Giáo hội Indonesia sống đức tin nơi một quốc gia vô cùng đa dạng

Indonesia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo hoàng Phanxicô (Ảnh: ANSA)

Indonesia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo hoàng Phanxicô (Ảnh: ANSA)

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô thực hiện chuyến Tông du tới Indonesia, chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn những thách thức đặc biệt mà Giáo hội Công giáo phải đối mặt tại quốc gia sôi động và đa dạng này.

Indonesia, một quần đảo ở Đông Nam Á có nguồn gốc lịch sử sâu xa trong công cuộc truyền giáo từ thế kỷ 16, mang đến một thực tế Công giáo sôi động.

Từ những nhà truyền giáo tiên khởi như Thánh Phanxicô Xaviê cho đến việc thành lập hàng Giáo phẩm của Giáo hội do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập vào năm 1961, Giáo hội tại Indonesia đã phát triển bao gồm 38 Giáo phận và một Giáo hạt quân sự.

Ở một đất nước mà người Công giáo chỉ chiếm 3% dân số—khoảng 8 triệu người—trong bối cảnh dân số đa số là người Hồi giáo (87%), Giáo hội phải tìm ra những cách thức sáng tạo để thực hiện sứ mệnh của mình trong khi đồng thời vẫn tôn trọng bối cảnh đa tôn giáo và đa văn hóa của Indonesia. Với quyền tự do thờ phượng được nhà nước đảm bảo, các tín hữu Công giáo cùng tồn tại với các tín đồ Hồi giáo, Tin lành (7%), Ấn Độ giáo, Phật giáo và Khổng giáo.

Trong cuộc phỏng vấn này, chúng tôi trò chuyện với một chuyên gia về Giáo lý, người chia sẻ góc nhìn sâu sắc về cách Giáo hội điều hướng những động lực này và hiện thực hóa sứ mệnh của mình trong một xã hội có sự đa dạng tôn giáo và truyền thống văn hóa phong phú.

Ngài là Cha Dimas Danang Agus Widayanto, một Linh mục Giáo phận thuộc Giáo phận Purwokerto ở Trung Java, người mà chúng tôi đã đề nghị chia sẻ quan điểm của cá nhân ngài về Giáo hội và cách ngài phân tích thực tế đa dạng ở đất nước của mình.

Cha Dimas Danang Agus Widayanto

Cha Dimas Danang Agus Widayanto

Xin Cha vui lòng giới thiệu về bản thân và cho chúng tôi biết về công việc của ngài là gì khi chúng ta cùng trò chuyện. Ngoài ra, Cha đã đề cập đến lĩnh vực chuyên môn của ngài là Giáo lý, điều này đã được thực hiện thế nào ở Indonesia?

Tôi là Dimas Danang Agus Widayanto, một Linh mục Giáo phận của Giáo phận Purwokerto ở Trung Java, Indonesia. Hiện tại, tôi đang theo học bằng tiến sĩ về Thần học Mục vụ và Giáo lý tại Đại học Công giáo Paris, Pháp. Nghiên cứu tiến sĩ của tôi khám phá các cơ hội và thách thức của việc đào tạo Kitô giáo cho người lớn trong bối cảnh văn hóa mạng – một nền văn hóa mới xuất hiện trong kỷ nguyên Internet. Thật vậy, bối cảnh kỹ thuật số này đã thay đổi cơ bản cách chúng ta suy nghĩ, hành xử và tương tác, và nó tác động một cách tự nhiên đến cách đức tin Kitô giáo được trải nghiệm, truyền bá và truyền tải.

Internet đã mở đường cho những phương pháp mới để đào tạo và thu hút sự tham gia của các tín hữu Công giáo thông qua nhiều nền tảng trực tuyến cung cấp sự hình thành đức tin, tĩnh tâm và hướng dẫn tâm linh. Nghiên cứu của tôi đặc biệt xem xét liệu những hình thức đào tạo được hỗ trợ kỹ thuật số này có thể đáp ứng hiệu quả các mục tiêu chính của Giáo lý hay không, bao gồm hướng dẫn các tín hữu hướng đến sự hiệp thông mật thiết với Mầu nhiệm Chúa Kitô. Do đó, tôi đang tìm hiểu xem hình thức đào tạo Kitô giáo mới này có kết hợp các chiều kích Kêrygma (Khởi Giảng, lời công bố) và Mystagogical (Nhiệm hiệp) hay không.

Ở Indonesia, mặc dù có sẵn các nguồn lực kỹ thuật số cho các chương trình đào tạo Kitô giáo và giáo dục đức tin cho nhiều nhóm tuổi khác nhau, việc dạy Giáo lý ở các Giáo xứ về cơ bản dựa vào các cuộc tụ họp trong các cộng đồng Giáo hội cơ bản. Các buổi giảng dạy Giáo lý này, thường xuyên được tổ chức trong các giai đoạn phụng vụ quan trọng như Mùa Chay và Mùa Vọng, nhằm mục đích đào sâu và chia sẻ đức tin. Vai trò của giáo dân trong việc lãnh đạo và thúc đẩy các cuộc tụ họp này là rất quan trọng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp gỡ các giáo sĩ Công giáo và những người khác làm việc trong Giáo hội tại Indonesia. Những thách thức chính mà họ phải đối mặt là gì? Theo Cha, họ cần lắng nghe điều gì từ ngài?

Các giáo sĩ Công giáo và những người cộng tác làm việc khác trong Giáo hội tại Indonesia phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, bao gồm tính bao gồm và sự tham gia, quan hệ đại kết và liên tôn, và giải quyết các vấn đề xã hội. Thách thức chính là tăng cường tính bao gồm và sự tham gia tích cực trong Giáo hội. Điều này bao gồm việc khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các thành viên giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh thiếu niên, vào các hoạt động và quá trình đưa ra quyết định của Giáo hội. Thách thức này bao gồm việc khắc phục các phong cách lãnh đạo độc đoán có thể cản trở sự tham gia. Một số bộ phận của Giáo hội Indonesia vẫn đang vật lộn với sự lãnh đạo không khuyến khích sự tham gia tích cực từ các thành viên của mình. Một thách thức quan trọng khác liên quan đến việc quản lý và thúc đẩy các mối quan hệ tích cực với các cộng đồng tôn giáo khác trong xã hội đa nguyên của Indonesia. Các vấn đề như chính trị hóa tôn giáo, sự lan truyền của sự bất khoan dung trên phương tiện truyền thông xã hội và những hiểu lầm về Giáo lý có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng và cản trở đối thoại mang tính xây dựng. Cuối cùng, trong sứ mệnh mục vụ của mình, các giáo sĩ thường đề cập đến các vấn đề xã hội như đói nghèo, bất công và các mối bận tâm về môi trường. Điều này đòi hỏi họ phải mở rộng vai trò của mình từ lãnh đạo tinh thần sang bao gồm vận động xã hội và trao quyền cho cộng đồng.

Với những thách thức này, các giáo sĩ Công giáo và những người khác làm việc trong Giáo hội tại Indonesia sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự nhấn mạnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô về tính hiệp hành, lời kêu gọi đối thoại đại kết và liên tôn, cũng như sự ủng hộ của ngài đối với công lý xã hội và bảo vệ môi trường. Thứ nhất, việc Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc đẩy cách tiếp cận mang tính hiệp hành đối với việc quản lý Giáo hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, đối thoại và sự tham gia của tất cả các thành viên vào các quá trình đưa ra quyết định. Hướng dẫn này sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Giáo hội Công giáo Indonesia nhằm thu hút sự tham gia của nhiều tín hữu hơn nữa ở nhiều nơi khác nhau. Thứ hai, xét đến sự đa dạng tôn giáo của Indonesia, việc Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích đối thoại và hợp tác giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau đặc biệt có liên quan. Thông điệp của ngài về việc xây dựng những cầu nối thay vì những bức tường có thể giúp xoa dịu sự căng thẳng và thúc đẩy sự chung sống hòa hợp hơn trong cấu trúc xã hội Indonesia. Thứ ba, cam kết của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với các vấn đề công lý xã hội, bao gồm bất bình đẳng kinh tế và bảo vệ môi trường, phù hợp chặt chẽ với nhu cầu của Indonesia. Tầm nhìn của ngài về một “Giáo hội nghèo vì người nghèo” sẽ tạo được tiếng vang mạnh mẽ ở những vùng của Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nghèo đói, khuyến khích các giáo sĩ tích cực lên tiếng về các vấn đề xã hội. Hơn nữa, Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh tính cấp thiết của việc quản lý môi trường, một vấn đề quan trọng đối với Indonesia khi nước này phải đối mặt với những thách thức sinh thái đáng kể. Điều này có thể truyền cảm hứng cho các giáo sĩ ở Indonesia tăng cường hoạt động bảo vệ sinh thái của họ.

Các tín hữu Công giáo ở Jakarta

Các tín hữu Công giáo ở Jakarta

Giáo hội chắc chắn được tôn trọng và công nhận vì các hoạt động của mình trong các lĩnh vực xã hội, y tế, văn hóa và giáo dục. Cha có nghĩ rằng tiếng nói của các Giám mục liên quan đến các vấn đề như án tử hình, tham nhũng, v.v., có tác động đến các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội?

Các Giám mục Indonesia luôn đề cập đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong các tuyên bố sau các hội nghị Giám mục thường niên. Họ đã bày tỏ những lời chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến vấn nạn tham nhũng, buôn người, bình đẳng giới, nhân quyền và sự toàn vẹn môi trường. Các thông điệp của các Giám mục được đánh giá cao vì lập trường mang tính tiên tri của họ về các vấn đề quốc gia quan trọng này, nhấn mạnh đến uy tín đáng kể của họ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ thường gặp phải những rào cản đáng kể, đối đầu với những gì có thể được mô tả là “các cấu trúc tội lỗi” — các hệ thống và thể chế xã hội cố hữu duy trì sự bất công và gây hại. Do đó, mặc dù tiếng nói của họ được tôn trọng và công nhận trong xã hội, nhưng tác động trực tiếp của nó đối với các nhà lãnh đạo chính trị và những thay đổi chính sách lại ít rõ ràng hơn.

Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô là cuộc gặp gỡ liên tôn sẽ diễn ra tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal vào ngày 5 tháng 9. Tại quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo này, được thành lập trên các nguyên tắc của hệ tử tưởng “Pancasila” nhằm đảm bảo tự do tôn giáo và công lý xã hội – sự kiện này có ý nghĩa như thế nào?

Cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal có ý nghĩa sâu sắc vì nhiều lý do. Trước hết, được xây dựng để kỷ niệm ngày độc lập của Indonesia, Đền thờ Hồi giáo Istiqlal tượng trưng cho cam kết của quốc gia này đối với sự hòa hợp và khoan dung tôn giáo. Vị trí chiến lược của Đền thờ này gần Nhà thờ Chính Tòa Công giáo Jakarta và Nhà thờ Tin lành Immanuel, cùng với ý nghĩa lịch sử và kiến trúc, thể hiện rõ ràng các lý tưởng của hệ tư tưởng Pancasila, bao gồm tự do tôn giáo và công lý xã hội. Thiết kế của Đền thờ Hồi giáo của Friedrich Silaban, một kiến trúc sư Tin lành, nhấn mạnh tầm nhìn bao trùm đằng sau quá trình xây dựng. Gần đây, Đền thờ Hồi giáo và Nhà thờ Chính Tòa Công giáo đã được kết nối bằng “Terowongan Silaturahmi” hay Đường hầm hữu nghị, tượng trưng và tạo điều kiện cho sự hợp tác liên tôn, đặc biệt là trong các sự kiện kỷ niệm tôn giáo quan trọng.

Hơn nữa, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo với Đức Giáo hoàng Phanxicô là một minh chứng hùng hồn cho nguyên tắc rằng tình huynh đệ nhân loại vượt qua mọi ranh giới tôn giáo. Nó không chỉ làm nổi bật bản chất đa nguyên của xã hội Indonesia mà còn nhấn mạnh thông điệp toàn cầu về hòa bình và cùng tồn tại. Do đó, sự hiện diện của Đức Giáo hoàng tại Istiqlal không chỉ là một cử chỉ thiện chí mà còn là sự tái khẳng định cam kết của Giáo hội Công giáo trong việc thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Sự kiện này đưa ra một ví dụ đầy cảm hứng rằng việc theo đuổi một xã hội công bằng và tình huynh đệ không chỉ là điều cần thiết mà còn thực sự có thể đạt được, ngay cả nơi một quốc gia có sự đa dạng đáng kể về tôn giáo và văn hóa.

Các tín đồ Hồi giáo tham gia các buổi cầu nguyện vào dịp lễ Eid a--Fitr trên khuôn viên Nhà thờ Công giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Malang, Đông Java

Các tín đồ Hồi giáo tham gia các buổi cầu nguyện vào dịp lễ Eid a–Fitr tại khu vực khuôn viên Nhà thờ Công giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Malang, Đông Java

Sự chung sống hòa bình, tôn trọng và sự hòa hợp tôn giáo có phải là thực tế cụ thể ở Indonesia không? Chủ nghĩa chính thống có phải là mối đe dọa không?

Ở Indonesia, sự chung sống hòa bình, tôn trọng và hòa hợp tôn giáo thực sự là những thực tế hữu hình. Khá phổ biến khi thấy những gia đình có thành viên theo các tín ngưỡng khác nhau sống hòa thuận dưới một mái nhà. Ví dụ, trong gia đình tôi, cha tôi theo đạo Hồi và mẹ tôi là người Công giáo, mỗi người thực hành tôn giáo riêng của mình. Sự hòa hợp liên tôn này vượt ra ngoài mối quan hệ gia đình; nó được phản ánh trong các tương tác hàng ngày giữa những người theo các tín ngưỡng khác nhau. Thực tế này minh họa cho sự pha trộn hài hòa giữa các hoạt động văn hóa và tôn giáo.

Tuy nhiên, bất chấp những trường hợp của sự hòa hợp đoàn kết này, mối đe dọa của chủ nghĩa chính thống là có thật và không thể bỏ qua. Thách thức nảy sinh từ nhiều nguồn: sự lan truyền của những phát ngôn thù địch chống lại các tôn giáo khác nhau trên phương tiện truyền thông xã hội, sự quản lý không đầy đủ các giáo lý tôn giáo thúc đẩy quan điểm chính thống và các hoạt động của các nhóm cực đoan nỗ lực tác động đến bối cảnh chính trị và lập pháp. Những yếu tố này gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự hòa hợp xã hội của chúng tôi, vì chúng nhằm mục đích phá vỡ cấu trúc đa văn hóa và đa tôn giáo của xã hội Indonesia.

Biểu ngữ chào đón Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Nhà thờ Chính Tòa Jakarta

Biểu ngữ chào đón Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Nhà thờ Chính Tòa Jakarta

Cha hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ để lại di sản gì cho đất nước của ngài?

Tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ củng cố đức tin của cộng đồng Công giáo tại Indonesia, mang đến sự thúc đẩy tinh thần cho đoàn chiên tương đối nhỏ bé nhưng nhiệt thành của chúng tôi. Chuyến viếng thăm này của vị Mục tử đáng kính của Giáo hội Công giáo là cơ hội để củng cố đức tin của các tín hữu và khuyến khích họ tham gia mạnh mẽ hơn vào xã hội của chúng tôi, một xã hội giàu tính đa dạng về tôn giáo và văn hóa. Đối với người dân Indonesia nói chung, thông điệp về tình huynh đệ và tình yêu thương của Đức Giáo hoàng Phanxicô hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một phong trào tập thể hướng tới việc xây dựng một quốc gia công bằng hơn, có nguồn gốc sâu xa từ các giá trị nhân quyền. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau hơn nữa giữa các bối cảnh tôn giáo đa dạng của chúng tôi. Sự kiện quan trọng này có thể củng cố nền tảng hòa bình và chung sống mà Indonesia đang nỗ lực duy trì.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết