờ. Một tin nhắn WhatsApp gửi cho các anh em linh mục bởi Thư ký của Đức Giáo hoàng, Cha Yoannis Lahzi Gaid, phản ánh suy nghĩ bên trong Casa Santa Marta. “Tôi nghĩ đến những người chắc chắn sẽ từ bỏ Giáo hội, khi cơn ác mộng này kết thúc, bởi vì Giáo hội đã bỏ rơi họ khi họ cần được giúp đỡ”, theo nội dung tin nhắn. “Quả thực, chẳng ai muốn nghe người ta nói rằng: ‘Tôi sẽ không đến với một Giáo hội mà khi tôi cần lại chẳng đến với tôi’”. Thông điệp kêu gọi các linh mục cần phải hành động như các vị mục tử thay vì “những người làm công ăn lương”, và đồng thời nhắc lại câu chuyện về việc Thánh Phêrô rời bỏ Rôma trong cơn bắt bớ của Hoàng đế Nero. “Phêrô, nói một cách nhân văn, có quyền chạy trốn để bảo toàn tính mạng của mình khỏi sự bách hại và có lẽ để thành lập các cộng đoàn khác”, Thư ký của ĐGH Phanxicô viết, “Tuy nhiên, trong thực tế, Thánh Phêrô đã hành động theo logic của thế gian, cũng giống như Satan. Đó là suy nghĩ theo lối tư duy của người đời chứ không phải suy nghĩ theo lối của Thiên Chúa”.

Virus là một thảm họa của nhân loại. Nó cũng đang thúc đẩy Giáo hội hướng tới sự phục hồi, dựa trên truyền thống Kitô giáo sơ khai, và hướng tới sự phát triển, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của hiện tại và tương lai. Trên khắp nước Ý và nhiều nơi khác ở châu Âu, ánh sáng đức tin đang được duy trì trong các ngôi nhà của người dân, thông qua cầu nguyện và những hành động của sự liên đới. Theo một cách nào đó, đó là sự trở lại với các hang toại đạo. Đồng thời, công nghệ kỹ thuật số đang đưa ra những cách thức mới để Giáo hội kết nối với mọi người và gắn kết mọi người lại với nhau, khiến họ có thể tham dự Thánh lễ và các Bí tích thậm chí ngay cả khi họ không thể hiện diện về mặt thể lý.

Điều đang ngày càng trở nên rõ ràng là sứ mạng của Giáo hội trong việc chăm sóc các bệnh nhân và những người đang hấp hối không còn chỉ là công việc của các linh mục. Nhiều người trong số họ ở châu Âu có độ tuổi từ 70 trở lên và đặc biệt dễ bị lây nhiễm vi rút. Chủ nghĩa giáo sĩ không thể tồn tại trong dịch này. Các linh mục và mọi người đang cùng nhau làm việc. Họ không có sự lựa chọn. Khi cuộc khủng hoảng đã lắng xuống và mọi thứ bắt đầu trở lại bình thường, tác động của coronavirus vẫn sẽ được cảm nhận. Mô hình về một Giáo hội “công nghị tính” mà Đức Phanxicô luôn kêu gọi sẽ là một thực tế chứ không phải là một lý thuyết. Giáo hội như một bệnh viện dã chiến mà Đức Phanxicô hằng mong ước “sẽ chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của các tín hữu; trong đó có sự gần gũi và sự kề cận”, đã sẵn sàng được mở ra.

Minh Tuệ (theo The Tablet)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết