Trong những chọn lựa lớn nhỏ khác nhau, các gia đình có thể là những chứng tá quyết định. ĐHY Peter Turkson đã khẳng định điều này khi ngỏ lời với các gia đình trong Đại hội Các nhóm Đức Ba, được tổ chức tại Fatima từ ngày 16-21/07.
Gia đình là phần tử không thể thay thế trong việc thăng tiến bầu khí gia đình cũng như việc bảo vệ môi sinh. Những người điều hành gia đình hiểu rõ ý nghĩa của trách nhiệm bảo vệ thụ tạo, căn nhà chung của chúng ta. Trong diễn văn gửi đến các tham dự viên, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, đã nhấn mạnh rằng gia đình được mời gọi sống, sống trong một chiều kích luôn rộng lớn hơn, một chương trình của nhân phẩm và luân lý.
Các mối liên hệ
ĐHY Turkson nhắc rằng ai sống trong một gia đình thì biết tiếp thu tầm quan trọng của một sự hòa nhập đúng đắn giữa con người với nhau. ĐHY nói: “Con người là một phần của cộng đoàn, hiệp thông với người khác và sống trong các mối liên hệ. Khi biết tận dụng các cột trụ chính yếu là tình huynh đệ và sự hiệp thông, các gia đình có thể trở thành kiểu mẫu cho toàn thể gia đinh nhân loại.
Lương tâm và sinh thái học
Mối liên hệ kết nối phẩm giá con người với việc bảo vệ môi sinh và nối kết con người với toàn thể công trình sáng tạo được nối kết với “lương tâm sinh học.” ĐHY Turkson khẳng định: con người là một hữu thể tương quan, được tạo dựng để sống cùng trong mối quan hệ gia đình, trong một cộng đồng, một xã hội, với cùng phẩm giá và theo đuổi lợi ích chung.
Khó khăn và tổn thương
Theo ĐHY Turkson, các gia đình ngày nay phải đối diện với nhiều khó khăn. Họ bị đặt trước một sự dễ tổn thương kép. Trên hết, từ quan điểm kinh tế, các gia đình thường phải xoay xở với tiền lương không đủ, thất nghiệp, sự bất an, cho đến những tình trạng thảm kịch khẩn cấp trên toàn cầu như nạn buôn người và nô lệ. Rồi có những sự dễ tổn thương về môi sinh: bao nhiêu gia đình ngày nay vẫn phải sống thiếu nước, đói kém không đủ ăn, bấp bênh về nơi cư trú, sự suy thoái của môi trường khiến cho công việc trồng trọt và đánh bắt cá gặp nguy hiểm?
Các gia đinh là những ví dụ
Nhưng các khó khăn và sự dễ tổn thương không ngăn cản các gia đình có những cung cách và lối sống nhân đức. ĐHY Turkson nói rằng các gia đình, một đàng, có thể học không phung phí, đàng khác, có thể học cách chia sẻ với tinh thần biết ơn và quảng đại. Hơn nữa, tại gia đình, người ta học đối mặt với những thách thức cách trực tiếp, cùng với nhau, với sự can đảm và sáng tạo. Các gia đình tốt lành không để cho mình thành một nạn nhân giả tạo nhưng liên kết các món quà, các tài năng và tài nguyên và như thế họ đối mặt với tất cả những gì đe dọa nhân phẩm và sự phát triển của họ.
Hồng Thủy – Vatican