
Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Bảo tàng Bom nguyên tử ở Nagasaki, Nhật Bản, vào ngày 24 tháng 11 năm 2019. Đức Thánh Cha đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi Ngài bày tỏ lòng thành kính đối với ‘sự kinh hoàng khôn tả’ mà các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki phải gánh chịu (Ảnh: AFP)
Một quan chức Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc đã tham gia cùng với các nhóm xã hội dân sự và các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng phản đối động thái của chính phủ nhằm hồi sinh các nhà máy điện hạt nhân, điều được coi như là hành động rút lui khỏi chính sách loại bỏ hạt nhân hiện tại.
Những lo ngại đang gia tăng khi chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in được cho là đã xúc tiến việc vận hành một số nhà máy điện hạt nhân để khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng của quốc gia.
Động thái này đã bị chỉ trích vì có ý nghĩa chính trị trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.
“Việc phủ nhận và tấn công vào lập trường chính sách phi hạt nhân hóa là một lựa chọn thiển cận của các chính trị gia muốn mở rộng cơ sở của sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tổng thống. Hành vi này quả là hết sức vô trách nhiệm và nguy hiểm cho tương lai của đất nước”, Cha Yang Ki-seok, Chủ tịch ủy ban môi trường sinh thái của Giáo phận Suwon, phát biểu với Thời báo Công giáo Hàn Quốc.
Cha Yang lưu ý rằng liệu việc loại bỏ hạt nhân của chính quyền Moon Jae-in có mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào hay không, việc duy trì nó như chính sách năng lượng quốc gia cần được đánh giá một cách tích cực.
Giáo hội Công giáo đã kiên quyết phản đối vũ khí hạt nhân và các nhà máy điện hạt nhân trong nhiều năm.
Năm 2013, Đức nguyên Giám mục Peter U-il Kang Địa phận Cheju, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc (CBCK), đã phản đối mạnh mẽ việc sử dụng công nghệ hạt nhân. “Chúng ta phải lựa chọn sự sống”, Đức Cha Kang nói.
Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm môi trường có kế hoạch biểu tình chống lại việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân vào ngày 24 tháng 8.
Ủy ban An ninh và An toàn Hạt nhân đã phê duyệt một cách có điều kiện hoạt động của nhà máy điện Shin-Hanul số 1 công suất 1.400 megawatt ở quận ven biển Uljin, cách thủ đô Seoul 330 km về phía đông nam, với điều kiện phải thực hiện các biện pháp an toàn hơn nữa, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin vào ngày 9 tháng 7 vừa qua.
Các nhà máy khác đang chờ cấp phép hoạt động là Shin Wolsong 1, Shin Kori 4 và Wolsong 3, đã bị đóng cửa để bảo trì.
Các nhà lập pháp từ các đảng đối lập cũng như đảng cầm quyền đã hoan nghênh việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để khắc phục tình trạng thiếu hụt điện.
Trong một bài báo cho tờ The Korea Times, Park Jin, một nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập, đã ủng hộ việc mở cửa trở lại các lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc.
“Hàn Quốc sở hữu một nền công nghiệp hạt nhân rất phát triển với 24 lò phản ứng hạt nhân và thêm 4 lò nữa đang được xây dựng. Quốc gia này phụ thuộc đáng kể vào năng lượng hạt nhân, sản xuất khoảng 29% nguồn cung điện. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ Moon Jae-in loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân để chuyển sang năng lượng tái tạo do những lo ngại về môi trường và an toàn vào năm 2017 đã dẫn đến những rủi ro lớn hơn về chi phí kinh tế, tình trạng thiếu điện, những tụt hậu về khoa học và công nghệ, và không kém phần quan trọng, sự đối lập chính trị mạnh mẽ”, ông Park viết vào ngày 2 tháng 8.
Nhà lập pháp lưu ý rằng quyết định hồi sinh năng lượng hạt nhân được đưa ra sau thất bại trong nỗ lực của chính phủ trong việc sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng chẳng hạn như cắt điều hòa không khí trong các văn phòng cơ quan công cộng vào những giờ cao điểm.
Kể từ khi ông Moon Jae-in, Tổng thống người Công giáo thứ hai của Hàn Quốc sau ông Kim Dae-jung, lên nắm quyền vào năm 2017, ông đã áp dụng chính sách loại bỏ hạt nhân như một trụ cột chính trong chính sách điện quốc gia trong khi đồng thời theo đuổi các lựa chọn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự bất bình khi chính phủ không thành công trong việc áp dụng năng lượng tái tạo khi đất nước đang đối mặt với tình trạng thiếu điện.
Các đảng đối lập đã lên tiếng phản đối chính sách phi hạt nhân hóa và thu thập chữ ký trực tuyến phản đối kế hoạch loại bỏ hạt nhân của ông Moon.
Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai và đồng thời cảnh báo về sự nguy hiểm của công nghệ hạt nhân.
“Tôi tin chắc rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều khả thi và hết sức cần thiết, tôi tha thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đừng quên rằng những thứ vũ khí này không thể bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa hiện tại đối với vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu vào ngày 24 tháng 11 tại Nagasaki, một trong hai thành phố của Nhật Bản bị bom nguyên tử của Mỹ tàn phá.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đề cập đến các vụ tai nạn hạt nhân tại các nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima và đồng thời cầu nguyện cho một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Minh Tuệ (theo UCA News)