Gia đình trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội

Trước Vatican II

Đối với Giáo Hội Công Giáo, gia đình chính là nền móng của xã hội. Vết nứt ở móng đó sau cùng sẽ làm nảy sinh các trận động đất trong xã hội. Trong thực tế, không thể có một xã hội lành mạnh mà không có các gia đình lành mạnh. Tuy nhiên, để các gia đình được lành mạnh, các thành viên gia đình phải hiểu – và sống – chính ý nghĩa những gì là gia đình.

Chắc chắn, ngày nay  khó mà có một tín hữu Công giáo chẳng biết rằng gia đình là một đề tài suy tư thường xuyên của Đức Thánh cha. Chúng ta sẽ xem xét giáo huấn của Đức Thánh cha dưới đây, nhưng giáo huấn và suy tư về gia đình, không có gì ngạc nhiên, đã có   trước triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Thật vậy, trong khi Công đồng Chung Vatican II cung cấp giáo huấn trung tâm về gia đình, thì trong giai đoạn tiền Công đồng hầu hết các nguyên tắc hướng dẫn đã được đề ra.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Giáo huấn Xã hội Công giáo hiện đại được khai sinh năm 1891 trong Thông điệp Rerum Novarum (Về Hoàn cảnh của Giới Công nhân). Trong khi vai trò của Giáo hội là thày dạy về “các vấn đề xã hội” không mới (Giáo Hội luôn luôn và ở khắp nơi, qua ủy thác của Thiên Chúa, là thày dạy đức tin và luân lý), chính trong Rerum Novarum mà đầu tiên Giáo hội đáp trả một cách hệ thống các vấn đề của thời hiện đại. Thật vậy, một vị giáo hoàng tiếp theo, Đức Piô XI trong Quadregessimo Anno, gọi đó là “hiến chương mà tất cả các hoạt động của Kitô hữu trong các vấn đề xã hội dựa vào”.

Trong Rerum Novarum, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trình bày điều được nhìn nhận là “học thuyết xã hội của Giáo Hội”. Nhiều nguyên tắc đề ra, như chúng ta sẽ thấy, sau đó sẽ  được triển khai qua huấn quyền giảng dạy của Giáo hội. Ví dụ, thông điệp khẳng định quyền kết hôn, gia đình có trước xã hội, Nhà nước có nghĩa vụ hỗ trợ gia đình, sự can thiệp đó của Nhà nước phải được hạn chế, tầm quan trọng của thẩm quyền của cha mẹ, quyền tư hữu gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ của cha mẹ, và phẩm giá của công việc. Đối với Đức Lêô, gia đình là “xã hội hộ gia đình”. Trong lời của chính Đức Lêô –

“Các quyền thuộc loại này (nghĩa là, các quyền tư hữu) vốn có nơi các cá nhân được xem có giá trị lớn hơn nhiều khi được xem lắp vào và kết nối với các nghĩa vụ của con người trong cuộc sống gia đình… Không pháp luật nào của con người có thể bãi bỏ được quyền tự nhiên và nguyên thủy của hôn nhân… Do đó, xem kìa, gia đình, hoặc đúng hơn, xã hội hộ gia đình, một xã hội rất nhỏ, nhưng là một xã hội thực sự, và có trước bất kỳ chính thể nào! Vì lý do đó, gia đình phải có các quyền và các bổn phận nhất định của mình hoàn toàn độc lập với Nhà nước…. Do đó, giả định, tất nhiên, rằng những giới hạn được thiết lập cho mục đích trước mắt được tuân thủ, gia đình chắc chắn có các quyền, ít ra là bằng với các quyền của xã hội, đối với việc chọn lựa và sử dụng những gì cần thiết để bảo vệ chính mình và quyền tự do chính đáng của mình… Nhưng nếu các công dân, nếu các gia đình, sau khi trở thành những người tham gia vào đời sống chung và xã hội, cảm thấy bị chấn thương trong một khối thịnh vượng chung thay vì được giúp đỡ, bị suy giảm các quyền lợi thay vì được bảo vệ, thì xã hội sẽ là một cái gì đó cần bác bỏ hơn là cần tìm kiếm…. Do đó, mong muốn rằng chính quyền dân sự tùy tiện bước vào trong sự riêng tư của căn nhà, là một lỗi lớn và nguy hiểm. Nếu một gia đình lâm cảnh cực kỳ khó khăn và vì vậy hoàn toàn không thể tự xoay sở, thì việc nhận sự hỗ trợ của chính quyền để được giảm bớt sự khó khăn là chính đáng, vì mỗi gia đình là một phần của cộng đồng. Tương tự như vậy, nếu bất cứ nơi nào có sự vi phạm nghiêm trọng các quyền đối với nhau trong bức tường gia đình, cơ quan công quyền có trách nhiệm khôi phục quyền của mỗi người vì điều này không chiếm đoạt các quyền của công dân, nhưng bảo vệ và xác nhận những quyền đó với sự quan tâm đúng đắn và chính đáng. Những người phụ trách việc công, tuy nhiên, phải dừng lại ở đây: lẽ tự nhiên không cho phép họ vượt quá giới hạn này. Gia quyền không thể được bãi bỏ cũng không thể bị Nhà nước nuốt chửng, vì nó có cùng nguồn gốc chung với nguồn gốc cuộc sống riêng của con người” [18-21].

