Bắt đầu từ ngày 14 tháng 8 và đến hết ngày 4 tháng 9, vòng đàm phán hòa bình thứ tư đang diễn ra tại Caracas, Venezuela, giữa chính phủ của Tổng thống Colombia Gustavo Petro và các chỉ huy du kích của Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), được đồng hành bởi Giáo hội Công giáo.
Trong số các vấn đề sẽ được đề cập, ngoài việc lập lại hòa bình, còn có vấn đề cải cách ruộng đất và cải cách thể chế ở Colombia.
Trong một bức thư vào ngày 2 tháng 12 năm 2022 gửi cho những người tham gia các cuộc đàm phán, Đức Tổng Giám mục Luis José Rueda Aparicio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Colombia, đã chấp nhận vai trò của Giáo hội trong việc đồng hành với tiến trình hòa bình, đồng thời lưu ý rằng đại diện cho Giáo hội sẽ là Đức Ông Héctor Fabio Henao, “người, với kinh nghiệm và sự khôn ngoan của mình, cùng với lời cầu nguyện của chúng tôi, sẽ sẵn sàng cộng tác trong bất cứ điều gì cần thiết để củng cố quá trình được chờ đợi từ lâu này vì lợi ích của đất nước chúng ta”.
Do đó, Giáo hội không phải là người tham gia, trung gian, hay đơn thuần là người quan sát mà với sự hiện diện của mình, Giáo hội sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách có thể để mang lại nền hòa bình được mong muốn.
ELN là nhóm vũ trang quan trọng nhất còn lại ở nước này sau thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm 2016 giữa nhà nước Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Gustavo Petro và Chỉ huy ELN Pablo Beltrán – người có Liên Hợp Quốc làm người bảo lãnh, trong số các bên tham gia khác – sẽ diễn ra trong khi lệnh ngừng bắn kéo dài sáu tháng, bắt đầu vào ngày 3 tháng 8, được duy trì.
Trong một thông cáo chung vào ngày 14 tháng 8, cả hai phái đoàn đều tuyên bố rằng họ “tái khẳng định sự xác quyết của mình về tầm quan trọng của sự tham gia của xã hội vào quá trình này và của những sự chuyển đổi làm cơ sở cho hòa bình và hiệp định quốc gia, và tiến trình đó trong các cuộc đàm phán được phản ánh đồng đều trong việc tuân thủ lịch trình được thiết lập để thực hiện các thỏa thuận về sự tham gia xã hội và lệnh ngừng bắn”.
Về lệnh ngừng bắn song phương, quốc gia và tạm thời, các phái đoàn cam kết “mở rộng nhiệm vụ của phái đoàn kiểm tra của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thực hiện cơ chế giám sát và kiểm tra trên toàn quốc và mở các kênh liên lạc để tránh sự đối đầu”.
Trong điểm cuối cùng của thông cáo, các bên tuyên bố rằng “các phái đoàn sẽ tiếp tục triển khai hai thỏa thuận này. Tương tự như vậy, họ sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan khác liên quan đến việc phát triển chương trình nghị sự đối thoại và tiến trình hòa bình, và kết quả của những nỗ lực này sẽ được thông báo tới công chúng một cách kịp thời”.
Cuối cùng, chính phủ Colombia và ELN bày tỏ lời cảm ơn vì “lòng hiếu khách và những nỗ lực đã giúp cho vòng đàm phán mới này của chính phủ Cộng hòa Bolivar Venezuela có thể thực hiện được”.
Họ cũng bày tỏ lòng biết ơn “đối với các quốc gia bảo trợ và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Carlos Ruiz Massieu… và đối với Hội đồng Giám mục Colombia và nhóm các quốc gia vì sự hỗ trợ, đồng hành và hợp tác của họ”.
Tại lễ khai mạc vào ngày 14 tháng 8 để bắt đầu vòng đàm phán hòa bình thứ tư, Đức Cha Darío Monsalve, nguyễn Tổng Giám mục Địa phận Cali,thay mặt Giáo hội và các tổ chức đồng hành với cuộc đối thoại này bày tỏ thiện chí của mình “để những ngày này ở Caracas đang hoạt động hiệu quả và cho phép chúng ta đạt được các thỏa thuận thực sự mà trong đó trọng tâm là những người trong nhiều thập kỷ đã phải chịu tác động của cuộc xung đột vũ trang”.
Giáo hội “khuyến khích các bên tiếp tục thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra và tiếp tục đạt được tiến bộ – một cách cụ thể và hiệu quả – để xây dựng một nền hòa bình toàn diện”, Đức Cha Monsalve kết luận.
Beltrán, trưởng phái đoàn ELN, cho biết nỗ lực hòa bình do các phái đoàn thực hiện “không phải lúc nào cũng được hiểu rõ và khi những đóng góp được thực hiện — và không được đánh giá đầy đủ — thì việc thực hiện chúng sẽ khó khăn hơn. ELN, khi nói đến các tiến trình hòa bình này, thành ra đưa ra các thỏa thuận và thực hiện các thỏa thuận”.
Otty Patiño, trưởng phái đoàn Cộng hòa Colombia, tuyên bố rằng “hòa bình mà chúng tôi đang đạt được với ELN phải góp phần xây dựng một nhà nước dân chủ đầy đủ; nghĩa là, một quốc gia có chủ quyền làm cho chủ quyền của các quốc gia khác được tôn trọng, đặc biệt là của các quốc gia láng giềng”.
Các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại vào tháng 11 năm 2022 sau hơn ba năm bị đình chỉ.
Minh Tuệ (theo CNA)