Lại càng không được xem học sinh, sinh viên là “đối tượng nhạy cảm” và đi ngược lại các quyền cơ bản của công dân.
Những ngày qua, sự kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/5/2016, đã gây nhiều bức xúc trong công luận.
Nội dung gây bất bình nhiều nhất chính là “10 hành vi sinh viên không được làm” quy định tại thông tư này. Trong đó, đáng chú ý là nghiêm cấm hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet.
Trao đổi với báo chí về thông tư gây “dậy sóng” này, bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GDĐT – cho biết, trước khi ban hành, Bộ đã tham khảo nhiều văn bản liên quan và đã bàn bạc kỹ, vì sinh viên là đối tượng nhạy cảm cần quan tâm (?).
Khi được hỏi về cách thức giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm của sinh viên do Thông tư 10 quy định, hay định nghĩa thế nào là các hành vi phản cảm, dung tục, xâm phạm an ninh quốc gia… thì người đại diện Bộ GDĐT cho biết sẽ giao việc này cho Sở GDĐT các địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, theo bà Nghĩa, lý do Bộ GDĐT đưa ra các hành vi cấm đoán nói trên đối với sinh viên đơn giản chỉ vì sinh viên là những “đối tượng nhạy cảm” cần “quan tâm”.
Không thể chỉ vì cái lý do “nhạy cảm” mà cơ quan quản lý cao nhất của ngành giáo dục lại làm một điều phản giáo dục là tước đi các quyền cơ bản của công dân, ở đây là học sinh, sinh viên. Bộ GDĐT đã đưa ra một thông tư hoàn toàn vi hiến.
Với sứ mệnh trồng người cao cả của mình, nhà trường không thể là nơi để kiểm soát tư tưởng, quan điểm, suy nghĩ, đạo đức hay nhân cách của người học. Nhà trường chỉ có thể đề ra các nội quy như không hút thuốc, uống rượu… tại trường lớp. Ngoài giờ học ở trường, học sinh, sinh viên hoàn toàn không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường nữa mà là của pháp luật.
Thực tế, nền giáo dục Việt Nam hiện đang đi ngược lại mọi triết lý giáo dục tiên tiến trên thế giới. Giáo dục Việt Nam bị chính trị hóa từ trong trứng nước. Nền giáo dục đó đang đào tạo ra những con người công cụ hơn là con người nhân vị có tự do, có khả năng chịu trách nhiệm và sáng tạo.
Và với việc ban hành Thông tư 10 đưa ra những cấm đoán nực cười, Bộ GDĐT tiếp tục khẳng định một thứ chính sách giáo dục nhồi sọ, áp đặt, triệt tiêu sức phản biện. Chính sách này đã, đang và sẽ biến những bạn trẻ học sinh, sinh viên thành bầy cừu, thành chuột bạch có định hướng mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn chủ trương xưa nay.
An Dân