DUBLIN, Ireland – Cuộc bỏ phiếu sắp tới của Ireland về việc liệu có nên hợp pháp hoá phá thai là “một vấn đề sống còn đối với sự sống hay sự chết chóc” vốn đe dọa sẽ thay đổi đất nước mãi mãi, Đức Giám mục Fintan Monahan Địa phận Killaloe phát biểu với giáo phận của mình.
“Tôi, cùng với nhiều người khác nhận thấy điều này gần như vượt ra ngoài niềm tin và cảm thấy đáng buồn khi chúng ta đang được đề nghị xóa bỏ quyền cơ bản đối với sự sống của đứa trẻ chưa được sinh ra khỏi hiến pháp của chúng ta, một quyền cơ bản và nền tảng nhất”, Đức Cha Monahan nói.
“Thông điệp Kitô giáo là một trong những thông điệp về tình yêu và sự chăm sóc đối với cả người mẹ lẫn đứa con”, Đức Cha Monahan cho biết thêm. “Tạ ơn Chúa vì y học hiện đại cho phép chúng ta yêu thương, trân trọng và chăm sóc cho cả người mẹ lẫn đứa con”.
Lá thư mục vụ “Lời mời gọi lựa chọn sự sống!” được phát hành vào ngày 4 tháng Năm và đã được phân phát trong tất cả các Thánh lễ Chúa Nhật sau đó. Giáo phận Killaloe bao gồm 58 giáo xứ ở miền trung Tây Ireland.
Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5 sẽ tìm kiếm việc sửa đổi hiến pháp của Cộng hòa Ireland, vốn hiện đang công nhận quyền bình đẳng đối với sự sống của một người mẹ và đứa con chưa được sinh ra của mình. Phần sửa đổi đó, được gọi là Tu chính án thứ tám, vốn đã được các cử tri Ireland chấp thuận vào năm 1983.
Một cuộc khảo sát của Millward Brown được công bố vào ngày 6 tháng 5 đã báo cáo rằng 45% số người được hỏi ủng hộ việc bãi bỏ trong khi 34% phản đối việc này. Dữ liệu này cho thấy một khoảng cách thu hẹp từ các cuộc thăm dò trước đó, và nhiều cử tri cho biết họ vẫn không chắc chắn họ sẽ bỏ phiếu như thế nào.
Đức Cha Monahan cho biết cuộc bỏ phiếu có “những ý nghĩa về luân lý và tôn giáo sâu sắc đối với tất cả chúng ta và đặc biệt đối với quyền sống của đứa trẻ chưa được sinh ra”.
“Sự lựa chọn chúng ta đưa ra sẽ định hình xã hội của chúng ta cho các thế hệ mai sau”, Đức Cha Monahan nói.
“Các Kitô hữu tin rằng tất cả mọi sự sống con người đều thiêng liêng và đồng thời là một món quà từ Thiên Chúa”, vị giám chức nhấn mạnh.
“Việc hủy hoại thân xác chính là từ chối quyền được phát triển đầy đủ của nó”. Khoa học và y học hiện đại đã giúp nhân loại đánh giá cao “sự vĩ đại của sự sống con người từ thời điểm thụ thai”.
Những tiến bộ này đã ảnh hưởng đến đời sống gia đình đối với các cặp vợ chồng trông mong, Đức Cha Monahan cho biết thêm.
“Những khoảnh khắc vốn mãi mãi được in sâu nơi tâm hồn của cha mẹ đó là khi họ lần đầu tiên nhìn thấy đứa con chưa sinh của họ và ngạc nhiên trước sự vĩ đại của một sự sống mới hoặc khi những ngón tay bé xíu của những đứa trẻ sơ sinh đầu tiên bám lấy những ngón tay của mình”, Đức Cha Monahan nói.
“Hiến pháp Ireland cung cấp sự bảo vệ và chăm sóc với biện pháp bình đẳng cho cả phụ nữ và các thai nhi. Vậy tại sao chúng ta lại muốn thay đổi sự cân bằng đã được hoạt động một cách chu đáo này để gây tổn hại cho cả người mẹ lẫn thai nhi?”.
Đức Cha Monahan cho biết Tu chính án thứ tám đã cứu hàng ngàn mạng sống, đam lại thời gian để “suy nghĩ, lập kế hoạch, nhận được những lời khuyên hữu ích và tìm kiếm các lựa chọn khác khi việc mang thai ngoài ý muốn phát sinh” và đồng thời nuôi dưỡng một nền văn hóa ủng hộ việc bảo vệ sự sống.
Nhưng việc tiếp cận với việc phá thai không hạn chế “sẽ khiến cho chế độ ở Ireland trở thành một trong những nước tự do nhất trên thế giới”, Đức Cha Monahan nói. “Nhiều người không khỏi kinh ngạc và cảm thấy bị xúc phạm bởi đề nghị này”.
“Những gì đang được đề xuất sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng gây sốc và trắng trợn. Chúng ta sẽ có một hệ thống giá trị hai tầng, nơi mà chúng ta sẽ coi sự sống của một số người là có giá trị và được hoan nghênh nhưng người khác thì lại không được phép thậm chí ngay cả khi được sinh ra”, Đức Cha Monahan nói.
“Chúng ta cần phải nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng việc phá thai có nghĩa là gì – đó chính là hành động giết hại trực tiếp đối với mạng sống của một con người vô tội. Điều này đơn giản chỉ là không chính xác”, vị giám chức nói. “Trẻ em bị khuyết tật hoặc mắc các chứng rối loạn di truyền bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. Ở Anh, 9 trong số 10 trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc Hội chứng Down ngay trong tử cung của người mẹ đã bị phá bỏ”.
“Thước đo của một xã hội văn minh thực sự đó chính là việc những người dễ bị tổn thương và những người không có khả năng tự vệ được đối xử thế nào. Những đứa trẻ chưa được sinh ra trong bụng mẹ là một trong những người dễ bị tổn thương và không không có khả năng tự vệ nhất”, Đức Cha Monahan nói. Việc thông qua cuộc trưng cầu dân ý sẽ có “những ảnh hưởng đáng báo động và sâu rộng” đối với những người dễ bị tổn thương khác.
Đức Cha Monahan đã ca ngợi việc chăm sóc y tế của Ireland cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh như là “trong số những nghành y tế tốt nhất trên thế giới”. Phụ nữ trong những hoàn cảnh khó khăn “cần thiết và xứng đáng được hưởng sự chăm sóc, hỗ trợ và yêu thương tốt nhất”.
“Việc trân trọng sự sống con người liên quan đến tất cả chúng ta”, Đức Cha Monahan nói. “Tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con trong bụng hoặc việc ôm lấy đứa trẻ trong vòng tay của mình, chính là biểu hiện mạnh mẽ nhất của tình yêu thương trong thế giới của chúng ta. Khi Kinh Thánh tìm cách truyền tải việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta, dân riêng của Ngài, đến mức nào, Kinh Thánh đã sử dụng hình ảnh tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con của mình”.
Một người mẹ, một người cha, một gia đình rộng lớn hơn, và cộng đồng rộng lớn hơn “đóng vai trò của họ trong việc hình thành một vòng tròn yêu thương và chăm sóc để ôm lấy người mẹ và đứa con chưa được sinh ra của mình”, vị giám chức nói.
Những nỗ lực nhằm bãi bỏ Tu chính án thứ tám đã thu hút sự chú ý của quốc tế, bao gồm cả các khoản quyên góp từ ‘George Soros’ Open Society Foundations’ của George Soros, vốn điều hành các quy tắc tài chính chính trị của Ireland.
Gần đây, Facebook tuyên bố sẽ cấm tài trợ nước ngoài đối với các quảng cáo liên quan đến cuộc trưng cầu đối với việc phá thai. Công cụ tìm kiếm khổng lồ Google đã tiến thêm một bước nữa khi cho biết rằng họ sẽ không vận hành bất kỳ quảng cáo nào được nước ngoài hoặc trong nước hậu thuẫn trong cuộc trưng cầu dân ý này.
John McGuirk, phát ngôn viên của chiến dịch ‘Save the 8th Amendment’ (Cứu lấy Tu chính án thứ tám), đã hoan nghênh quyết định của Facebook nhưng ông cho rằng động thái của Google đối với những quảng cáo trong nước là do những lo ngại đối với các nhóm về quyền ủng hộ việc phá thai mà họ sẽ mất và do đó muốn giới hạn thông tin cử tri.
Những người ủng hộ Tu chính án thứ tám cho biết các phương tiện truyền thông chủ đạo bị chi phối bởi những tiếng nói ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án này và phương tiện truyền thông trực tuyến là nền tảng duy nhất của họ để nói chuyện trực tiếp với cử tri.
Chiến dịch ‘Pro Life’, ‘Save the 8th Amendment’ và Viện Iona cho biết trong một tuyên bố chung hôm 9 tháng Năm như sau: “Rõ rằng rằng chính phủ, phần lớn các phương tiện truyền thông đại chúng, đã xác định rằng mọi thứ cần phải được thực hiện để bảo đảm việc bỏ phiếu ‘đồng thuận’ phải được thực hiện”.
Minh Tuệ chuyển ngữ