Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite, một trong 23 Giáo hội Công giáo Đông phương, đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 300 năm tuyên bố chính thức hiệp thông với Rôma.
Hôm thứ Ba, Đức Thượng phụ Melkite Youssef Absi đã công bố rằng năm 2024 sẽ là “một Năm Thánh, được cử hành dưới dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu, một thời điểm đặc biệt mà chúng ta được mời gọi để kỷ niệm 300 năm khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo hội. Giáo hội Melkite và Giáo hội Rôma”.
Đức Thượng phụ Youssef đã đưa ra thông báo trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Tòa Thượng phụ Antioch ở Raboué, Lebanon, theo Fides, dịch vụ thông tin của các Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng.
“Thượng hội đồng của Giáo hội chúng ta không muốn dịp kỷ niệm này trôi qua mà chúng ta không suy nghĩ về con đường trong quá khứ, hiện tại và tương lai của Giáo hội của chúng ta cũng như sứ mệnh của Giáo hội”, Đức Thượng phụ Youssef nói.
Năm Thánh sẽ khai mạc vào ngày 11 tháng 11 với buổi cử hành phụng vụ long trọng do Đức Thượng phụ Youssef chủ sự tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ An Giấc ở Damascus. Chương trình của Năm Thánh bao gồm các buổi cử hành phụng vụ, hội nghị nghiên cứu, ấn phẩm và nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, thần học và đại kết, và triển lãm về di sản tinh thần và nghệ thuật được bảo tồn bởi các cộng đồng Melkite ở Trung Đông.
Lần theo lịch sử của Giáo hội Antioch, “được thiết lập bởi Thánh Phêrô Tông đồ” và cũng được Thánh Phaolô Tông đồ chăm sóc, Đức Thượng phụ Youssef cũng đã nhắc lại những tranh chấp và chia rẽ thần học đã chia rẽ Giáo hội qua nhiều thế kỷ.
Những Kitô hữu tuân theo các quyết định của Công đồng Chalcedon năm 451 được gọi là Melkites, từ trong tiếng Syriac cổ có nghĩa là vua — “Malko” — vì họ chấp nhận cách hiểu đúng về Chúa Giêsu Kitô mà Hoàng đế đã chia sẻ.
Ở Trung Đông, bắt đầu từ thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Công giáo phương Tây “đã tìm cách hàn gắn sự rạn nứt và đạt được sự hiệp nhất mong muốn giữa Tòa Thượng phụ Antioch và Giáo hội Rôma”, Đức Thượng phụ Youssef nói.
Sự hiệp nhất với Rôma
Nỗ lực này đã phát triển thành một “phong trào thống nhất”, cùng với các yếu tố quan trọng khác, đã dẫn đến những chia rẽ khác trong chính Giáo hội Antioch.
Năm 1724, Đức Thượng phụ Cyril VI của Antioch đã khẳng định sự hiệp nhất của Giáo hội Melkite với Rôma vốn đã tồn tại trong thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Kể từ thời điểm này, Giáo hội Antioch “Melkite” được chính thức phân chia giữa Chính thống giáo Hy Lạp (những người không hiệp nhất với Rôma) và Công giáo Hy Lạp (những người hiệp nhất với Rôma). Việc sử dụng từ “Hy Lạp” đề cập đến truyền thống phụng vụ và tâm linh Byzantine mà người Melkites đã tiếp nhận từ thế giới Kitô giáo nói tiếng Hy Lạp ở Đông phương, tập trung ở Constantinople. Thuật ngữ “Melkite” bắt đầu được liên kết riêng với người Công giáo.
“Kể từ năm 1724, chúng ta có Giáo hội Công giáo Hy Lạp Melkite và Giáo hội Chính thống Hy Lạp”, Đức Thượng phụ Youssef nói. Mọi sự chia rẽ đều để lại dấu ấn và dẫn đến những căng thẳng đau đớn. “Nhưng bất chấp tất cả những điều này, các Giáo hội ở Antioch đã hoàn thành sứ mệnh bảo tồn đức tin Kitô giáo và đã vượt qua tất cả những thời khắc quan trọng mà họ đã trải qua”, Đức Thượng phụ Youssef nói. Và ngày nay, “nhờ Thiên Chúa Toàn Năng và nguyện vọng của những người có trách nhiệm, mối quan hệ giữa Giáo Hội của chúng ta và các Giáo Hội anh em tiếp tục là mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, tình yêu thương huynh đệ và cộng tác trong việc phụng sự một Tin Mừng duy nhất, trong khi các tín hữu của chúng ta thường có một kinh nghiệm vinh dự của việc được cùng nhau quy tụ dưới cùng một mái nhà từ các hệ phái khác nhau để đưa ra lời chứng rõ ràng về việc họ thuộc về Đức Kitô”.
Ngoài phong trào đại kết, một yếu tố khiến các Kitô hữu ngày càng đoàn kết hơn ở Trung Đông trong những năm gần đây là cuộc bách hại mà họ phải chịu dưới bàn tay của các chiến binh thánh chiến chẳng hạn như nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Giáo hội Melkite đang hoạt động ở Syria, Lebanon và các quốc gia khác ở Trung Đông, nhưng do sự di cư trong nhiều năm nên có các Giáo phận ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương. Giáo phận Newton, Massachusetts, có hơn 50 Giáo xứ và điểm truyền giáo trên khắp Hoa Kỳ.
Minh Tuệ (theo Aleteia)