Giáo hội Công giáo tại Israel giúp đỡ các tín hữu nhập cư tìm kiếm sự an toàn

Trại hè dành cho trẻ em tại Giáo xứ Thánh Giacôbê dành cho người Công giáo nói tiếng Do Thái ở Israel năm 2021. (Nguồn: Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Dau khổ)

Trại hè dành cho trẻ em tại Giáo xứ Thánh Giacôbê dành cho người Công giáo nói tiếng Do Thái ở Israel năm 2021 (Ảnh: Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Dau khổ)

Những người di cư và người xin tị nạn Kitô giáo đang gặp khó khăn ở Israel đang nhận được sự trợ giúp khẩn cấp từ Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem.

Chúa nhật ngày 29 tháng 10, đánh dấu Ngày Thế giới Di cư và Tị nạn lần thứ 110, và Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa cho biết ngài đã hỗ trợ các Kitô hữu từ nhiều nơi trên thế giới tìm kiếm sự an toàn và việc làm tại Thánh địa.

Theo tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ – một tổ chức từ thiện trực thuộc Vatican – có thể có tới 85.000 người được chăm sóc mục vụ bởi Ban đặc trách về Người di cư và Người xin tị nạn (VMAS) của Tòa Thượng phụ, được thành lập vào năm 2021 để giúp các tín hữu nhập cư đối mặt với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Trưởng ban VMAS, Nữ tu Gabriele Penka, cho biết những người sống ở Israel mà không phải là công dân của đất nước này thường phải làm những công việc nặng nhọc mà không ai muốn làm.

Nữ tu Penka nói với tổ chức từ thiện Công giáo Trợ giúp các Giáo hội đau khổ – (ACN) rằng những người xin tị nạn cần “xuất trình phiếu lương để xin thị thực, nhưng đồng thời, Israel sẽ không chính thức tuyên bố rằng họ có quyền làm việc … Chúng tôi đã đến tất cả các bộ liên quan đến vấn đề này, và không ai có thể đưa ra cho chúng tôi câu trả lời trực tiếp về tình trạng pháp lý của những người này”, Nữ tu Penka nói.

Nữ tu Penka cho biết VMAS đang cung cấp hỗ trợ thiết thực, bao gồm việc điều hành trường mẫu giáo cho trẻ em di cư và tị nạn không đủ điều kiện được giáo dục mầm non miễn phí.

“Chúng tôi có một số chương trình chăm sóc trẻ em. Khi những người di cư có con, nếu họ không có nơi nào để gửi con, thì họ không thể làm việc nữa, và chúng tôi đã chứng kiến ​​một số tình huống rất nghiêm trọng. Ở Giêrusalem, chúng tôi có chương trình sau giờ học dành cho trẻ em ở độ tuổi thiếu niên tham gia vào buổi chiều”, Nữ tu Penka nói với ACN.

“Chúng tôi có những tình nguyện viên người Israel giúp chúng làm bài tập về nhà… Và chúng tôi cũng điều hành một ngôi nhà cho khoảng 10 hoặc 11 thanh thiếu niên ở Giêrusalem, từ những gia đình không có khả năng có được một ngôi nhà ổn định. Các em ở với chúng tôi trong tuần, và sau đó trở về với gia đình của các em”, Nữ tu Penka nói.

Các Kitô hữu chiếm 1,9% dân số Israel, khoảng 185.000 người, trong đó 75% là các Kitô hữu gốc Ả Rập.

Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu sống ở đất nước này với thị thực hạn chế, điều này gây khó khăn hơn cho gia đình họ.

Đức Hồng y Pizzaballa đang nỗ lực tìm kiếm các Linh mục để cử hành các Bí tích cho những cộng đồng này bằng ngôn ngữ của họ – thậm chí còn sắp xếp các buổi cử hành phụng vụ ở những nơi không có nhà thờ nào gần đó.

“Chúng tôi có 60 cộng đồng trên khắp cả nước, ở những nơi không có sự hiện diện của Kitô giáo, và họ thường phải tụ họp vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy – vì đó là cuối tuần ở Israel – khi không có phương tiện giao thông công cộng”, Nữ tu Penka nói với CAN.

“Phần lớn số tiền chúng tôi phân bổ cho VMAS được dùng để thuê những địa điểm nơi mọi người có thể gặp gỡ và cầu nguyện, và đây là một số tiền rất lớn”, Nữ tu Penka cho biết thêm.

George Akroush, Giám đốc Văn phòng Phát triển Dự án của Tòa Thượng phụ, nói với ACN rằng mặc dù người di cư và người xin tị nạn đến Israel với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng sự hiện diện của họ có thể cho thấy quan điểm tích cực về Kitô giáo đối với cộng đồng Do Thái địa phương.

“Nhiều người di cư, chủ yếu là phụ nữ trẻ, làm nghề chăm sóc người già. Thông qua sự hiện diện của họ tại tư gia của các gia đình địa phương, họ cung cấp cho cộng đồng Do Thái một góc nhìn khác về Giáo hội Công giáo, và với điều này, họ xây dựng những cầu nối”, ông Akroush nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết