
Cụ bà Kim Ok-Soon, 90 tuổi, ngồi trong căn phòng của mình ở làng Guryong, ngoại ô Gangnam, Seoul, Hàn Quốc, trong bức ảnh tư liệu này (Ảnh: Ed Jonses/AFP/Getty)
Một vị lãnh đạo hàng đầu của Giáo hội ở Hàn Quốc đã kêu gọi chính phủ và các tổ chức từ thiện nâng cao nhận thức để hỗ trợ tốt hơn cho các thành phần yếu thế hơn trong xã hội, bao gồm quyền đi lại của những người khuyết tật và cao niên.
“Điều quan trọng là phải mở rộng tầm nhận thức của mọi người rằng quyền di chuyển không chỉ dành cho người khuyết tật mà còn cho tất cả chúng ta, chẳng hạn như những người cao niên và cha mẹ có trẻ em ngồi trong xe đẩy”, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taek Địa phận Seoul cho biết.
Đức Tổng Giám mục Chung đã đưa ra nhận xét này trong cuộc gặp gỡ các đại diện của Tổ chức Liên đới Quốc gia nhằm Xóa bỏ Phân biệt đối xử đối với Người khuyết tật tại Tòa Tổng Giám mục ở Seoul vào ngày 10 tháng 11, trang tin của Tổng Giáo phận, Good News, đưa tin.
Vị Giám chức kêu gọi tạo ra nhận thức và xây dựng sự đồng thuận giữa các bên liên quan chính thay vì phản đối để đạt được mục tiêu tạo ra nhận thức về việc di chuyển trong nước.
“Để có được sự đồng thuận của chính phủ, chính quyền địa phương và các đảng phái chính trị, chúng ta nên tìm cách hình thành sự đồng thuận giữa các thành viên trong xã hội thay vì phản đối”, Đức Tổng Giám mục Chung nói.
Lee Gyu-sik và Park Kyung-seok, các thành viên của nhóm khuyết tật đã tham dự cuộc họp.
Cuộc họp được tổ chức sau khi ông Park gửi một lá thư vào tháng trước cho Đức Tổng Giám mục Chung chỉ ra những thiếu sót trong ngân sách chính phủ dành cho người khuyết tật.
Trong cuộc họp, ông Park cáo buộc rằng chưa đến 50% ngân sách dành cho người khuyết tật được thực hiện.
“Bất chấp việc sửa đổi luật giới thiệu xe buýt sàn thấp vào năm 2021, chưa đến 50% ngân sách phân bổ cho năm 2023 được thực hiện”, ông Park cho biết.
Ông Park cũng than phiền khi đặt vấn đề “tại sao nhà nước không thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “các quyền dân sự cơ bản dành cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội cần được bảo vệ”.
Đức Tổng Giám mục Chung chỉ ra rằng ngài chưa xác minh các cáo buộc liên quan đến việc ngăn chặn ngân sách do ông Park đưa ra nhưng đảm bảo với ông rằng ngài sẽ hỗ trợ nhóm xây dựng sự đồng thuận và nhận thức về các vấn đề mà họ phải đối mặt.
“Tôi sẽ sát cánh cùng với các bạn với tư cách là một người dân để quyền đi lại được sự đồng thuận của toàn dân”, Đức Tổng Giám mục Chung nói.
Trong cuộc họp vào tháng 2 với đại diện của nhóm và các nhà lập pháp, Đức Tổng Giám mục Chung đã kêu gọi mọi người dân tham gia vào việc giải quyết các vấn đề đi lại của người khuyết tật.
Hàn Quốc đã thông qua luật chống phân biệt đối xử để hỗ trợ và giúp đỡ những người khuyết tật.
Đạo luật chống phân biệt đối xử và Biện pháp khắc phục cho người khuyết tật được ban hành vào ngày 10 tháng 4 năm 2007 và nhằm mục đích “cấm phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật trong mọi khía cạnh của cuộc sống”.
Điều 4 của đạo luật đặc biệt nghiêm cấm cả sự phân biệt đối xử rõ ràng đối với người khuyết tật lẫn “các tiêu chuẩn mù quáng đối với người khuyết tật khiến người khuyết tật bị đối xử bất công mà không có lý do chính đáng, mặc dù không có sự đối xử thiếu thiện chí rõ ràng”.
Người sử dụng lao động và các cơ sở trên toàn quốc được yêu cầu cung cấp phương tiện tiếp cận phù hợp cho người khuyết tật. Họ cũng không được phép “hạn chế, loại trừ, tách biệt hoặc từ chối người khuyết tật”.
Người khuyết tật ở Hàn Quốc bị các gia đình coi là gây bất lợi cho vị thế xã hội của họ và họ cố gắng che giấu người khuyết tật khỏi xã hội, Disability:IN, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết.
Theo truyền thống, người Hàn Quốc tin rằng khuyết tật là kết quả của hệ thống địa hình địa lý được sử dụng trong việc chọn vị trí tốt cho ngôi mộ và nhà ở, tội lỗi đã phạm trong kiếp trước, lỗi lầm của tổ tiên hoặc ma quỷ.
Theo statista.com, năm 2022, Hàn Quốc có 2,65 triệu người được ghi nhận là người khuyết tật, cao nhất kể từ năm 1989.
Minh Tuệ (theo UCA News)