Công Đồng Chung Vatican II (1963-1965)

Vatican II đề cập đến gia đình trong bốn văn kiện quan trọng – Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, và Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay.

Trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis, 28 tháng 10 năm 1965), các Giáo phụ nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng.… Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được”.

Vai trò của cha mẹ là dạy con cái “hiểu biết và thờ phượng Chúa và yêu người thân cận”. Việc giáo dục đó chuẩn bị các em cho đời sống trong xã hội. Thật vậy, “gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể”.

Mặc dù “Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội”. Các quyền bính dân sự và chính trị “đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo nguyên tắc bổ trợ, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến, xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện vọng của cha mẹ” (3).

Do đó, trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Giáo hội khẳng định rằng (a) cha mẹ là các nhà giáo dục đầu tiên của trẻ em, (b) nền giáo dục đó chuẩn bị con cái của họ đảm nhận vị trí trong xã hội và Giáo hội, và (c) vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cha mẹ trong nhiệm vụ này.

Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo (Dignitatis Humanae, 7 tháng 12 năm 1965) nhắc lại một chủ đề từ Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo. Cha mẹ “có quyền tự do tổ chức đời sống tôn giáo trong gia đình mình, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ cũng có quyền ấn định việc giáo dục cho con cái theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải chấp nhận quyền tự do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo dục khác…. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái họ bị cưỡng bách theo học những môn học không đáp ứng với niềm xác tín về tôn giáo của họ, hay bắt phải theo một lề lối giáo dục duy nhất hoàn toàn loại bỏ việc giáo dục tôn giáo” (DH 5).

Khi ta đọc Dignitatis Humanae cùng với Gravissimum Educationis, rõ ràng là Giáo hội Công giáo dạy rằng trong khi vai trò chính của cha mẹ là thày dạy con cái có thể được  – và đôi khi phải được – tăng cường bởi Nhà nước, thì Nhà nước không được làm như vậy xâm  phạm đến niềm tin tôn giáo căn bản của các cha mẹ. Giáo dục, vậy thì, không phải là một chức năng của Nhà nước; đúng hơn, đó là chức năng của cha mẹ, chức năng này có thể đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ. Dù hỗ trợ dưới hình thức nào, thì Nhà nước cũng phải tôn trọng và tạo thuận tiện cho nền giáo dục tôn giáo chấp nhận được bởi cha mẹ. Nếu như vậy, các trẻ em sẽ được chuẩn bị đúng đắn cho xã hội, và xã hội, có thể nói, sẽ gặt hái các lợi ích. Gia đình, như Công đồng mệnh danh, là “trường dạy các đức tính xã hội”.

Sắc lệnh về Tông ðồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem, 18 tháng 11 năm 1965) thảo luận việc tông đồ của những người đã kết hôn và của gia đình. Tất nhiên, về bản chất, đó chỉ là một việc tông đồ. Không có sự phân biệt giữa “người kết hôn” và “gia đình”. Đúng hơn, gia đình (có hoặc không có con) là hoa trái của hôn nhân. Tuy nhiên, vì không có gia đình nào mà không có sự kết hôn, “cộng đoàn hôn nhân làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người” (11). Gia đình, “cùng với tất cả các tín hữu”, cần hợp tác với “các người  thiện chí” để bảo đảm pháp luật dân sự tôn trọng hôn nhân và gia đình, và để bảo đảm nhu cầu cụ thể của gia đình được tôn trọng trong pháp luật của xã hội liên quan đến, ví dụ như, nhà ở, giáo dục, và an sinh xã hội.  Ngoài ra, chính gia đình, ngoài vai trò trong xã hội chính trị, còn đem lại “sự hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu”.

Bằng tất cả những phương cách này, gia đình đóng vai trò “tế bào sống còn của xã hội”. “Ðể dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này, các gia đình nên qui tụ thành những nhóm”.

Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay (Guadium et Spes, 7 tháng 12 năm 1965) đã dạy: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy ‘Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ’ (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình”. Trong phần nói về “Phẩm giá của Hôn nhân và Gia đình”, Giáo Hội mạnh mẽ tuyên bố rằng “Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (47). “Gia đình là nơi nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Lại phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái trong khung cảnh gia đình. Phải soạn thảo được những bộ luật biết tiên liệu và đề ra được nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ cả những người vì rủi ro mà không có gia đình” (52).

Do đó, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân và Gaudium et Spes nhấn mạnh tính thống nhất căn bản của hôn nhân và gia đình (dây liên kết ngày nay thường bị từ chối), cho thấy hôn nhân/gia đình là căn bản như thế nào đối với xã hội, và đặt ra trên tất cả người thiện chí nghĩa vụ bảo vệ và thăng tiến hôn nhân và gia đình.

Sau Vatican II

Tôi cho rằng “chìa khóa” để hiểu triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, nếu người ta có thể nói như thế, là hiểu rằng Đức Giáo hoàng là người con trung thành của Công đồng. Nói cách khác, Đức Gioan Phaolô II là – và mong muốn trên hết mọi sự là – người thực hiện trung thành và không mệt mỏi giáo huấn của Công đồng Vatican II. Ngài chắc chắn đã thực hiện điều này với giáo huấn của Công đồng về gia đình.

Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về gia đình chủ yếu ở trong ba văn kiện, Nhiệm vụ của Gia đình Kitô hữu trong Thế giới Ngày nay (Familiaris Consortio) (1981), Về Kỷ niệm một Trăm năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum (Centesimus Annus) (1991), và Tin mừng về Sự sống (Evangelium Vitae) (1995).

Trong Familiaris Consortio, ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng, Đức Thánh cha đề cập đến một vấn đề rất thân thương đối với ngài, gia đình. Vấn đề là khẩn cấp bởi vì “gia đình đang bị nhiều sức ép tìm cách huỷ diệt hay ít ra là muốn làm méo mó nó” và bởi vì “lợi ích của xã hội và lợi ích [của Giáo hội] đều được liên kết mật thiết với lợi ích của gia đình”.

Đức Thánh cha tuyên bố “Hôn nhân và gia đình được Thiên Chúa thiết định ngay từ lúc sáng thế” (3). Sở dĩ như thế bởi vì đó là “nơi” tình yêu biểu hiện, thể hiện, sống. “Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”. “Nơi duy nhất làm cho sự trao hiến ấy có thể thực hiện được với trọn cả sự thật của nó chính là hôn nhân… nhờ đó mà người nam và người nữ chấp nhận sống chung và chia sẻ tình yêu như chính Thiên Chúa đã muốn” (11). “Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống xã hội; như một cộng đồng yêu thương, gia đình nhận ra rằng tự hiến mình là qui luật hướng dẫn gia đình và làm cho gia đình tăng trưởng. Sự hiến mình đang làm cho tương quan giữa đôi bạn với nhau được sinh động chính là kiểu mẫu và nguyên tắc”… (37). “Chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình, và tạo nên phần thiết yếu và căn bản mà gia đình đóng góp được cho xã hội” (43).

“Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức can thiệp chính trị: chính các gia đình là người đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của Nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực. Về điểm này, gia đình cần có một ý thức càng lúc càng mạnh mẽ rằng, mình là những người đi đầu của điều mệnh danh là “chính sách gia đình”, và mình phải lãnh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội” (44).

“Các gia đình Kitô hữu cũng tích cực dấn thân ở mọi mức độ, vào những hiệp hội khác không thuộc Hội thánh. Một số trong các hiệp hội này nhằm bảo vệ, thông truyền và cứu vãn các giá trị luân lý, văn hoá đích thực của dân tộc mà họ là thành phần, nhằm phát triển ngôi vị con người, bảo vệ các bà mẹ và trẻ em về mặt y khoa, pháp luật và xã hội, thăng tiến chính đáng các phụ nữ, gia tăng tình liên đới tương trợ, hiểu biết những vấn đề gắn liền với việc điều hoà sinh sản có trách nhiệm theo những phương pháp tự nhiên phù hợp với phẩm giá con người và giáo lý của Hội thánh. Một số hiệp hội khác lại nhằm kiến tạo một thế giới công bình và nhân bản hơn, cổ võ những luật pháp công bình tạo thuận lợi cho một trật tự xã hội thích hợp có sự kính trọng trọn vẹn phẩm giá cũng như mọi quyền tự do chính đáng của cá nhân và của gia đình, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, hoặc nhằm cộng tác với học đường và các tổ chức bổ túc cho việc giáo dục trẻ em, và nhiều hiệp hội khác” (72).

“Việc tông đồ gia đình còn được triển nở dưới hình thức những công tác bác ái về tinh thần cũng như vật chất đối với các gia đình khác, cũng như đối với những người đau ốm, già cả, tàn tật, mồ côi, goá bụa, những người chồng, những người vợ bị bỏ rơi, những người mẹ độc thân và những người mẹ trong tình huống khó khăn, đang bị cám dỗ loại bỏ đứa con còn trong bào thai, v.v…” (71).

“Dân Thiên Chúa cũng phải can thiệp với các công quyền, để các quyền bính này chống lại những xu hướng đang làm phân hoá xã hội và gây thiệt hại cho phẩm giá, sự an ninh và tiện ích của nhiều công dân, cũng như để họ ra sức tránh cho quan niệm đại chúng khỏi đi tới chỗ coi rẻ tầm quan trọng của cơ chế hôn nhân và gia đình… Xã hội và các công quyền tạo được sự thuận lợi cho người ta sống đời hôn nhân một cách hợp pháp, như bằng cách can thiệp vào xã hội và chính trị nhằm bảo đảm tiền lương gia đình, nhằm áp dụng những phương sách để ai nấy có được nơi cư trú thích hợp với đời sống gia đình, nhằm tạo ra những cơ hội tương xứng để làm việc và sinh sống”(81).

“Theo nguyên tắc [bổ trợ] này, Nhà nước không được tước mất những trách nhiệm mà gia đình có thể tự mình chu toàn…. Quyền bính công cộng phải hết sức xả thân để cung ứng cho các gia đình mọi sự trợ giúp – về kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, văn hoá – mà họ cần có để hoàn thành các trách nhiệm của họ một cách thật sự nhân bản” (45).

Đức Thánh cha cũng đề cập đến các chủ đề khác mà chúng ta đã xác định – một nền thần học đích thực về lao động được phát triển để làm rõ các tương quan giữa lao động và gia đình (23); cần lưu ý rằng gia đình là “Giáo hội tại gia” và tương lai của việc loan báo Tin Mừng phụ thuộc vào Giáo hội (65); và nhấn mạnh tính ưu việt của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

Tóm lại, Familiaris Consortio dạy rằng gia đình là cốt lõi toàn xã hội vì gia đình dạy ta ý nghĩa của tình yêu, đó là sự tự hiến. Tình yêu đó sẽ tràn ra, trước tiên, đến các thành viên khác  trong gia đình của mình, rồi đến các gia đình khác, rồi đến toàn xã hội. Gia đình là cốt lõi sống còn của xã hội và là trường dạy luân lý xã hội. Các gia đình phải tham gia vào sinh hoạt chính trị của các đoàn thể của mình để bảo đảm thông qua các chính sách bảo vệ và thăng tiến gia đình. Gia đình phải tham gia vào các tổ chức hoạt động vì công ích, công lý, liên đới và bác ái, cũng như vì sự bảo vệ gia đình và hôn nhân.

