Giám Mục Thụy Sĩ: ‘Không cử hành những nghi thức sau cùng đối với những người tìm đến việc an tử’

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 09-12-2016 | 19:35:43

Số người chết bằng việc an tử tại Thụy Sĩ đã gia tăng một phần ba vào năm ngoái.

an-tu%cc%9b%cc%89Một Giám mục Thụy Sĩ đã chỉ thị cho các Linh mục Công giáo không được phép cử hành những nghi thức sau cùng đối với những người tình nghi tìm kiếm đến việc an tử, sau sự gia tăng [các ca an tử] một cách mạnh mẽ trong thực tế tại nước này.


“Quả là ngày càng khó khăn để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn khi đối diện với cái chết – thậm chí có một cảm giác bất lực”, Đức Cha Vitus Huonder – Giám mục Địa phận Chur cho biết.


“Việc một bệnh nhân đang đau đớn sẵn sàng tự tử với sự giúp đỡ từ một người ngoài cuộc đặt bất kì một Linh mục nào vào một tình huống đầy khó khăn nếu được gọi đến để cử hành các bí tích. Trong những điều kiện như vậy, việc họ lãnh nhận các bí tích là không thể – tất cả những điều mà các Linh mục có thể làm đó là hiệp ý cầu nguyện và phó thác người đang hấp hối cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”.


Trong một sứ điệp mục vụ nhân Ngày Nhân Quyền, Đức Cha Huonder cho biết xã hội đương đại đã bị “ngập tràn các dữ liệu bừa bãi” và thường cho thấy một “sự phiến diện đáng sợ đối với vấn đề luân lý”.


Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh thêm rằng Giáo huấn của Giáo Hội xác quyết rằng việc điều trị y tế nên  “tôn trọng sự sống cũng như cái chết”, và ” không được làm tổn hại đến quá trình tự nhiên của sự chết”.


“Khả năng của y học hiện đại đã khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào những người có trình độ – đặc biệt là [ta] không còn khả năng phán đoán – trong giai đoạn cuối cùng của sự sống của chúng ta”, Đức cha Huonder cũng là Giám Quản Tông Tòa Zurich cho biết.


“Nhưng dưới góc độ của một người Kitô hữu, sự sống và cái chết của con người nằm trong tay Thiên Chúa – chúng tôi không được phép quyết định về sự sống và sự chết của chính mình. Việc tự tử, như một tên sát nhân, mâu thuẫn với trật tự trong thế giới Thiên Chúa”.


Người Công giáo theo truyền thống chiếm 44% trong tổng số 7,1 triệu dân của Thụy Sĩ, trong đó có 6 giáo phận gồm những người nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý.


An tử là hợp pháp theo luật Thụy Sĩ, nếu “không có động cơ là những suy tính ích kỷ”, và đã gia tăng nhanh chóng, theo một báo cáo của Neue Zurcher Zeitung. Tờ nhật báo này cho biết 999 cái chết êm dịu được ghi nhận là hợp pháp trong năm 2015, tăng 35% so với năm trước, và viết thêm rằng một “sự thay đổi các giá trị trong xã hội” đã trở thành “một chuẩn mực mới”.


Trong sứ điệp của ngài, Đức Cha Huonder cho biết việc cải thiện chăm sóc giảm đau đã gia tăng “những vấn đề xã hội, nhân đạo, tôn giáo và mục vụ y tế”, trong khi cái chết không nên được “trì hoãn một cách vô trách nhiệm” thông qua “việc trị liệu bằng bất cứ giá nào”.


Tuy nhiên, Đức Cha Huonder cho biết “sự thay đổi rộng rãi về thái độ trong xã hội” đã tạo ra những khó khăn trong việc mục vụ đối với hàng giáo sĩ bởi vì các tổ chức an tử nhấn mạnh quyền lựa chọn của các bệnh nhân khi nào chết.


“Việc cử hành các Bí tích Giải Tội, Xức Dầu Thánh và Thánh Thể chính là nguồn an ủi đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng và đang hấp hối”, Đức Cha Huonder nói. “Tuy nhiên, đó chính là bổn phận quan trọng của một linh mục trong việc mục vụ bác ái nhằm can ngăn những người đang có ý định tự hủy hại sự sống của mình để rồi đánh mất ơn cứu rỗi đời đời, và để giúp các bệnh nhân có thể hiểu và tuân theo Thánh ý Thiên Chúa”.


Việc trợ tử và chết êm dịu tự nguyện cũng đã được hợp pháp hóa tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg và là chủ đề của các sáng kiến lập pháp tại một số quốc gia châu Âu khác.


Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 12, phòng khám Dignitas tại Zurich của Thụy Sĩ – một cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm thuốc độc cho bệnh nhân – đã cáo buộc đức cha Huonder “loan truyền các điều ngược ngạo”, và nói nhiều bệnh nhân mắc những căn bệnh nan y sẽ có thể “chết sớm hơn nhiều” nếu họ biết phó thác số mạng của mình cho “sự toàn năng của Thiên Chúa”.


Công ty này nói thêm rằng Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đưa ra phán quyết vào năm 2011 rằng mỗi cá nhân đều có quyền, nếu “có khả năng tự do hình thành ý kiến cũng như hành động phù hợp” để quyết định “mình có thể chấm dứt sự sống của mình khi nào và theo cách nào”, công ty này cũng cho biết phòng khám Dignitas cho phép bệnh nhân thuộc mọi tín ngưỡng có thể “mời giáo sĩ để nâng đỡ họ trong lúc hấp hối”.


Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng có thể ngưng điều trị y tế một cách hợp pháp khi chúng trở nên “nặng nề, nguy hiểm, bất thường hoặc không cân xứng”.


Tuy nhiên, sách giáo lý lưu ý rằng việc an tử cố ý, “dù dưới bất kỳ hình thức hay động cơ nào, đều là giết người”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết