Giáo hội cần tập trung vào việc làm thế nào để duy trì sự hiệp thông với mọi người trong bối cảnh đã thay đổi.
Hơn một năm sau khi đại dịch Covid-19 tấn công Hàn Quốc, Giáo hội đang suy tư về cách tiếp cận mục vụ mới để tiếp tục công cuộc truyền giáo và hướng đến đời sống tâm linh của các tín hữu trong điều kiện “bình thường mới”.
Khi sự bùng phát vi-rút gây ra những thách thức to lớn đối với đời sống xã hội, kinh tế và tôn giáo của người dân, Giáo hội cần tập trung vào việc làm thế nào để duy trì sự hiệp thông với mọi người trong bối cảnh đã thay đổi, Linh mục Chung Hee-wan, Giám đốc Viện Thần học và Văn hóa Công giáo, chia sẻ.
“Đời sống tôn giáo đang chuyển từ trung tâm của Giáo hội sang đời sống hàng ngày của người dân, phần lớn là do sự hiệp thông không trực diện trong sự bùng phát Covid-19. Để đối phó với tình hình này, Giáo hội cần phải trải qua một quá trình thay đổi và đổi mới lâu dài để duy trì sứ mạng truyền bá Phúc Âm hóa của Giáo hội và giữ cho mọi người luôn hiệp thông với Thiên Chúa”, Linh mục Chung chia sẻ.
Giáo hội Hàn Quốc và các tín hữu đã thể hiện tình yêu thương và lòng trắc ẩn phi thường đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách cung cấp thực phẩm, tiền mặt và các nhu yếu phẩm cho những người nghèo và thu nhập thấp, và giờ đây đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại về chính sách mục vụ hiện tại đối với các tín hữu, Linh mục Chung nói.
“Với cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài, các tổ chức và viện nghiên cứu mục vụ khác nhau trong Giáo hội Hàn Quốc cần phải đưa ra các kế hoạch mục vụ mới phù hợp với kỷ nguyên mới vốn đã bắt đầu mở ra”, Linh mục Chung nói.
Hàn Quốc đã ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 20 tháng 1 năm ngoái. Một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi nhập cảnh vào nước này từ Vũ Hán, thành phố của Trung Quốc nơi lần đầu tiên phát hiện ra loại virus chết người, là ca nhiễm chính thức đầu tiên ở Hàn Quốc.
Các nhà chức trách đã áp đặt chương trình được mệnh danh là một trong những chương trình kiểm soát dịch bệnh có quy mô nhất và có tổ chức tốt nhất trên thế giới. Chương trình này bao gồm việc cấm các chuyến bay quốc tế, giữ khoảng cách thể lý, đeo khẩu trang bắt buộc, kiểm tra hàng loạt, truy vết tiếp xúc và cách ly những người bị nhiễm bệnh.
Trong khi các biện pháp này có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây truyền hàng loạt trong cộng đồng, một giáo phái Kitô giáo ở Daegu bị cho là đã lây lan virus cho hàng chục người. Khoảng 40 người tham dự các buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Shincheonji ở Daegu vào tháng Hai đã bị phát hiện bị nhiễm bệnh.
Các thành viên của giáo phái, được thành lập vào những năm 1980, tập hợp hàng nghìn người tham dự các chương trình cầu nguyện. Họ ngồi và quỳ gần nhau và bị cấm đeo khẩu trang khi tham dự. Các tín đồ người thuộc giáo phái Shincheonji giấu tư cách thành viên vì họ không phải là một giáo phái phổ biến ở Hàn Quốc. Họ cũng coi bệnh tật là tội lỗi.
Hàng chục nghìn người Hàn Quốc đã kêu gọi chính phủ giải tán giáo phái này vì đã vi phạm các nguyên tắc về y tế khiến dịch bệnh bùng phát ở khu vực đô thị Daegu, nơi có dân số 2,5 triệu người.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, Tổng Giáo phận Daegu đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ công cộng vào tháng Hai. Biện pháp này được áp dụng bởi tất cả các Tổng Giáo phận và Giáo phận Công giáo trong một quốc gia mà người Công giáo chiếm khoảng 5,6 triệu người.
Cửa nhà thờ vẫn đóng ngay cả trong dịp lễ Phục sinh khi hàng triệu người thường đổ về tham dự Thánh lễ.
Các Thánh lễ công cộng được tiếp tục vào tháng 4 với số lượng người tham dự hạn chế và tuân thủ các biện pháp an toàn và y tế nghiêm ngặt bao gồm kiểm tra thân nhiệt, vệ sinh, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách về thể lý.
Tuy nhiên, các Thánh lễ công cộng ở tất cả các Giáo phận lại tiếp tục bị đình chỉ kể từ ngày 16 tháng 12 sau làn sóng lây nhiễm coronavirus thứ hai, nghĩa là không có Thánh lễ công cộng nào được phép cử hành kể cả Đại lễ Giáng sinh. Các Thánh lễ được phép tiếp tục trở lại vào ngày 18 tháng 1 với số lượng người tham dự hạn chế.
Theo Linh mục Park Dong-ho thuộc Tổng Giáo phận Seoul, Giáo hội Hàn Quốc đã hỗ trợ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lây lan gây ra.
Sau khi đại dịch xảy ra, mạng lưới phúc lợi và an toàn cho những người nghèo và dễ bị tổn thương trong xã hội đã bị ảnh hưởng. Các bếp súp dành cho người nghèo đã bị đóng cửa và nhiều người phải vật lộn để tồn tại sau khi mất việc làm và thu nhập, trong khi các công nhân nhập cư và những người tị nạn phải đối mặt với thiệt hại tài chính lớn, thậm chí phải vật lộn để mua khẩu trang, Linh mục Park Dong-ho lưu ý.
“Mặt khác, các Linh mục, Tu sĩ và giáo dân đã thực hiện các chiến dịch gây quỹ tình nguyện để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. Giáo hội đã phân phát khẩu trang và các bếp ăn của các Nhà thờ địa phương đã chuẩn bị những phần cơm trưa cho các cư dân nghèo. Đó là một cách tuyệt vời để thể hiện tình yêu thương và hy vọng cho tất cả mọi người dân trong cơn khủng hoảng”, Cha Park chia sẻ.
Minh Tuệ (theo UCA News)