Mười năm sau Familiaris Consortio, Đức Thánh cha trở về với đề tài gia đình trong ngữ cảnh ngài trình bày lại toàn bộ giáo huấn xã hội Công giáo nhân dịp kỷ niệm một trăm trăm ban hành Thông điệp Rerum Novarum. Trong Thông điệp Centesimus Annus, Đức Thánh cha ghi nhận vai trò quan trọng của gia đình trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và thăng tiến sự sống. Thông qua việc hiến thân trao tặng nhau trong gia đình, ta học biết “ý nghĩa đích thực của con người. Ở đây chúng tôi muốn nói đến gia đình được lập trên hôn nhân” (39). “Ðể vượt qua não trạng cá nhân chủ nghĩa đang lan tràn ngày nay, cần có sự dấn thân cụ thể trong tình liên đới và bác ái, khởi sự từ trong gia đình” (49).

Đức Thánh cha cũng suy tư về “nền văn hóa sự chết”, những suy tư mà ngài sẽ mở rộng và khai triển phong phú trong Thông điệp Evangelium Vitae, một vài năm sau đó. Ở đây, cũng đủ ghi nhận sự kiện cơ bản – “Ðứng trước cái được gọi là văn hóa sự chết, gia đình là trung tâm nền văn hóa sự sống” (39).

Trong chính Thông điệp Evangelium Vitae, Đức Thánh cha lưu ý rằng “Phải chiến đấu với những nguyên nhân tạo điều kiện cho những mưu toan làm hại sự sống, nhất là bảo đảm cho gia đình và tình mẫu tử sự nâng đỡ cần thiết: chính sách gia đình phải là nền móng và động cơ tất cả mọi chính sách xã hội. Bởi vậy, phải đưa ra những sáng kiến xã hội và lập pháp để có thể bảo đảm những điều kiện tự do chân thật trong việc chọn lựa liên hệ đến tình phụ tử và tình mẫu tử; hơn nữa, cần xét xem lại quan điểm về các loại chính sách lao động, đời sống đô thị, nhà cửa và các dịch vụ, để ta có thể hài hòa lịch làm việc với thời gian dành cho gia đình, để cho ta có thể thực sự chăm sóc con cái và những người lớn tuổi” (90).

 

Kết luận

Chúng ta đã xem xét vai trò của  gia đình trong tư tưởng xã hội Công giáo, trước Vatican II, tại Vatican II và sau đó. Chúng ta đã thấy rằng gia đình nằm tại chính tâm điểm của tư tưởng xã hội Công giáo. Ngay cả con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình bên trong các tương quan, và gia đình, được thiết định trên hôn nhân, là tương quan đầu tiên và hàng đầu trong tất cả các tương quan của con người.

Gia đình khai sinh ra xã hội qua việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em một ngày kia sẽ trở thành công dân. Gia đình là phần cốt lõi sống còn của xã hội, và xã hội sẽ tìm thấy hình ảnh của mình được phản ánh trong các loại hình gia đình làm thành xã hội.

Vì những lý do này và nhiều lý do khác, Nhà nước phải tôn trọng gia đình. Nhà nước không bao giờ được phép thay thế gia đình, nhưng phải hỗ trợ gia đình khi – và chỉ khi – cần có sự hỗ trợ đó.

Tự do tôn giáo, như Đức Gioan Phaolô II ghi nhận trong thông điệp Redemptor Missio, “là tiền đề và sự bảo đảm cho tất cả các quyền tự do khác bảo đảm công ích” (39) Đức tin qua cha mẹ đến với các con. Do đó, tự do đầu tiên trong tất cả các quyền tự do được bảo đảm bởi các chính sách ủng hộ gia đình.

Tương tự như vậy, “quyền căn bản và nguồn tất cả các quyền khác… là quyền sống” (Evangelium Vitae, 72). Một lần nữa, chính gia đình dạy và làm gương cho các giá trị bảo tồn sự sống. Như vậy, nếu chúng ta muốn xây dựng một nền văn hóa sự sống, thì chính sách gia đình phải là trọng tâm của tất cả chính sách xã hội.

“Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình” (FC 86). Giáo hội dạy rằng nhiệm vụ của các gia đình là tham gia cùng với những người thiện chí xây dựng một xã hội và Nhà nước tôn trọng, trân quý, thăng tiến và bảo vệ gia đình.

William L. Saunders, Jr.

Đinh Quang Bàn dịch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết