
Các tình nguyện viên giúp cung cấp thêm oxy cho một bệnh nhân COVID-19 ở Kale, Myanmar, ngày 5 tháng 7 năm 2021. Giáo hội Công giáo đang chung tay giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus ở Myanmar khi hệ thống y tế của đất nước này hiện đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng các ca lây nhiễm COVID-19 cao kỷ lục (Ảnh: CNS/ Reuters)
Giáo hội Công giáo đang chung tay giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus ở Myanmar khi hệ thống y tế của đất nước này hiện đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 cao kỷ lục.
Ucanews.com đưa tin rằng Đại Chủng viện Công giáo Thánh Giuse ở Yangon đã được chuyển đổi thành một trung tâm chăm sóc và hiện có sức chứa 50 người trong tình trạng nghiêm trọng, cần được hỗ trợ oxy. Các quan chức Giáo hội cho biết hiện có thêm nhiều giường đang được sắp xếp để có đủ chỗ cho 70 người trong Chủng viện vì hiện đã có hơn 50 người đang nằm trong danh sách chờ đợi.
50 người khác đã được nhận vào khuôn viên Nhà thờ Hiển Linh ở Yangon, trong khi một Chủng viện ở Thanlyin, một thành phố cảng gần Yangon, hiện đang được chuyển đổi thành một trung tâm chăm sóc.
Nhiều trung tâm chăm sóc hiện đang được thiết lập tại các Giáo phận Công giáo như Myitkyina, Lashio và Taungngu, ucanews.com đưa tin.
Các quan chức Giáo hội cho biết ‘Karuna Myanmar’, cơ quan cứu trợ từ thiện Công giáo Caritas, đang phối hợp với ‘Medical Action Myanmar’, một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm cung cấp oxy, tại các trung tâm chăm sóc do nhà thờ điều hành. Tất cả các trung tâm chăm sóc đều nhận tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc và tôn giáo.
Cha Henry Eikhlein, Điều phối viên điều hành ‘Sáng kiến Hỗ trợ Nhân đạo của Giáo hội Công giáo Myanmar’, cho biết Giáo hội sẽ ưu tiên tiến hành các chương trình nâng cao nhận thức, mở các trung tâm chăm sóc và cung cấp nguồn cung cấp oxy thiết yếu. Tổ chức được thiết lập bởi Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon và các Giám mục khác cùng với các Linh mục, Tu sĩ, các bác sĩ y khoa và giáo dân nhằm ứng phó với đại dịch.
Sáng kiến của Giáo hội được đưa ra khi làn sóng thứ ba tàn phá Myanmar, đã ngã quỵ sau khi quân đội lật đổ các nhà lãnh đạo dân sự được bầu và nắm quyền vào ngày 1 tháng 2. Tình trạng hỗn loạn và biểu tình sau đó đã khiến phản ứng đối phó với đại dịch của đất nước này rơi vào hỗn loạn.
Bộ Y tế do quân đội kiểm soát đã công bố số ca nhiễm bệnh hàng ngày trung bình khoảng 6.000 và 200 ca tử vong, nhưng các bác sĩ và các nhóm từ thiện cho biết con số thực tế còn cao hơn thế.
Người dân phải xếp hàng nhiều giờ để được thở oxy ở một số thành phố, trong khi các bệnh nhân nặng chết tại nhà.
Đức Hồng y Bo đã kêu gọi các nhà cầm quyền hãy trở thành “những Mục tử tốt lành” và cứu người dân.
“Đây chẳng khác gì thời kỳ tận thế: nạn đói kém, tranh giành ôxy, xếp hàng dài trong các nghĩa trang, và thứ vi rút dai dẳng của xung đột, và tình trạng nghèo đói của người dân chúng ta”, Đức Hồng y Bo nói trong bài giảng vào ngày 25 tháng 7. “Nếu không có hòa bình, hàng trăm người sẽ bị chôn vùi mỗi ngày. Hòa bình là liều thuốc duy nhất chống lại những gì đang biến thành ngày tận thế của sự chết chóc và bệnh tật”.
Linh mục Robert Mg Ba thuộc Giáo phận Kalay, nơi đã chuyển đổi một Trung tâm Mục vụ thành một trung tâm chăm sóc, chăm sóc 11 bệnh nhân đang được hỗ trợ oxy, cho biết việc có được điện 24 giờ là một thách thức lớn.
“Chúng tôi có 30 giường bệnh và thậm chí đã thiết lập máy tạo oxy, nhưng không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do vấn đề điện”, Linh mục Mg Ba phát biểu với ucanews.com.
Giáo phận Kalay có 10 tình nguyện viên, bao gồm các bác sĩ, y tá và thanh thiếu niên làm việc để hỗ trợ y tế cho các bệnh nhân. Giáo phận Kalay cũng điều hành một phòng khám và các cơ sở xét nghiệm COVID-19.
Minh Tuệ (theo Crux)