Chuyến viếng thăm Nhật Bản sẽ mang đến cho ĐTC Phanxicô cơ hội khuyến khích cộng đồng Công giáo nhỏ bé trong nước: Thống kê chưa đến nửa triệu người, Công giáo chiếm chưa đến một phần trăm dân số Nhật Bản. Nhưng ĐTC Phanxicô cũng sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi lệnh cấm vũ khí hạt nhân tại hai thành phố duy nhất trên thế giới nơi mà chúng được sử dụng trong chiến tranh: Hiroshima và Nagasaki, bị Mỹ ném bom vào năm 1945.

Trong bức hình hôm 16 tháng 11 năm 2019 này, một người đàn ông đi ngang qua một tấm áp phích về chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô tại Nhà thờ Chính Tòa Urakami ở Nagasaki, miền nam Nhật Bản. ĐTC Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản, nơi mà nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo từng mơ ước được sống với tư cách là một nhà truyền giáo (Ảnh: Eugene Hoshiko / AP)
BANGKOK – Tokyo, Hiroshima và Nagasaki. Ba thành phố nằm trong lịch trình chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô kéo dài ba ngày từ ngày 23-26 tháng 11 tới Nhật Bản, một vùng đất mà Ngài từng mơ ước trở thành một nhà truyền giáo khi còn là một chủng sinh trẻ đang học để trở thành một linh mục Dòng Tên ở Buenos Aires, Argentina.
Chuyến viếng thăm sẽ mang đến cho ĐTC Phanxicô cơ hội khuyến khích cộng đồng Công giáo nhỏ bé trong nước: Thống kê chưa đến nửa triệu người, Công giáo chiếm chưa đến một phần trăm dân số Nhật Bản.
Nhưng ĐTC Phanxicô cũng sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi lệnh cấm vũ khí hạt nhân tại hai thành phố duy nhất trên thế giới nơi mà chúng được sử dụng trong chiến tranh: Hiroshima và Nagasaki, bị Mỹ ném bom vào năm 1945. Sáu ngày sau quả bom thứ hai, “Fat Man”, được kích nổ ở Nagasaki, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, Thế chiến II kết thúc.
Ít nhất một trăm ngàn dân thường và quân nhân Nhật Bản đã chết do ảnh hưởng của sức nóng, bức xạ và luồng hơi thổi ra của hai quả bom. Hàng chục ngàn người chết vì bệnh phóng xạ hoặc các bệnh liên quan, khiến cho số người chết ước tính lên tới 400.000 người.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài mong muốn một lệnh cấm hoàn toàn đối với các loại vũ khí hạt nhân. Quay trở lại năm 2017, ĐTC Phanxicô nhấn nhấn mạnh rằng các quốc gia không nên dự trữ vũ khí hạt nhân, thậm chí ngay cả khi chỉ nhằm mục đích răn đe. Nhật Bản có một vị thế độc đáo, là quốc gia duy nhất phải chịu tác động của vũ khí hạt nhân. Nó ủng hộ việc giải trừ vũ khí, đồng thời dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Hoa Kỳ như là một loại vũ khí để ngăn chặn.
Vũ khí hạt nhân phản ánh một “tâm lý sợ hãi”, ĐTC Phanxicô cho biết vào năm 2014, một nỗ lực hiệu quả và toàn diện có thể dẫn đến việc tháo dỡ các kho vũ khí.
Thế giới không thể làm gì ngoài việc “thực sự bận tâm” bởi “những tác động môi trường và nhân đạo thảm khốc” của việc triển khai các thiết bị hạt nhân, có tính đến khả năng của các vụ nổ bất ngờ. Mối đe dọa của việc sử dụng các loại vũ khí này, cũng như sự tồn tại của chúng, “cần phải bị lên án một cách mạnh mẽ”, ĐTC Phanxicô nói.
Hôm thứ Hai, khi ĐTC Phanxicô chuẩn bị mọi thứ cho chuyến Tông du của mình từ ngày 20-26 tháng 11 tới Thái Lan và Nhật Bản, Vatican đã phát hành một đoạn video gửi tới người dân Nhật Bản, trong đó ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “việc sử dụng vũ khí hạt nhân là vô đạo đức”.
Trong đoạn video, ĐTC Phanxicô cho biết rằng “bản năng mạnh mẽ, vốn vang vọng trong trái tim mỗi người chúng ta, để bảo vệ giá trị và phẩm giá của mỗi con người có được tầm quan trọng đặc biệt khi đứng trước các mối đe dọa đối với việc cùng nhau chung sống hòa bình mà thế giới ngày nay hiện đang phải đối mặt, đặc biệt là trong các cuộc xung đột vũ trang”.
Đức Giám mục Paul Toshihiro Sakai, Phụ tá Địa phận Osaka và giám đốc truyền thông cho chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô đã phát biểu với Crux rằng mặc dù Nhật Bản ngày nay không có chiến tranh, thế nhưng “như ĐTC Phanxicô vẫn luôn nói, vẫn còn những người lớn tuổi là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử đã bị thả xuống Hiroshima và Nagasaki”.
Cả hai thành phố đều có những bệnh viện được thiết lập đặc biệt để chăm sóc những người sống sót, Đức Cha Toshihiro nói, và “đó chính là một sự đau khổ vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay”.
“Đó chính là lý do tại sao ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình cho toàn thế giới, cũng như đồng hành với sự đau khổ của nhiều người”, Đức Cha Toshihiro nói. “ĐTC Phanxicô đồng hành với những người đau khổ và tạo cho chúng ta lòng can đảm hướng nhìn về tương lai, mà trong trường hợp của chúng ta, là một lời kêu gọi để tiếp tục trở thành một đất nước hòa bình”.
