Gennarô Maria Sarnelli Từ Bỏ Pháp Đình Theo Đuổi Ơn Gọi Linh Mục

Để được sống trong cô tịch và để được tách biệt khỏi những phiền nhiễu của thế gian, Gennarô Maria Sarnelli đã muốn lui vào Học viện của Hiệp Hội Thánh Gia ở Napoli, nơi người ta có thể sống bên những vị linh mục thánh thiện…

basarne_06

Công việc phục vụ tại bệnh viện “Những bệnh nhân vô phương chữa trị”, cùng với việc tham gia nhóm sinh hoạt của các linh mục trẻ do Anphongsô Ligôri sáng lập đã giúp Gennarô Maria Sarnelli ngày một nhận ra tiếng Thiên Chúa mời gọi từ bỏ thế gian và làm linh mục.

“Vào một ngày hoàn toàn bận rộn với việc phục vụ những người bệnh, rất đặc biệt, ngài thấy một luồng sáng lớn, chói lọi, chiếu vào tâm hồn ngài; ngài như nghe thấy từ trời một giọng nói rõ ràng và trong sáng mời gọi ngài từ bỏ nghề luật sư để vào thánh điện, bỏ những vụ kiện thuộc con người để đón lấy vụ kiện thuộc về Thiên Chúa, bỏ những lời lãi của thế gian để lấy phần thưởng từ trời cao”.

Chính vì thế vào tháng 10 năm 1728 Gennarô Maria Sarnelli chính thức từ bỏ nghề luật sư để bước theo tiếng Thiên Chúa gọi mời.

Chủng Sinh

Gennarô Maria Sarnelli không phải là người hay bối rối, ngài luôn hành động với một tinh thần độc lập, đảm nhận mọi trách vụ với lòng thanh thản, và ngài đã chọn Cha Francesco De Simone, Dòng Những Người Thợ Đạo Đức, mà ngài đã gặp tại “Hội Những Vị Tiến Sĩ Áo Dài” ở S. Nicola alla Carità làm linh hướng.

Sự tán thành của cha De Simone cũng đã tạo nên một bầu khí tuyệt vời trong gia đình, Don Angelo, cha của Gennarô Maria Sarnelli, không còn dám phản đối ơn gọi của con trai nữa và ông đã đích thân giới thiệu con trai mình cho Đức Hồng y Francesco Pagnatelli ở Napoli.

Đức Hồng y Pagnatelli chấp nhận và cử Gennarô Maria Sarnelli đến giáo xứ Sant’ Anna di Palazzo. Trong chứng thư lãnh sứ vụ cắt tóc do cha xứ Don Giuseppe Salerno soạn thảo ngày 11 tháng 1 năm 1730, người ta đọc thấy rằng: “Tôi ký tên, cha xứ S.Anna di Palazzo, chứng nhận và ngay cả thề rằng: người lãnh sứ vụ, Gennarô Maria Sarnelli, người Napoli, từ tháng 11 năm 1728 đến tháng 5 năm 1729, đã giúp làm sách giáo lý, đi thăm giáo xứ và dạy trẻ em ở nhà thờ, theo cách thức của thánh Bellarmin. Trong suốt tuần thánh, với lòng hết sức khiêm nhường, anh đã giúp cho các em chịu lễ mùa phục sinh. Tôi đã kiểm tra sổ điểm danh và tôi không tìm thấy dù chỉ một em vắng mặt”.

Sau đó Gennarô Maria Sarnelli được nhận vào Chủng viện địa phận trong chương trình đào tạo bốn năm thần học.

Tại Học Viện Những Người Trung Hoa

Ngày 4 tháng 7 năm 1729 “để được sống trong cô tịch và để được tách biệt khỏi những phiền nhiễu của thế gian, Gennarô Maria Sarnelli đã muốn lui vào Học viện của Hiệp Hội Thánh Gia ở Napoli, thường gọi là Học Viện của những người Trung Hoa. Nơi đây, người ta có thể sống bên những vị linh mục thánh thiện mà đời sống các ngài là gương mẫu cho mọi người dân thành phố”. Học viện Trung Hoa được thành lập do Don Matteo Ripa, một nhà truyền giáo từ Trung Hoa trở về cùng với bốn thanh niên Trung Hoa, đã cập bến tầu Napoli để xây dựng ở đây một chủng viện vào ngày 20 tháng 11 năm 1724. Năm năm sau khi các Cha Olvétain (Dòng Núi Ô-liu) nhượng lại Biệt thự Pirozzi giấc mơ của Don Matteo Ripa đã trở thành hiện thực vào ngày 14 tháng 4 năm 1729.

Don Matteo đã dành một phần của Biệt thự để đón tiếp những “sinh viên nội trú”: các vị linh mục và các chủng sinh đã tìm được nơi đây cái ăn chốn ở. Ông mong chờ hai điều lợi từ họ: trợ cấp cho chủng viện với khoản tiền sáu ducats mỗi tháng và khơi lên trong hàng giáo sĩ địa phương những ơn gọi truyền giáo nơi xa xôi.

Ngày 19 tháng 1 năm 1730, được sự động viên và khích lên của Don Matteo và gia đình Gennarô Maria Sarnelli gia nhập sinh viên nội trú và “sống tách biệt trong sự tự do thánh thiện”.

Sống Tách Biệt Trong Sự Tự Do Thánh Thiện

Thánh Anphongsô Ligôri nhận xét như sau: “Gennarô Maria Sarnelli không tập trung vào bất cứ điều gì ngoài kinh nguyện, học hành, dạy giáo lý trong các khu vực lân cận, đến bệnh viện nhiều lần mỗi tuần”.

Tám tháng sau, mối liên hệ giữa Don Matteo Ripa và Gennarô Maria Sarnelli đã bị đổ vỡ. Có lẽ, Don Matteo Ripa đã quá chú tâm vào sự nâng đỡ tiền bạc mà ông hy vọng nơi gia đình nam Gennarô Maria Sarnelli. Chắc chắn, ông đã mừng vì liên kết Gennarô Maria Sarnelli vào hội dòng mà ông đã cố công xây dựng – như một thành viên chính thức, để bảo đảm tương lai của học viện. Thực sự, việc giải quyết cho một người chủng sinh trẻ luôn  muốn “sống tách biệt trong sự tự do thánh thiện” không làm ông thích thú.

Thế nhưng, cốt lõi của sự đổ vỡ chính là sự tranh chấp thẩm quyền giữa quyền hành của vị sáng lập “Học viện Trung hoa” và sự “vâng lời thánh” đối với cha linh hướng. Khi Gennarô Maria Sarnelli nhận cha Domenico Manulio, một linh mục Dòng tên làm linh hướng thay thế vị linh hướng cũ là Cha Tommaso Falcoia được chỉ định làm giám mục Castellammare di Stabia thì không lâu sau đó đã có xung đột giữa Don Matteo Ripa và Gennarô Maria Sarnelli. Bởi sự đi lại của vị linh hướng đến từ bên ngoài học viện đã làm giảm nhiều hy vọng của Don Matteo Ripa trong việc thuyết phục Gennarô Maria Sarnelli nhập Hội Dòng của ông.

Ngày 8 tháng 4 năm 1730, Gennarô Maria Sarnelli đã trở về gia đình sau tám tháng gia nhập “Học Viện Trung Hoa”. Tuy nhiên ngài đã chọn một chương trình sống của đời ngài: “Sống tách biệt trong sự tự do thánh thiện”.

N.T.M

Biên soạn dựa trên tác phẩm

“Gennarô Maria Sarnelli- Tông đồ gái điếm thành Napoli”

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết