c. Thảm họa môi trường biển miền Trung – nỗi đau của dân tộc
Năm 2016 bắt đầu với một sự kiện chính trị quan trọng ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh, tới đời sống của người dân cả nước trong đó có đồng bào Công giáo: Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản. Đây là kỳ đại hội mà sự phân hóa trong nội bộ đảng cộng sản đã lên cực điểm. Lần đầu tiên trong một kỳ đại hội, các phe phái trong đảng công khai chỉ trích hạ bệ lẫn nhau mà việc thay thế các vị trí lãnh đạo chủ chốt sau đó trong thời gian vẫn còn “theo nhiệm kỳ làm việc của Quốc hội”, được cho là hệ quả tất yếu của cuộc chiến quyền lực đã kéo dài nhiều năm trong đảng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc nhà cầm quyền tiếp tục kiên định đi theo Chủ Nghĩa Xã hội đã làm nhiều người dân thất vọng, nhất là những người vẫn hy vọng sẽ có sự thay đổi thế chế sau kỳ đại hội quan trong này. Có lẽ chính sự thất vọng ấy, cùng với sự suy yếu thấy rõ trong nội bộ đảng cộng sản sau một kỳ đại hội nhiều tai tiếng, mà trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2016-2021 sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một phong trào công khai ứng cử và tẩy chay bầu cử đã gây rất nhiều khó khăn cho các cấp chính quyền. Mặc dù màn kịch “đảng cử dân bầu” cũng đã hạ màn với những kết quả đã được biết trước, nhưng qua kỳ bầu cử lần này, người dân không chỉ hiểu hơn về các quyền công dân của mình, mà quan trọng họ thấy rõ được sự thật của thể chế chính trị – một thể chế chính trị không vì dân vì nước.
Trong bối cảnh đó, thảm họa môi trường biển Vũng Áng, diễn ra từ ngày 06 tháng 04, sau đó lan rộng ra khắp các tỉnh Duyên hải miền Trung, đã làm cho tình hình chính trị, xã hội ngày càng khó khăn, đặt người dân cả nước, cách riêng Giáo hội Công giáo trong tình cảnh “không thể không lên tiếng”.
Ngày 30/4/2016, nhân danh Hội đồng Giám mục, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã gửi một Bản Thông báo tới toàn thể các linh mục, tu sĩ và giáo dân về “thảm họa môi trường” biển miền Trung, trong đó nêu rõ: “Là những người Công giáo, chúng ta cũng có những ước muốn chia sẻ với bà con đồng bào miền Trung, đồng thời cũng lo lắng khi suy nghĩ về tương lai môi trường sống trên quê hương Việt Nam”. Bản thông báo của Đức tổng Giám mục sau đó đã gây nhiều dư luận trái chiều.
Ngày 13/5/2016, nhân dịp kỷ niệm 99 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục giáo phận Vinh, nơi tâm điểm của thảm họa, cũng đã gửi tới mọi thành phần dân Chúa giáo phận Vinh lá Thư chung, trong đó khẳng định đây là “một thảm họa môi trường biển chưa từng thấy”, đồng thời kêu gọi mọi giáo hữu: “Sẵn sàng từ bỏ lối sống hưởng thụ coi thường môi sinh và cương quyết không sản xuất, chế biến “thực phẩm bẩn” gây hủy hại sức khỏe…Thực hiện quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế qui định, thể hiện cách ôn hòa quyền đòi hỏi sự minh bạch trong việc điều hành đất nước, cũng như xử lý thảm họa và buộc những kẻ đã gây ra phải bị xét xử đúng công lý.”
Ngay sau lá Thư chung, với những đòi hỏi mạnh mẽ của vị cha chung giáo phận, một phong trào cầu nguyện đã lan rộng khắp Giáo phận Vinh. Tại nhiều giáo xứ, giáo dân đã căng băng rôn khắp các ngõ ngách thôn làng. Một lần nữa, trước sức ép của những buổi cầu nguyện, nhà cầm quyền đã dùng truyền thông để vu khống, mạ lị đức giám mục Giáo phận Vinh như đã làm trước đây với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.
Điều đáng ghi nhận, ngoài những khác biệt về việc đưa ra phương thức chia sẻ với những nạn nhân, cả hai vị Giám mục của Giáo hội Việt Nam đều chính thức khẳng định đây là một “thảm họa môi trường”. Dù sao, những sự khác biệt trong quan điểm giữa hai vị lãnh đạo Giáo hội phần nào cho thấy, Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục còn đó những phân hóa.
Ngày 30/6/2016, chính quyền cộng sản đã công bố Formosa là thủ phạm gây nên thảm họa môi trường biển miền Trung mà hậu quả có thể kéo dài tới 70 năm như nhận định của nhiều nhà khoa học. Đây thưc sự là nỗi đau của cả dân tộc, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với giáo dân giáo phận Vinh, những người trực tiếp chịu hậu quả của thảm họa.
- Câu hỏi cho tương lai
Vậy là hơn sáu mươi năm đã qua đi. Sáu mươi năm, một chặng đường đầy gian khổ của Giáo hội Miền Bắc. Đó là sáu mươi năm của những ân huệ, những trăn trở, những hy vọng và cả những thất vọng. Đó là một chặng đường của một Giáo hội đi trong đau khổ, giữa những bách hại, những thử thách, nhưng vẫn trung kiên trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa.
Đức Thánh Cha Bênêđíchtô 16, trong Tự sắc Porta Fidei, nhân dịp Năm Đức Tin (2012-2013) đã viết: “Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là điểm lại lịch sử Đức Tin của chúng ta, được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người, nam và nữ, cho sự tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình, còn lịch sử tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người” (số 13).
Lịch sử hơn sáu mươi năm đã qua của Giáo hội Miền Bắc là một lịch sử như vậy. Đó là lịch sử của sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự hiệp nhất và phân rẽ, giữa sự phản bội và trung tín… Dù lịch sử ấy thế nào, thì nó vẫn có một giá trị tất yếu giúp Giáo hội bước vào tương lai. Điều quan trọng là nhận ra những bóng tối, những phân hóa, “cùng nhau thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót” và sự trung thành của Chúa với những người Chúa đã chọn cho một giai đoạn của lịch sử của dân tộc.
Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ tiếp tục bước thế nào trong những ngày tháng sắp tới để ‘Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc”? Đó sẽ là câu hỏi mà Giáo hội Việt Nam phải trả lời để Giáo hội thực sự trở thành Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam, một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.
Thái Hà, ngày 5 tháng 7 năm 2016
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R