Đóng cửa nhà thờ: chọn lựa không đơn giản

Đóng cửa nhà thờ; bãi bỏ các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay; đề nghị trẻ em dưới 15 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người có sức khoẻ kém không tham dự Thánh Lễ công cộng… là những biện pháp đang được Giáo hội Việt Nam áp dụng tại nhiều nơi. Nhiều người hỏi: Liệu làm như thế có đúng đắn?

Phía sau các quyết định của các Đức Giám mục trong đại dịch này, quả thực, là một cuộc tranh luận gay cấn.

DOCAT cung cấp cho chúng ta tiêu chuẩn để nhận định. Nhưng không đơn giản.

Đóng cửa nhà thờ; bãi bỏ các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay; đề nghị trẻ em dưới 15 tuổi, người lớn trên 65 tuổi và những người có sức khoẻ kém không tham dự Thánh Lễ công cộng… là những biện pháp đang được Giáo hội Việt Nam áp dụng tại nhiều nơi. Nhiều người hỏi: Liệu làm như thế có đúng đắn?

Khi các Giám mục Ý lần đầu tiên đưa ra quyết định đình chỉ các Thánh lễ công khai vào đầu tháng 3, người sáng lập tổ chức Sant’Egidio, Andrea Riccardi đã gọi đó là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự sợ hãi, cũng như sự đồng nhất của Giáo hội với các tổ chức dân sự. Nhà sử học Alberto Melloni cho rằng đây là một ví dụ về sự lười biếng quan liêu quá mức, trong khi đan sĩ nổi tiếng Enzio Bianchi tuyên bố, Kitô hữu thì không đình chỉ phụng vụ!

Sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô Chủ nhật tuần trước rời Vatican không báo trước để viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, cầu nguyện trước linh ảnh nổi tiếng của Đức Maria “Salus Populi Romani” và đến Nhà thờ San Marcello, cầu nguyện trước một cây thánh giá được cho là đã cứu Rôma trong một đợt bùng phát của bệnh dịch hạch năm 1522, nhà báo bảo thủ người Ý Camillo Langone đã đưa ra lời phê phán gay gắt. Ông viết: “Sự cô độc của người đàn ông mặc đồ trắng trên Via del Corso, tượng trưng cho sự tan rã, gần giống như sự bốc hơi, của Công giáo trong tư cách là một tôn giáo”. Ông muốn Đức Giáo hoàng dẫn đầu một đám rước sám hối khổng lồ cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, thay vì tự mình đi xuống một con đường trống rỗng để tuân thủ chế độ cách ly xã hội, một phần của phương pháp chống coronavirus.

Biên tập viên của First Things, Rusty Reno đã lập luận trong một bài tiểu luận gần đây rằng các Giáo hội nên mở cửa nhà thờ giữa lúc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh: Sự kiện đình chỉ các bí tích cho thấy Giáo hội đang sống theo các ưu tiên của thế giới.

Nhưng như DOCAT khẳng định tại số 27: “Một Giáo hội không thể hiện tình liên đới sẽ hoá ra mâu thuẫn với chính danh nghĩa của mình”. Công đồng Vatican II tuyên bố: “Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời”.

Tất nhiên, hành động như thế nào, thật không đơn giản.

Một mặt, có một xác tín mạnh mẽ rằng thời kỳ khủng hoảng là khi mọi người cần Giáo hội nhất, và sức khỏe tâm linh cũng quan trọng như (và có khi hơn) sức khoẻ thể lý. Giáo hội phải liên đới với nhân loại trong nhu cầu tâm linh ấy.

Mặt khác, sức khỏe cộng đồng cấp bách bắt buộc phải hạn chế sự lây lan của dịch bệnh bằng cách ngăn chặn các cuộc tụ họp công cộng, giảm thiểu tiếp xúc cá nhân, ở trong nhà và đóng cửa những nơi mà mọi người có thể bị cám dỗ tụ tập. Và, một trong những bài học từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục: Giáo hội không nên bị coi là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Đức Giáo hoàng thường xuyên khuyên mọi người tuân thủ các hạn chế do chính phủ áp đặt và thường dâng những lời cầu nguyện cho chính quyền dân sự trong Thánh lễ hàng ngày được phát trực tiếp của ngài, nói rằng họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và có thể bị hiểu lầm. Nhiều giáo phận và Hội đồng giám mục đã áp dụng các biện pháp như đình chỉ các Thánh lễ công cộng và đóng cửa ít nhất một số nhà thờ.

Phía sau các quyết định của các Đức Giám mục trong đại dịch này, quả thực, là một cuộc tranh luận không đơn giản. Chúng ta hãy cầu nguyện và tin tưởng vào sự dẫn dắt của các Đức Giám mục.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết