3. Bước ra khỏi vùng tối
a. Điểm sáng Thái Hà – Tòa Khâm sứ
b. Từ Thái Hà tới bản góp ý sửa đổi Hiến pháp
Sau sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ, nhất là sau khi Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt “bị buộc phải về hưu non”, cùng với những bạch hóa của truyền thông về một số nội tình trong Giáo hội, đã làm cho một bộ phận không nhỏ giáo dân hoang mang, dao động. Tại Hà Nội, một số giáo dân, thay vì phản đối chính quyền, đã phản ứng lại cách sắp đặt nhân sự của giáo quyền, bằng cách căng băng rôn để phản đối Giáo hội, tạo nên một bầu khí nghi kỵ lẫn nhau. Tình trạng ấy kéo dài cho tới tận gần đây, khi nhà cầm quyền Hà Nội tổ chức cái gọi là “người dân cùng nhau góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp”.
Ngày 1 tháng 3 năm 2013, nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam “Bản Nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. Bản nhận định này đã gây một tiếng vang trong công luận và được đánh giá là một trong những bản kiến nghị sâu sắc nhất. Nội dung của bản kiến nghị xoay quanh những quyền cơ bản của con người cần được xác định rõ trong bản Hiến pháp, nhất là cần loại bỏ việc áp đặt tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Sở dĩ Bản Nhận định thu hút sự chú ý của công luận là do trải qua một giai đoạn đấu tranh, thanh lọc, nhiều nhóm xã hội dân sự, cách riêng các nhà trí thức tiến bộ nhận ra rằng, Giáo hội Công giáo có đủ nhân lực, tài lực và là tổ chức đủ sức cạnh tranh với nhà cầm quyền cộng sản. Chứng kiến sự phản kháng mạnh mẽ của Giáo hội từ vụ Thái Hà, Tam Tòa, Cồn Dầu, Loan Lý, Đồng Chiêm, Mỹ Lộc, Con Cuông, Mỹ Yên, những buổi thắp nến cầu nguyện có cả ngàn người tham dự, những người yêu chuộng công lý và hòa bình tại Việt Nam luôn hy vọng Giáo hội sẽ là tổ chức tiên phong dấn thân cứu quốc khỏi tình trạng vong nô. Sự xuất hiện của Bản Nhận định và Góp ý khiến cho sự chờ đợi bấy lâu bùng vỡ. Người ta đã tin rằng Giáo hội Công giáo không còn đứng ngoài cuộc trong các sự kiện lớn của đất nước. Bên cạnh đó, như nhiều trí thức đã bình luận, Bản Nhận định và Góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng Giám mục Việt Nam là bản góp ý chất lượng nhất, hơn hẳn tất cả các bản kiến nghị khác kể cả bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức công bố trước đó.
Đối với Giáo hội Công giáo, phải nói rằng, đây là Bản Nhận định được phổ biến rộng rãi nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà thờ không chỉ công bố công khai bản văn trên các bảng thông tin của giáo xứ, đọc trong các thánh lễ mà nhiều nơi, các linh mục còn in ấn, trao tận tay từng giáo dân, làm cho các tín hữu bớt đi những hoang mang trước đó. Dù còn đó những ngờ vực, những bất đồng ngay trong nội bộ Hội đồng Giám mục về nội dung của “Bản Nhận định và góp ý”, vẫn có thể thấy rằng Bản Nhận định đã góp phần gia tăng niềm tin cho giáo dân vào các vị lãnh đạo của Hội Thánh.
Đối với nhà cầm quyền cộng sản, Bản Nhận định đã làm họ bất ngờ, bối rối, làm lộ rõ bản chất dối trá lừa bịp của nhà cầm quyền muốn dùng sự kiện “góp ý sửa đổi Hiến pháp” để mị dân. Ngay sau khi Bản Nhận định được công bố, một mặt, chính quyền cộng sản phái người đến các Tòa Giám mục để yêu cầu các vị lãnh đạo Giáo hội không nên phổ biến bản văn này; mặt khác, họ dùng truyền thông, dựng lên cả những “linh mục giả” nhằm tuyên truyền sự đúng đắn trong đường lối chính sách của đảng, nhất là, nhắm bảo vệ điều 4 của Hiến pháp mà Bản Góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dứt khoát đề nghị loại bỏ.
Điều cần ghi nhận là, như các thư ngỏ, các kiến nghị trước đây, Bản Nhận định và Góp ý lần này của Hội đồng Giám mục cũng đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, một phần do sự phân hóa tư tưởng trong nội bộ Hội đồng Giám mục, mặt khác, do tính phong trào của tất cả các phong trào đấu tranh trong nước hiện nay. Dù sao, qua lần góp ý sửa đổi Hiến pháp này, nhiều người đã nhận ra, đối với nhà cầm quyền cộng sản, đối thoại là cái gì rất hoang tưởng.
Thái Hà, ngày 5 tháng 7 năm 2016
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R
(còn tiếp)