Giáo hội Brazil quan tâm đến những người di cư Venezuela

Một gia đình tị nạn từ Venezuela ở Roraima, Brazil (Bruno Mancinelle / AGIF / AFP)

Một gia đình tị nạn đến từ Venezuela ở Roraima, Brazil (Ảnh: Bruno Mancinelle /AFP)

Khung cảnh rộng lớn và đa dạng của Brazil luôn làm say mê những người dân Venezuela.

Vào hồi tháng trước, chính phủ Brazil đã cấp tình trạng tị nạn cho hơn 21.000 người Venezuela trong một hoạt động.

“Mọi người đều ngạc nhiên trước sáng kiến này mặc dù chúng tôi biết rằng đó không chỉ là một hành động tử tế từ phía chính phủ”, Đức Tổng Giám mục Mario Antonio da Silva Địa phận Roraima phát biểu với hãng tin Thụy Sĩ Cath.ch vào ngày 5/1.

Theo chính phủ Brazil, có đến 500 đến 800 người Venezuela đã nhập cảnh vào nước này mỗi ngày.

Trong số 3,4 triệu người dân Venezuela đã rời khỏi đất nước của họ kể từ năm 2015, khoảng 400.000 người đã định cư ở Brazil, theo Liên Hợp Quốc.

Không có tiền bạc và quần áo

Phần lớn những người di cư đến nước này qua bang Roraima ở khu vực phía bắc. Đức Cha da Silva, phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB), do đó, là người đi đầu về vấn đề này.

Theo Đức Cha da Silva, những người di cư này “thậm chí còn nghèo hơn cha ông của họ. Họ đặt chân đến đây với đôi bàn tay trắng, không tiền bạc và quần áo, chỉ với tinh thần can đảm và hy vọng về một cuộc sống mới”.

Nhiều người trong số họ đau yếu bệnh tật và “ngày càng có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên không có thân nhân đi cùng, cũng như những phụ nữ đơn thân có con nhỏ”.

Bất chấp sự can thiệp của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và quân đội Brazil thân thiện, “chỉ có 20% những người di cư được ở trong các ngôi nhà cấp cứu”, Đức Cha da Silva nói.

Phần còn lại sinh sống trong những điều kiện khốn khổ trong những ngôi nhà trú ẩn của thành phố.

Tại các thành phố Boa Vista (thủ đô của Roraima) và Pacaraima (ở biên giới), Giáo hội Công giáo đang cung cấp viện trợ khẩn cấp (thực phẩm, quần áo, sơ cứu, v.v.) và đang giúp họ nộp đơn xin tình trạng tị nạn.

Mạnh dạn và sáng tạo hơn

“Kể từ tháng 10, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, chúng tôi đã đưa ra một chương trình nhằm cung cấp sự chăm sóc và các điều kiện vệ sinh”, Đức Cha da Silva nói.

Ngài hy vọng “sự sáng tạo hơn về phía các Giáo phận khác để giúp những người di cư Venezuela hội nhập xã hội”.

Tuy nhiên, Giáo phận Roraima đang trông mong sự hỗ trợ tài chính từ các Giáo phận khác và tổ chức Caritas Brazil để đáp ứng các chi phí.

“Chúng tôi chủ yếu nhận được sự giúp đỡ từ CNBB, vì 40% quỹ đoàn kết quốc gia được dành cho những người di cư”, vị Giám chức nói.

“Chúng tôi hy vọng rằng sự viện trợ này sẽ được tiếp tục, nhưng chúng tôi không có một sự bảo đảm. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn tài trợ mới cho năm 2020”.

Đức Giám mục da Silva hy vọng rằng các nước phương Tây sẽ nhận thức rõ hơn về hoàn cảnh của những người di cư Venezuela.

“Có rất ít ngân quỹ của châu Âu đã được chi trả để giúp đỡ họ”, Đức Giám mục da Silva nói. “Nhưng có một sự khẩn cấp. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống vượt quá mọi mong đợi”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết