Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn độ (CBCI) vừa tổ chức một hội thảo về tình hình của các nhóm bộ tộc. Các nhóm này đại diện cho 8,6% tổng số dân cư sống bên lề của xã hội Ấn Độ, nạn nhân của bạo lực và lạc hậu. Đức Cha Mascarenhas: “Phải bảo vệ và giữ gìn bản sắc của các cộng đồng bộ tộc.”
Đảm bảo việc áp dụng hiệu quả các luật bảo vệ người dân bản địa; giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống đặc biệt của họ, giúp họ không đánh mất bản sắc; đặc biệt chú ý đến các nhóm bộ tộc dễ bị tổn thương nhất và thúc đẩy hành động quyết liệt chống việc buôn bán các cô gái và chàng trai từ các buôn làng ra các thành phố lớn. Đó chỉ là một số trong những nguyên tắc chỉ đạo trong tuyên bố cuối cùng của hội thảo ngày hôm qua tại New Delhi do Hội đồng Giám mục Ấn Độ và bộ phận đặc trách sự vụ các sắc dân của CBCI tổ chức.
Sự kiện này trùng với dịp kỷ niệm lần thứ mười lễ Vishwa Adivasi Diwas, lễ hội quốc tế của các dân tộc bản địa. Hội thảo mang tên “Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa trong bối cảnh Ấn Độ” và tập trung vào “các mục tiêu” phát triển bền vững cho các nhóm bộ tộc, đại diện cho 8,6% tổng dân số và gồm 705 thực thể khác nhau .
Các bộ tộc từ lâu đã là nạn nhân của những cuộc cưỡng bách, trục xuất, tước đoạt quyền sở hữu, loại trừ khỏi xã hội, phân biệt đối xử, nhấn chìm trong lạc hậu về kinh tế và xã hội…
Các Giáo hội địa phương cam kết cải thiện điều kiện sống và kiến tạo sự bình đẳng đầy đủ cho các bộ tộc này.
Các Giám mục cũng khuyến cáo “phải thực hiện đầy đủ” các chương trình phát triển y tế, kinh tế-xã hội và giáo dục, cũng như việc tạo ra các cấu trúc thích hợp – trường học, bệnh viện, vv – trong phạm vi khu vực các bộ tộc đó.
Một vài con số được nêu ra trong hội thảo cho thấy tình hình ở Ấn Độ là rất đáng ngại. 75% các gia đình bộ tộc sống dưới mức nghèo khổ. Chỉ 19,7% số người thuộc các dân tộc bản địa được tiếp cận với nước uống, 77,4% không có cơ sở y tế. Tỷ lệ bỏ học là hơn 70% và tỷ lệ trẻ em tử vong được báo cáo là 62,1%. Chỉ trong năm 2015, tổng số vụ bạo hành nhắm vào các thành viên của các nhóm bộ tộc đã vượt quá 11.000 vụ và phụ nữ là những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất trong xã hội Ấn Độ. Cuối cùng, sự thiếu quan tâm của Chính phủ cũng được chỉ rõ với số liệu về ngân sách nhà nước hàng năm: chỉ có 2,39% các nguồn lực được phân bổ để cải thiện tình trạng của các bộ tộc, so với mức tối thiểu 8,6% yêu cầu.
Cha Nicholas Barla, thư ký của Ủy ban giám mục về các vấn đề bộ tộc và thuộc cộng đồng bộ tộc Oraons gốc Orissa, nói rằng “các quy định” được tiên liệu trong các kế hoạch phát triển khác nhau “đã không được áp dụng phù hợp với các mô hình được cung cấp.” Ngài kêu gọi chính phủ và các tổ chức “đừng để bất cứ ai phải ở bên lề sự phát triển.”
Đức Cha Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo, nói rằng: “Giáo hội Công giáo tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của các công tác phục vụ sự phát triển người nghèo và bị gạt ra bên lề, không có ngoại lệ, bởi vì Chúa Giêsu dạy chúng ta phục vụ họ.” Vị giám chức nói thêm rằng đó là mong muốn của tất cả các tổ chức và cơ quan Công giáo đang “làm việc trong sự hợp tác với chính phủ, Liên hợp quốc và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước, để bảo vệ và giữ gìn bản sắc của các cộng đồng bộ tộc.”
Vũ Hùng (theo AsiaNews)