Gia đình mang nặng bốn gánh

Gia đình mang nặng BỐN GÁNH: truyền sinh, giáo dục, xã hội, chính trị.

***

Lời đầu tiên của người viết là “xin tha” những đứa con còn trẻ dại vì chúng đâu có lỗi lãnh đạm và thụ động với điều xấu. Chúng chỉ biết vui sống với bố mẹ ông bà anh chị em. Chúng ngây thơ đơn sơ như “bông huệ ngoài đồng”. Chúng thuộc lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chả cần buồn (“Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám!”) vì chuyện Biển Đông, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện tự thiêu, chuyện độc tài, chuyện tham nhũng, chuyện con cái hư thân mất nết… Xin cho các “bông huệ” này được miễn nhiễm với cái buồn vốn dành riêng cho lứa tuổi người lớn biết suy tư thao thức, đặc biệt là những cái xấu ngoài xã hội.

Nhận ra chuyện xấu của xã hội, rồi phải làm thế nào để chống lại cái xấu, đó là việc của bố của mẹ, của những anh chị lớn trong nhà.

Hai gánh nặng hay bốn gánh nặng của bậc làm cha mẹ?

Hai gánh truyền sinh và giáo dục thì đã nặng như núi đè oằn đôi vai bố mẹ! 

Gia đình theo GHXHCG

Có bà bầu đã chết vì sanh đẻ (vỡ thai ngoài tử cung, nhiễm độc thai nghén…).

Nhiều bà bầu bị mổ bụng để lấy em bé ra khi xương chậu của bà quá hẹp khiến thai nhi không thể lọt ra ngoài theo lối tự nhiên.

Sinh con ra, bố mẹ lại phải lo nuôi con, giáo dục cho con biết ăn nói, học hành, biết cầu nguyện và tham gia việc cộng đồng. Rồi tới kỳ tiễn con đi học, đi thi, đi xa, đi lính, đi lập gia đình…

Nhiều bố mẹ Việt Nam nay đang khóc ròng vì con ăn chơi, con lãnh đạm thờ ơ với vận mệnh dân tộc, con hư, con vào tù, con làm gái đứng đường, con ma tuý, con HIV… Tìm ra nguyên nhân và hoá giải gốc gác của tội xã hội và tội cơ cấu phải là vai trò của cả bố mẹ, lẫn Giáo hội và Xã hội. Vậy gia đình phải gánh thêm trách nhiệm xã hội và chính trị, không thể thụ động để cho cái thòng lọng ác xấu lù lù tìm đến gia đình, không chấp nhận cho nó chễm chệ chế ngự gia đình. Các bố mẹ phải họp hành liên đới lại, phải chủ động tìm kiếm mọi biện pháp để bảo vệ gia đình.

Gia đình còn đảm nhiệm vai trò xã hội và chính trị (Tông Huấn Gia Đình FC, số 44)

Mừng thay, có Giáo hội luôn đồng hành với những bố mẹ nào “không thụ động và lãnh đạm đứng nhìn” sự ác, sự xấu đang tàn phá gia đình. Tông Huấn nhận định:

“Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức can thiệp chính trị (FC 44).

Đọc được ý tưởng mới lạ này, kính xin người lớn chúng ta phải minh định rằng chính các bậc vợ chồng và bố mẹ phải gánh thôi, gánh tới bốn gánh nặng, bốn thúng đầy: Truyền sinh, giáo dục, xã hội, chính trị.

Chúng ta phải sống như cô dâu Việt Nam lúc đã về nhà chồng:

“Lấy chồng thì phải theo chồng

Lấy chồng phải GÁNH GIANG SƠN nhà chồng” (Ca dao)

Tông Huấn số 44 đề nghị gia đình

“Phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình”. 

“Nâng đỡ và bảo vệ gia đình một cách tích cực”. 

“Đi đầu chính sách gia đình”

“Lãnh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội”.

Đừng để gia đình “là nạn nhân đầu tiên của những điều xấu vì đã thụ động và lãnh đạm đứng nhìn”. 

Nhưng xin bạn cho ý kiến: Có bao nhiêu vợ chồng, bố mẹ Việt Nam đã dám “Vượt lên trên thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa” (Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong Thế giới Hôm nay, số 40)?

Nên bi quan hay nên đổ lỗi cho xã hội đã xô đẩy một phần không nhỏ các bố mẹ Việt Nam chỉ gánh vác trách nhiệm truyền sinh và giáo dục, mà không dám hoặc không biết cách gánh vác vai trò xã hội và chính trị?

Phải chăng các bố mẹ Việt Nam đáng bị trách là “THỤ ĐỘNG và LÃNH ĐẠM ĐỨNG NHÌN” (FC 44) mặc cho “vận nước nổi trôi”, mặc kệ cho điều xấu, điều ác của xã hội đang tàn phá gia đình Việt Nam?

Tưởng tượng bộ mặt thiểu não mệt mỏi và xì-trét của các cặp vợ chồng và các bậc cha mẹ Việt Nam vào cái thời Biển Đông biển động này. Coi chừng họ sẽ lắc đầu nguây nguẩy khi nghe lời xin của Đức Thánh Giáo Hoàng rằng gia đình còn phải có vai trò xã hội và chính trị.

Chúng con chỉ xin gánh hai cái thúng thôi, thúng truyền sinh và thúng giáo dục.

Xin đùn đẩy việc gánh hai thúng xã hội và chính trị cho các đoàn thể khác?!!!

Nguyễn Khang

Nguồn: Tập san Giáo huấn Xã hội Công giáo số 14

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết