Tổng cộng có 422 linh mục Công giáo đã bị hành quyết, bị sát hại hoặc bị tra tấn đến chết trong suốt cuộc Đại thanh trừng.
Giáo hội Công giáo Nga đã kêu gọi các Kitô hữu phương Tây tưởng nhớ đến các vị anh hùng tử đạo của chế độ Cộng sản trong suốt thế kỉ sau cuộc cách mạng Nga năm 1917 chứ không chỉ là để tưởng niệm các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của đất nước.
“Những sự khổ sở trong các trại giam và các trại cải tạo lao động Liên Xô vẫn là một vấn đề đối với toàn thể xã hội nơi đây, chứ không chỉ riêng các cộng đồng tôn giáo”, Đức Cha Igor Kovalevsky, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo, cho biết. “Những câu chuyện về các chứng nhân và những anh hùng tử đạo hầu như được mọi người biết đến và được kính trọng. Các ngôi Thánh đường đã được xây dựng trên nền móng của những người đã chết vì đức tin, những người xứng đáng được so sánh với những anh hùng tử đạo của những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo”.
Đức Cha Kovalevsky đã đưa ra những lời phát biểu trên trong bối cảnh của việc chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 100 năm cuộc Cách Mạng Tháng Mười năm 1917, tuyên bố hơn tám thập kỷ cai trị của chế độ cộng sản.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tablet, Đức Cha Kovalevsky cho biết công việc của các nhà bất đồng chính kiến chẳng hạn như Alexander Solzhenitsyn (1918-2008) và Nadezhda Mandelstam (1899-1980) đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, thế nhưng không được làm lu mờ hàng chục ngàn Kitô hữu đã chết vì đức tin của họ.
Theo số liệu của chính phủ Nga, có ít nhất 21 triệu người được cho là đã chết trong các cuộc đàn áp, bách hại và “các cơn đói kém khủng khiếp” sau năm 1917, trong đó có 106.000 giáo sĩ Chính Thống bị bắn chết chỉ trong thời gian của cuộc Đại thanh trừng 1937-1928. Tổng cộng có 422 linh mục Công giáo đã bị hành quyết, bị sát hại hoặc bị tra tấn đến chết cùng với 962 tu sĩ, nữ tu và giáo dân, trong khi tất cả chỉ trừ hai trong số 1240 nhà thờ Công giáo đã bị cưỡng ép chuyển thành các cửa hàng, nhà kho, và nhà vệ sinh công cộng.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Tablet, Đức Cha Kovalevsky cho biết Giáo hội Công giáo đã sẵn sàng để tưởng nhớ tất cả những người đã thiệt mạng, nhưng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn ký ức về những nạn nhân là các Kitô hữu dưới thời Liên Xô. Phát biểu vào hồi đầu năm nay, Đức Thượng Phụ Kirill quy trách nhiệm vấn đề bạo lực của cuộc cách mạng cho “những tội ác ghê tởm được gây ra bởi giới trí thức chống lại Thiên Chúa, đức tin, con người và quốc gia của họ”, và đồng thời kêu gọi mọi công dân đánh dấu biến cố kỷ niệm trăm năm này bằng “một sự suy tư sâu sắc và việc cầu nguyện chân thành”.
Minh Tuệ chuyển ngữ