Giáo hội Miền Bắc dưới thời cộng sản từ 1954 đến nay (kỳ V)

3. Bước ra khỏi vùng tối

a. Điểm sáng Thái Hà – Tòa Khâm sứ

Những năm đầu của Thiên niên kỷ thứ hai, những lứa chủng sinh đầu tiên của Đại Chủng viện Hà Nội bắt đầu đơm bông kết trái. Những chủng sinh trước đó được các giáo phận gửi vào tu học trong Nam cũng đã trở về. Giáo hội Miền Bắc như thể đón nhận một mùa xuân mới, với hy vọng tràn trề những lớp người trẻ này sẽ tiếp bước cha anh xây dựng một Giáo hội Chúa Kitô vững mạnh.

Tại Hà Nội, trung tâm đầu não kinh tế chính trị của cả nước, chính sách phát triển kinh tế thị trường dựa trên thứ hàng hóa duy nhất là bất động sản, với những quyết định thu hồi vô tội vạ của nhà cầm quyền, đã tạo nên nơi xã hội một tầng lớp “dân oan”. Những khu đất béo bở mà nhà cầm quyền tịch thu của Giáo hội trước đây bỗng chốc trở nên miếng mồi thèm khát của các nhóm lợi ích. Hàng loạt các cơ sở vật chất của Giáo hội như Tòa Khâm sứ, đất đai của Thái Hà bị nhà cầm quyền chiếm đoạt bất hợp pháp trước đây, trong chốc lát, bị biến đổi mục đích sử dụng và được bán lại cho các nhà đầu tư. Hàng loạt các dự án xây dựng trái phép trên các khu đất của Giáo hội được gấp rút tiến hành.

Trong hoàn cảnh đó, trước nguy cơ các cơ sở tôn giáo sẽ bị vĩnh viễn xóa sổ, vào năm 2003, Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, cùng với linh mục đoàn Tổng Giáo phận đã ký chung một văn thư phản đối và yêu cầu trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo phận. Trước sự đồng lòng và kiên quyết của toàn thể Giáo phận, chính quyền Hà Nội đã phải nhượng bộ, rút toàn bộ các cọc móng đã đóng và di chuyển hết vật liệu xây dựng ra khỏi khuôn viên Tòa Khâm sứ.

Cũng vào thời điểm này, trước cửa Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hàng trăm giáo dân giáo xứ Thái Hà, đã thường xuyên tụ họp phản đối, yêu cầu chính quyền Hà Nội trao trả đất đai tài sản cho giáo xứ. Sự việc tiếp tục âm ỉ kéo dài, cho tới cuối năm 2007.

Ngày 12 tháng 12 năm 2007, chính quyền Hà Nội một lần nữa đưa các thiết bị xây dựng tới khu vực Tòa Khâm sứ, đơn phương tiến hành dỡ mái tòa nhà mà không có bất cứ thỏa thuận nào trước đó với Tòa Giám mục.

20160711 ĐC Kiet 2

Nhận thấy chính quyền Hà Nội sẽ quyết tâm tới cùng thực hiện dự án xây dựng trên đất của Giáo hội, ngày 15 tháng 12 năm 2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã gửi tới toàn thể cộng đoàn dân Chúa Tổng Giáo phận lá thư kêu gọi cầu nguyện cho tài sản của Giáo hội đang bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm phi pháp. Có thể nói, đây là lần đầu tiên kể từ 1954, một vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, công khai kêu gọi dân Chúa, hiệp thông cầu nguyện cho sự an nguy của Giáo hội, tạo thành phong trào thắp nến cầu nguyện nay đã lan tỏa rộng khắp nước.

Ngay khi lá thư được công bố tại tất cả các nhà thờ trong Giáo phận, hàng ngàn giáo dân đã tiến về Tòa Giám mục cùng thắp nến cầu nguyện cho Giáo hội. Sự việc bị đẩy lên cao, khi một giáo dân người Mường bị đánh trọng thương vào ngày 25/1/2008, lúc chị này vào Tòa Khâm sứ dâng hoa cho Đức Mẹ Sầu Bi nhân ngày lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Bất bình trước hành động dã man của những người thi hành pháp luật, hàng ngàn giáo dân đã kéo tới, phá đổ các bức tường và rước tượng thánh giá vào khu đất. Cuộc đấu tranh trên bình diện pháp lý, bỗng chốc trở thành cuộc đối đầu trực diện. Hàng loạt các căn lều được giáo dân Hà Nội dựng lên ngay tại khu đất. Các buổi cầu nguyện cả ngày lẫn đêm thu hút hàng ngàn giáo dân từ khắp nơi đổ về.

Ngày 26/1/2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra văn thư số 673, trong đó nói rõ sẽ xử lý các giáo dân tới cầu nguyện tại Tòa Khâm sứ, với hạn chót là vào lúc 17g00 ngày 27/1/2008.  Văn thư 673 không những không làm cho giáo dân Hà Nội sợ hãi, trái lại, văn thư đã kích thích các giáo dân kéo tới đông hơn. May mắn thay, giờ “G” (từ gọi của giáo dân lúc đó) đã không xảy ra như dự tính của nhà cầm quyền Hà Nội.

Ngày 30 tháng 1 năm 2008, từ Roma, Hồng y Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi văn thư tới Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt yêu cầu Tòa Giám mục vãn hồi trật tự để “tránh những hành vi gây rối trật tự công cộng”, nhờ đó, có thể tiếp tục “đối thoại với chính quyền”. Ngày 31 tháng 1 năm 2008, vâng lời Tòa Thánh, Tòa Giám mục Hà Nội đã rước Thánh giá về khuôn viên Tòa Giám mục, trong sự ngậm ngùi tiếc nuối của những giáo dân có mặt.

Tại Thái Hà, suốt bảy tháng sau đó, vừa kiên trì đối thoại với chính quyền trên bình diện pháp lý, mỗi ngày hai lần, giáo dân Thái Hà trung thành cầu nguyện cho sự công bằng của giáo xứ ngay tại hàng rào bên ngoài khu đất. Ngày 15 tháng 8 năm 2008, sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng khi giáo dân Thái Hà chủ động phá hàng rào, rước tượng Đức Mẹ vào đặt giữa khu đất của giáo xứ, đồng thời, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế kêu gọi giáo dân cùng hiệp thông. Hàng ngàn giáo dân từ khắp các giáo xứ trong thành phố đổ về đêm ngày cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ ngay tại khu đất.

Ngày 26 tháng 8 năm 2008, nhằm đe dọa giáo dân tới hiệp thông, chính quyền Hà Nội đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản nhà nước”. Một số giáo dân bị bắt giữ. Ngày 28 tháng 8 năm 2008, hàng trăm giáo dân giáo xứ Thái Hà đã rước Thánh giá, đi bộ từ nhà thờ Thái Hà tới Công an quận Đống Đa để đòi người. Chính quyền Hà Nội đã ra tay đàn áp đoàn biểu tình, khiến nhiều giáo dân bị trọng thương. Mặc dù bị đàn áp, những ngày sau đó, hàng ngàn giáo dân các nơi tiếp tục kéo đến hiệp thông và cầu nguyện cho giáo xứ, đẩy chính quyền Hà Nội rơi vào một tình thế hoàn toàn khó xử. Vụ công an giả danh dân thường xịt hơi cay vào các em nhỏ trong lúc các giáo dân đang cầu nguyện tại khu đất, ngày 31 tháng 8 năm 2008, khiến giáo dân ngày càng bất bình.

Trong suốt thời gian này, mỗi ngày, có khoảng 10.000 giáo dân từ khắp mọi nơi kéo về hiệp thông với Nhà Dòng và giáo xứ. Sở dĩ, các giáo dân Miền Bắc kéo tới Thái Hà ngày càng đông, một phần, do có nhiều giáo dân cảm nhận được một ơn ban đặc biệt nào đó của Đức Mẹ khi tới Thái Hà, một phần quan trọng là vì giáo xứ có được sự hậu thuẫn công khai của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, cũng như của các vị giám mục thuộc Giáo tỉnh Hà Nội. Ngoài những thư hiệp thông, các giám mục còn đích thân đến Thái Hà, tham gia các buổi cầu nguyện, dâng thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn tín hữu. Chính sự hiệp thông chặt chẽ ấy đã làm nên biến cố Thái Hà chấn động xã hội.

20160711 Toa Kham Su

Câu chuyện Thái Hà bất ngờ hướng sang một lối khác, khi ngày lễ Đức Mẹ Sầu bi (15/9/2008), được Tòa Giám mục dời vào ngày Chúa Nhật, ngày 19 tháng 9 năm đó. Không biết từ đâu, thông tin Tòa Giám mục Hà Nội sẽ phá tường rào Tòa Khâm sứ được loan đi không thể kiểm soát. Ngay lập tức, chính quyền Hà Nội đã ra tay. Ngày 18 tháng 9 năm 2009, hàng ngàn công an, dân phòng, công nhân, được chính quyền huy động tới cấp tập thi công công viên cây xanh trên phần đất Tòa Khâm sứ. Ngày 20 tháng 9 năm 2009, chính quyền Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp với Tòa Giám mục, sau đó dùng truyền thông cắt xén lời Đức Tổng, tạo nên một làn sóng chống đối Giáo hội rộng khắp.

Những ngày sau đó, tính hình hết sức căng thẳng, khi chính quyền Hà Nội đưa các trại viên trong các trại cai nghiện, các sinh viên trường an ninh, các cán bộ hưu trí, với danh nghĩa “quần chúng tự phát” tới đe dọa tính mạng Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Những người này đã bao vây Tòa Giám mục và nhà thờ Thái Hà, dọa giết các linh mục tu sĩ. Ngày 25 tháng 9 năm 2008, ngay trong đêm, lợi dụng lúc có ít giáo dân hiện diện, chính quyền Hà Nội đã đưa các lực lượng tới bao vây khu đất và tiến hành xây dựng công viên 1/6. Công viên được khánh thành một tuần sau đó.

Chính quyền Hà Nội nghĩ rằng việc xây dựng hai công viên cây xanh sẽ làm giảm lòng nhiệt thành của các giáo hữu. Thực tế, sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ đã không dừng lại. Đối với giáo dân Hà Nội, như Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã từng nhiều lần lên tiếng, Giáo hội không đòi đất, nhưng là đòi công lý. Câu nói của ngài tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 20/9/2008: “Tôn giáo là quyền chứ không phải ơn huệ xin cho”, chính là kim chỉ nam cho các dấn thân của giáo dân Hà Nội nói chung và giáo dân Giáo xứ Thái Hà sau này. Hai phiên tòa xử tám giáo dân Thái Hà, với hàng ngàn người tham dự, công khai diễu hành trên các đường phố với nhành thiên tuế trên tay, vào các ngày 8/12/2008 và 27/3/2009, cho thấy cuộc đấu tranh vì chính nghĩa cho Giáo hội và dân tộc đã bước thêm một bước mới, báo hiệu một thời kỳ đổi thay đang đến.

Khoảng 5.000 giáo dân với nhành lá thiên tuế trên tay, tham dự phiên tòa phúc thẩm 8 giáo dân Thái Hà, ngày 27/3/2009.

Khoảng 5.000 giáo dân với nhành lá thiên tuế trên tay, đi bộ từ nhà thờ Thái Hà tới Hà Đông,  tham dự phiên tòa phúc thẩm 8 giáo dân Thái Hà, ngày 27/3/2009.

Có lẽ, còn quá sớm để đưa ra những nhận định khách quan về biến cố Thái Hà – Tòa Khâm sứ. Tuy nhiên, phải công tâm nhìn nhận, đóng góp của sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ cho Giáo hội và xã hội không hề nhỏ.

Có thể nói được rằng sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ đã làm thức tỉnh một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam, cách đặc biệt, giáo dân công giáo Miền Bắc. Từ chỗ chống đối Giáo hội vì nghe những thông tin sai lệch, bóp méo sự thật của nhà cầm quyền, nhất là khi biết rằng câu nói của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã bị cắt xén, nhiều người đã bày tỏ sự cảm thông với vị cha chung của Giáo hội và bắt đầu tìm đến Giáo hội để tìm hiểu về đời sống đạo của các Kitô hữu. Nhiều nhân sĩ trí thức, từ chỗ luôn giữ khoảng cách với nhà thờ, nay cũng tìm đến nhà thờ, vì họ tin rằng, chỉ ở nhà thờ, họ mới được nghe biết sự thật.

Có một thực tế không ai có thể phủ nhận: những cuộc xuống đường của giáo dân Thái Hà đã là khởi đầu cho sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự sau đó, với những phong trào thu hút sự chú ý của công luận, như: phong trào ký thỉnh nguyện thư của nhóm Bauxite, phong trào xuống đường biểu tình giữ gìn biển đảo… Bên cạnh đó, biến cố Thái Hà – Tòa Khâm sứ còn cho thấy, lần đầu tiên, “truyền thông nhân dân” được những người Công giáo sử dụng một cách hiệu quả. Chính các trang tin tức Công giáo đã góp phần tích cực đưa sự kiện Thái Hà tới với mọi người và làm nên một sự kiện Thái Hà rúng động bốn phương.

Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ đã nối kết được các thành phần dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội. Tuy sự nối kết này còn có phần lỏng lẻo, vì tất cả sự kiện xảy ra làm nên biến cố Thái Hà hoàn toàn chỉ là sự tự phát, nhưng cũng đủ làm cho người giáo dân Hà Nội một lần can đảm bước ra khỏi sự sợ hãi cố hữu, xua tan những mặc cảm trước đó, để hiên ngang làm chứng cho đức tin.

Bên cạnh đó, biến cố Thái Hà – Tòa Khâm sứ cũng đã cho thấy, có một sự phân hóa nào đó trong chính nội bộ Giáo hội, sự bất đồng quan điểm giữa các vị lãnh đạo Giáo hội Việt Nam, cho dù ngày 25 tháng 9 năm 2008, Hội đồng Giám mục Việt Nam có gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về các vấn đề hiện nay”. Sự phân hóa ấy thể hiện rõ nét trong các kiểu nói ẩn dụ nơi một số các đấng bậc trong Giáo hội, như: “Đồng cảm chứ không đồng thuận”, “Mục vụ đòi đất” hay “Lên tiếng hay không lên tiếng”, cách đặc biệt qua biến cố Thánh giá Đồng Chiêm bị đập vỡ (8/1/2010) và sự kiện Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt phải về hưu ngày 13 tháng 5 năm 2010.

Dù thế nào, sự kiện Thái Hà – Tòa Khâm sứ sẽ mãi là một điểm sáng mà lịch sử dân tộc, cách riêng lịch sử Giáo hội Việt Nam phải nhớ tới như một biến cố làm thay đổi cục diện chính trị xã hội, thay đổi cái nhìn của những người không Công giáo đối với đạo Công giáo và nhất là làm thay đổi mối tương quan giữa nhà nước và Giáo hội, đòi chính quyền Hà Nội phải lưu tâm hơn tới các tôn giáo, cách riêng Công giáo.

Thái Hà, ngày 5 tháng 7 năm 2016

Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R

(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết