THÁNH ANPHONGSÔ
VỊ THÁNH CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG (IV)
SINH THÀNH VÀ DƯỠNG DỤC (1)
Vào những năm 1700, Napoli còn sợ sệt thu mình trong tường lũy kiên cố của nó, dưới bóng lâu đài Castellô San Elmô. Với 214.000 dân cư, Napoli sống nghẹt thở trong lũy thành như một bà mệnh phụ bó chặt thân mình trong chiếc yếm ngực cứng ngắc mà các cô làm đỏm vẫn sử dụng. Phải mãi đến khi người Áo tràn vào và dân cư kêu gào dữ dội vì họ đang sắp chết ngạt, người ta mới có thể đòi vị Phó vương, Bá tước Daun, năm 1717 cho phép xây nhà cất cửa ngoài thành. Còn thành lũy, người ta chỉ khởi công đập phá vào năm 1740.
May mắn thay, và bất chấp có lệnh của Triều đinh Madrid, Phó vương Pierre de Tolède, giữa thế kỷ 16, đã để mặc cho nhà cửa mọc phình ra phía ngoài thành. Cho nên, ở bên ngoài cửa San Gennaro, khu phố Dei Virgini đã nhờ đó được bành trướng ra dưới lòng các sườn đồi xanh thoai thoải leo lên tận đỉnh Capodimonte.
Chính trong cái khu phố còn khá mới ấy, lại thoáng khí, và thường được những trận mưa từ các sườn đồi tràn xuống lau chùi mà Giuseppe và Anne de Ligôri – mới cưới nhau được ít lâu – đã đến trú ngụ. Như thế, nàng Anna sẽ không phải ở cách xa bố lắm trong những ngày người chồng sĩ quan trẻ phải vắng nhà. Còn chàng, chỉ cần men theo đường Toledo là đã đến quân cảng nơi đậu chiến thuyền đô đốc Capitana. Vậy chính tại nơi đây, chứ không phải tại nơi chôn nhau cắt rốn ở Marianelle, mà Anphongsô sẽ lớn lên đến tuổi 11.
Họ có thuê một trong ba căn của lâu đài Scordovillo, góc đường Del Virgini và Supportico Lopez (bây giờ là số 38) không? Việc họ sẽ mua nó vào năm 1717 cho phép đặt câu hỏi ấy. Tuy nhiên, có lý hơn mà nói họ trú ngụ xa hơn chỗ đó vài trăm thước, nơi một người anh em họ xa còn trẻ, Đôminicô de Ligôri (1674-1752), căn nhà rộng rãi này còn thấy ở số 2 đường S.Maria Antesoecula. Điều ấy được truyền miệng trong dòng họ Ligôri di Presiccio cho đến ngày nay. Dầu sao đi nữa, kể từ cuộc kết duyên cầm sắt, đó sẽ là thập niên xuất hiện những chiếc nôi trẻ sơ sinh ra đời, đồng thời họ là giáo dân của Giáo xứ S.Maria dei Virgini. Chúng ta nắm được những bằng chứng không thể chối cãi: các sổ Rửa tội, tập XI và XII của Giáo xứ: Sau chứng thư Rửa tội cho Anphongsô Maria, ngày 29/9/1696, người ta đọc thấy liên tiếp chứng thư của 7 em trai em gái của ngài.
Quả thực, cặp vợ chồng Ligôri – Cavalieri đã sinh ra đời một hơi 8 đứa con trong vòng 10 năm: 4 trai, 4 gái. Chúng ta đã thấy đứa con đầu lòng. Anphongsô Maria sinh ra ở Marianella, vào rạng đông ngày 27/9/1696.
Cậu Antôniô ra đời để bầu bạn với anh, ngày 5/11/1698. Hai cậu sẽ lớn lên bên nhau. Ngày 21/3/1716, với tên Benedetto Maria, Antôniô sẽ tuyên khấn trọn đời trong dòng các cha Bênedictô trên núi Cassino trong ngôi tu viện cực kỳ sang trọng thuộc Napoli, ở S.Severino e Sessio. Làm Giáo tập lúc 33 tuổi, cha sẽ mất vào năm 40 tuổi, sau một cuộc đời tử đạo vì khổ hạnh và bỏ mình, như cha Tannoia quả quyết. Nhưng lịch sử lại nói rằng hồi đó nhà dòng này sống đắm mình trong buông lỏng và lười biếng.
Ngày 25/2/1700, cặp sinh đôi Barbara và Maddalena chào đời. Sổ Rửa tội ghi chú rằng Maddalena, sinh ra sau, vậy bà đã được thụ thai trước theo tin tưởng thời xưa, nên được chịu phép Rửa trước. Biết đâu, đây là dấu người ta sợ cô bé không sống được chăng? Thực tế là cô bé đã biến mất dạng ngay sau đó khỏi lịch sử gia đình Ligôri. Chỉ trừ tên cô bé được kết vào đầu tên của Anna Maria, bé gái đầu tiên ra đời sau Maddalena, năm 1702. Một thiên thần đã bay về trời chăng? Còn Barbara, cô bé sẽ được đưa vào sống nội trú, thời đó có nghĩa là vào tu dòng, lúc 9 tuổi, nơi các bà dòng Phanxica de San Girolamo (hoặc Geronimo). Cô sẽ mặc áo dòng năm lên 15 tuổi, với tên là Sơ Maria Luisa.
Gaetanô, sinh ngày 4/9/1701, sẽ lớn lên trong nhà cha mẹ như hai anh trước. Mấy cậu trai thật có phúc! Gaetanô sẽ làm linh mục triều do cha chọn lựa: lúc mới lên 14, Don Giuseppe sẽ xin ông bạn là Công tước Gravina-Orsini, cho cậu một huê bổng giáo sĩ mà ông ta giữ quyền bảo trợ. Mặc dầu cậu thiếu niên này chỉ tự ý chọn làm linh mục sau đó 12 năm, và sẽ được thụ phong năm 1730. Cho đến ngày qua đời, năm 1784, cha “sẽ sống một cuộc đời hầu như ẩn sĩ trong nhà cha mẹ” (Tannoia) với trách nhiệm mục vụ là chăm sóc nguyện đường kho báu San Gerinaro thuộc Thánh đường chính tòa. Nhưng bức tượng bán thân bằng bạc vẫn được đặt tại đó từ năm 1840, cùng với các thánh quan thầy khác của Napoli, lại chính là tượng bán thân của ông anh Anphongsô.
Ngày 28/11/1702, bé Anna Maria Maddalena, tục gọi là Annella sinh ra đời. Ngay trước cả cô chị Barbara, em bé được đưa vào dòng tại tu viện San Girolamo. Vì em chưa được 5 tuổi, một doãn sắc của Giáo hoàng Clêmentê XI, gửi cho Hồng Y Pignatelli sẽ ban phép chuẩn tuổi cho bé; vì thường, không được cho vào tu em nào chưa đủ tuổi khôn. Sau 6 năm nội trú, em sẽ được nhận khi lên 15 tuổi, vào nhà tập, và sẽ trở thành sơ Mariana, bên cạnh chị là sơ Maria Luisa. Cuộc sống của sơ sẽ chỉ là một cơn bệnh triền miên cả tinh thần lẫn thể xác. Bị bao bối rối dày vò, sơ chạy đến nhờ các cha giải tội Dòng Tên giúp đỡ cũng như nhờ chính anh mình, Anphongsô một hôm nói với em: “Cô sẽ chết vì điên”. Lời nói đã thành sự thật. Tội nghiệp! Luôn ngày đêm phải có người canh giữ.
Con cái cứ đều đặn sinh ra, song chẳng ai giống ai. Têrêxa Maria, sinh ngày 12/12/1704 sẽ lớn lên bên mẹ cho tới khi lấy chồng năm 1720, lúc 16 tuổi, là Công tước Đôminicô dei Balzo, Nam tước thành Presenzano. Có một con trai để nối dòng, lưu tên tuổi và giữ được gia sản, có con gái để gả cho một chàng rể quí tộc có quyền thừa kế: đó là gia đình thành công và thế thăng bằng xã hội ổn định của hàng quí tộc.
Việc sinh đứa con út, Ercole, ngày 30/11/1706, có lẽ gây lo âu cho cha mẹ cậu. Cậu sẽ sống bằng gì đây, sống nhờ chiến tranh, nhờ tranh tụng, nhờ thương mại, nhờ một giáo bổng hay nhờ bàn ăn chung của một nhà dòng? Sau này Anphongsô sẽ giải quyết vấn đề bằng cách nhường chỗ cho em.
(còn tiếp)
Théodule Rey-Mermet, C.Ss.R.