ĐTC Phanxicô sẽ đến thăm Hiroshima và Nagasaki vào Chúa nhật 24/11. Ngài sẽ gửi đi “Thông điệp về các loại Vũ khí hạt nhân” của mình, như Vatican đang kêu gọi, từ Công viên Hòa bình ‘Atomic Bomb Hypocenter’ ở Nagasaki.
Phát biểu với tư cách là “một tín hữu chân thành đơn sơ”, Đức Cha Toshihiro chia sẻ rằng ngài rất mong chờ đến chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô, đặc biệt khi nhận thấy đó là “một vùng đất xa xôi, cách xa Rome”, nhưng ngài biết rằng Nhật Bản từ lâu đã trở thành một vùng đất truyền giáo mà ĐTC Phanxicô rất ngưỡng mộ: “Quả là một niềm vui cho chúng ta khi ĐTC Phanxicô có thể thực hiện ước mơ của mình để trở thành một nhà truyền giáo nơi đây”.
Cũng tại Nagasaki, Đức Thánh Cha sẽ tôn vinh các vị Anh hùng tử đạo Nhật Bản, gặp gỡ con cháu của những người đã kiên trì giữ vững đức tin của họ trong nhiều thế kỷ bách hại đức tin Công giáo. Các Tu sĩ Dòng Tên đã đưa Kitô giáo đến Nhật Bản vào năm 1549, nhưng nó đã bị cấm vào năm 1614. Các nhà truyền giáo đã bị trục xuất và các tín hữu buộc phải lựa chọn giữa việc tử đạo hoặc lén lút sống đức tin của họ. Những người sống sót được biết đến như là “những Kitô hầm trú” của Nhật Bản.
Thánh Gioan Phaolô II, người đầu tiên và cho đến bây giờ là vị Giáo hoàng duy nhất đến thăm Nhật Bản, cũng đã viếng thăm tượng đài này dâng kính các vị tử đạo Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1962 để tôn vinh Thánh Phaolô Miki và 25 bạn tử đạo. Được tạc từ đá và đồng đỏ, tượng đài bao gồm các bức điêu khắc với kích thước thật của 26 vị tử đạo vì bị thù ghét vì đức tin [odium fidei], đánh dấu sự khởi đầu của hai thế kỷ đàn áp Kitô giáo.
Nagasaki, một thành phố cảng, là cửa ngõ đối với các nhà truyền giáo, theo Đức Cha Toshihiro, trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê, “người đồng sáng lập” Dòng Tên.
“Cuộc bách hại có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào”, Đức Cha Toshihiro phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày 18 tháng 11. “Như lời ĐTC Phanxicô đã nói, ngày nay có nhiều cuộc bách hại chống lại Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác”.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Nhật Bản, “có một điều đặc biệt” là sau 250 năm bị đàn áp và bí mật, Giáo hội Công giáo đã “hồi sinh”. Hầu hết những người ngày nay trở thành người Công giáo ở xứ sở hoa anh đào đều là “hậu duệ hoặc đã bị ảnh hưởng bởi những vị tử đạo đó”.
“Cuộc bách hại”, theo Đức Cha Toshihiro, “không phải là một điều hay ho”, nhưng có một ý nghĩa tích cực: “Các vị tử đạo không chọn cái chết, nhưng lựa chọn Chúa Kitô, vốn chính là sự sống”.
Do lịch sử của đất nước, Đức Cha Toshihiro cho biết, hầu hết người Công giáo ở Nhật Bản đều xem Nagasaki như là “ngôi nhà của chúng tôi”.
Cũng trong chương trình nghị sự trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào ngày 23-26 tháng 11 tới Nhật Bản là cuộc gặp gỡ với những người sống sót sau “thảm họa bộ ba”, nghĩa là động đất, sóng thần và hiện tượng lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy sau đó tại nhà máy hạt nhân Fukushima vào tháng 3 năm 2011. Cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai 25/11, trước khi ĐTC Phanxicô gặp Thiên hoàng Naruhito của Nhật Bản.
Cùng ngày hôm đó, ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ giới trẻ Nhật Bản tại Nhà thờ Chánh Tòa Tokyo, nơi mà Đức Cha Toshihiro hy vọng Đức Thánh Cha sẽ đưa ra những lời khích lệ cho các bạn trẻ.
“Giới trẻ Nhật Bản, vì đây là một quốc gia rất ‘tiên tiến’, không có nhiều ‘tình cảnh khốn khổ’, như trường hợp ở một số nước đang phát triển”, Đức Cha Toshihiro nói. “Ở Nhật Bản, chúng tôi có tỷ lệ tự tử cao, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, do đây là một xã hội cạnh tranh như vậy, thậm chí ngay cả đối với trẻ em. Giới trẻ không có gì chắc chắn về tương lai và hy vọng”.
Đức Cha Toshihiro cho biết Ngài cũng hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ đề cập đến “tính quốc tế và bản chất Công giáo của Giáo hội”, đồng thời mời gọi tất cả mọi người chào đón “những người nước ngoài”, mà ở Nhật Bản là những công nhân lao động. Trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, ĐTC Phanxicô sẽ lắng nghe lời chứng của ba bạn trẻ: Một người Công giáo, một Phật tử và một người di cư.
ĐTC Phanxicô sẽ quay trở lại Rome vào thứ Ba 26/11, sau khi đến thăm Đại học Dòng Tên Sophia. ĐTC Phanxicô dự kiến cũng sẽ lắng nghe một số câu hỏi từ các nhà báo cùng đồng hành với Ngài.
Minh Tuệ (theo Crux)