Gia đình đi làm chính trị

Gia đình Việt Nam đi làm chính trị ư? Không được đâu, bất khả. Vậy mà Đức Giáo hoàng đã khuyên như thế.

Ở nước khác, gia đình đã, đang và sẽ tham gia vào chính trị một cách chính danh.

Ở Việt Nam, nghe đến chính trị thì lắm người run bắn lên!

Vậy mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lại viết thế này trong Tông Huấn Gia đình 1981:

“Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức can thiệp chính trị” (Familiaris Consortio, số 44).

Vậy gia đình Công giáo Việt Nam có thể cần phải “bỏ sang một bên” nỗi hiểu lầm “xuyên thế kỷ” về chính trị theo nghĩa xấu xa.

Trong số 44 Tông Huấn Gia Đình (FC), Đức Thánh Giáo hoàng nói rõ thế nào là một gia đình làm chính trị cách chính danh:

1. “Làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận và bổn phận của gia đình”

Gia đình Việt Nam sẽ phải đối thoại với chính quyền khi luật lệ và cơ chế đụng chạm đến quyền lợi gia đình. Không biết gia đình chúng ta có thuộc làu làu các quyền của gia đình? Tìm các quyền ấy ở đâu vậy? Thưa cũng lại được Đức Giáo hoàng “mách bảo” ở Tông Huấn Gia Đình số 46 ( có tới 16 quyền của gia đình )

Gia đình Việt Nam cũng cần đọc thêm Tông Huấn Gia Đình để biết bổn phận của mình là thế nào. Xin tìm đọc suốt từ số 17 đến số 64.

2. Gia đình Việt Nam sẽ dựa vào Tông Huấn Gia Đình để đòi chính quyền Việt Nam phải “nâng đỡ và bảo vệ các gia đình một cách tích cực” (FC, số 44).

Chúng ta nên kinh sợ hay nên hy vọng một chính quyền Việt Nam có nhiều vị tích cực thương đến gia đình? Hơi bi quan phải không các bạn? Tìm đâu ra “người hiền tài”, người ‘tích cực” vào lúc này nhỉ?

3. Đức Giáo hoàng còn xin gia đình chúng ta phải làm một việc chính trị khó khăn nữa, đó là “biến đổi xã hội” (FC, số 44).

Lại càng bi quan khi sống ở nước Việt Nam lúc này? Sao mà đi biến với đi đổi nổi? Có “biến” đấy, nhưng sẽ bị biến khỏi nhà, vào một chỗ rất xa mái ấm gia đình. Có “đổi” đấy, nhưng là đổi sang sống ở một nơi khác nhà mình!!!

Cảm giác của nhiều bố mẹ Việt Nam có lẽ là thế này: Cố giữ sao cho gia đình mình tồn tại trước biết bao tang thương ngẫu lục, đang lục đục tìm đến dày xéo Việt Nam! Không nát là mừng lắm rồi, mong gì mà đi biến đổi!

Có lẽ Đức Giáo hoàng biết trước những lời oán thán nói trên, do đó ngài phải vẽ ra một viễn tượng không vui lắm, cho một xã hội có những gia đình quá bất lực trước những đòn tấn công gia đình:

Nếu không, chính gia đình sẽ là nạn nhân đầu tiên của những điều xấu vì đã thụ động đứng nhìn (FC, 44).

Chúng ta đã thụ động đứng nhìn quá lâu rồi? Nay chỉ cần ra ngõ Việt Nam, anh hùng đâu chả nom thấy mà có lẽ sẽ chỉ chứng kiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Vậy chúng ta có một Đức Thánh Giáo hoàng xông pha chính trị cách chính danh.

Nhưng mặc dù vậy, xin chúng ta “xắn tay áo” lên, đi vào xã hội, đi làm “biến đổi”, làm cho xã hội và gia đình Việt Nam được sớm hưởng những quyền của con người, quyền của gia đình.

Nguyễn Khang

Nguồn: Tập san GHXHCG

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết