Gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang nói với bạn

Gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang nói với bạn

3 phương pháp để nghe tiếng Chúa

fullsizeoutput_4aa

Cuộc sống luôn chứa đầy câu hỏi: Làm thế nào để được hạnh phúc? Tại sao những điều xấu lại đến với người tốt? Mục đích sống của tôi là gì? Tại sao trên thế giới này lại có điều dữ? Giữa thế giới coi trọng giải đáp nhanh chóng, điều có thể gây ra bất ổn cho những câu hỏi phức tạp thì không thể giải quyết bằng những khẩu hiệu hay những câu trả lời đơn giản được.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói, chúng ta yêu thích những câu trả lời ngắn gọn bao nhiêu thì chúng ta lại chỉ có thể tìm thấy sự rõ ràng của cuộc sống bí ẩn này khi dành nhiều thời gian để đắm mình trong Lời Chúa. Trong bài viết này, chúng ta cùng xem: làm thế nào để tìm gặp Chúa Giêsu, tìm kiếm lời Ngài qua Kinh Thánh – nơi ghi chép lại những lời của Thiên Chúa. Chúng tôi muốn đưa ra ba gợi ý thực tế có thể giúp chúng ta nghe được tiếng Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài khi chúng ta suy ngẫm lời Ngài qua các bài thánh thư.

Đọc mỗi ngày!

“Ước gì mỗi một ngày sống của chúng ta được hun đúc bởi cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Kitô, Ngôi Lời làm người của Chúa Cha.” (Verbum Domini số124)

Bước đầu nghe có vẻ dễ dàng nhưng chúng ta thường hay bỏ qua đó chính là dành thời gian riêng và cố định để đọc Kinh Thánh mỗi ngày, ví dụ như một việc làm đầu tiên trong ngày sống. Hãy  để những câu chuyện trong Kinh Thánh trở nên gần gũi hơn, để chúng ta có thể biết Thiên Chúa đã thực sự hoạt động như thế nào trong thế kỷ trước. Nhận ra rằng Thiên Chúa đã kiên nhẫn như thế nào, đã nói về con đường của Ngài và chỉ ra những điều cần chuẩn bị cho đến ngày Chúa lại đến. Đừng ngại việc sử dụng các chú thích và bài nghiên cứu Kinh Thánh để giúp bạn biết được nguồn gốc, lịch sử và bối cảnh của Kinh Thánh. Từ đó bạn sẽ hiểu hơn khi kết nối tất cả lại.

Nhưng hãy chắc chắn rằng trong lúc bạn đọc và nghiên cứu, bạn cũng cầu nguyện và suy ngẫm. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô đã nhấn mạnh, chúng ta có thể tìm gặp và gắn bó mật thiết hơn với Chúa Giêsu trong lời của Ngài khi lời ấy được ngập tràn trong tâm hồn chúng ta.

Giống như bất kỳ một mối quan hệ nào, nó luôn cần thời gian. Hãy nghĩ về một mối quan hệ mật thiết nào đó mà bạn có. Liệu mỗi người có dành thời gian cho nhau để hiểu nhau hơn không? Có trở nên gắn bó hơn khi cùng nhau chia sẻ những lúc vui buồn trong cuộc sống? Hay bền vững để yêu thương nhau qua cái cách mà các bạn chia sẻ cho nhau về niềm hy vọng và nỗi sợ, ước mơ và sự thất vọng.

Không có gì thay thế được thời gian. Các mối quan hệ cần thời gian. Một cuộc trò chuyện hay một tình yêu đều cần thời gian. Vậy nên chúng ta cần phải đọc Kinh Thánh mỗi ngày để chúng ta có thể hiểu về Chúa. Ngài nghĩ gì về mọi việc? Ngài phản ứng lại các khó khăn hay cơ hội như thế nào? Điều gì khiến Ngài vui, Ngài buồn? Đâu là ước muốn và hy vọng của Ngài?

Trở thành một phần trong Kinh Thánh

“Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài.” (Verbum Domini số 24)

Khi đọc lời Chúa mỗi ngày, bạn hãy cố gắng đưa mình vào bối cảnh trong đó. Khi đọc Phúc Âm, Thánh Inhaxiô luôn nhập vai vào một trong những môn đệ của Chúa Giêsu, để ngài có thể quan sát được mọi tình tiết trong bài Phúc Âm. Ngài tưởng tượng mình như một nhân chứng ở bữa tiệc ly, tham gia vào bữa ăn và được chứng kiến Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Ngài có thể thấy được khuôn mặt của Chúa Giêsu khi Chúa tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, hay là lúc Chúa đối mặt với Pharisêu và nhóm Sađốc. Ngài cùng với bà Maria Mađalêna và Thánh Gioan trên đồi Canvê để có thể thấy được quang cảnh và tiếng động vào ngày Chúa chịu chết trên thập giá.

Không nên đưa mình vào Kinh Thánh theo một cách thụ động. Đừng ngồi một chỗ và chờ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng hãy là một phần trong câu chuyện đó. Như khi vẽ ra cảnh tượng bạn ở trên núi Horeb (Núi Sinai) cùng với ông Môsê và bụi cây cháy để hỏi ông Môsê điều gì để ông biết đó là tiếng Chúa. Hình dung về việc ông quay về phía bạn và kể cho bạn nghe ông đã nghĩ gì khi Thiên Chúa bảo ông đối đầu với Pharaô và yêu cầu ông hãy giải thoát dân tộc Do Thái. Bạn sẽ phải ngạc nhiên về câu trả lời mà bạn tìm được.

Đừng tự giới hạn bản thân trong việc chỉ đọc những câu chuyện trong Kinh Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cũng khuyến khích chúng ta làm tương tự như thế đối với các bài thánh vịnh – cuốn sách cầu nguyện riêng với Kinh Thánh.

“… Theo cách đó, lời con người thưa với Thiên Chúa lại trở thành chính Lời Thiên Chúa … toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta.”  (Verbum Domini số 24)

Hãy tưởng tượng mình như một phần trong Thánh Vịnh khi bạn đặt tâm hồn mình ra trước Chúa. Và cũng như người viết Thánh Vịnh, hãy can đảm để đón chờ câu trả lời từ Thiên Chúa. Hãy đặt mình vào vị trí của nhũng người viết thánh thi, hãy nói lên những nhu cầu và mong ước của bạn, những hy vọng và khao khát của bạn. Hãy để những lời ca tụng trở thành lời ca ngợi của chính bạn. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói, khi đó Lời Chúa sẽ trở thành lời của bạn, suy nghĩ của Chúa sẽ trở thành suy nghĩ của bạn, đường lối của Ngài sẽ thành đường lối của bạn, bạn sẽ bỏ đi những thứ ngược lại với đường lối của Ngài.

Chậm lại và lắng nghe

“Chỉ nhờ thinh lặng, Lời mới đến cư ngụ trong chúng ta, như nơi Đức Maria, vừa là người phụ nữ của Lời vừa là người phụ nữ của thinh lặng.” (Verbum Domini số 66)

Đặt mình vào trong Kinh Thánh theo cách này có thể bạn sẽ cảm thấy không khác gì hơn một trò chơi khiến cho mình tin. Bằng cách nào bạn phân biệt những điều bạn đang hình dung xuất phát từ sự tưởng tượng hay từ Thiên Chúa? Chìa khóa ở đây là chính là lắng nghe trong thinh lặng

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự ồn ào và vội vã có thể ảnh hưởng đến thời gian của chúng ta với Kinh Thánh. Trong lúc bạn đang đặt chính mình trong bối cảnh Kinh Thánh, bạn có thể bị cám dỗ và đánh mất mục đích và sự tưởng tượng của bạn. Bạn có thể kết thúc khoảng thời gian hình dung những chi tiết trong bối cảnh, sự phản ứng của dân chúng và câu chuyện vẫn là bí ẩn. Thế nhưng việc tưởng tượng đó sẽ được cân bằng lại nhờ sự tĩnh lặng. Còn cách nào nữa để nghe tiếng Chúa?

Nếu một từ đặc biệt, một mệnh đề hay một hình ảnh nào khiến bạn quan tâm, hãy dừng lại tại đó. Chậm lại và dành ra một khoảng thời gian. Đừng bận tâm đến việc phải đọc hết một đoạn Kinh Thánh hay một bài Thánh Vịnh. Thay vào đó, hay nghiền ngẫm nó. Chờ xem Chúa nói gì với bạn. Nó có thể đơn giản như lời Chúa nói ngay trong bữa tiệc ly: “hãy tin vào Thiên Chúa”(Ga 14:1), hay như lời tuyên bố của thánh Phaolô rằng: “những ai kêu cầu danh danh Thánh Chúa sẽ được cứu thoát”(Rm 10:13). Với bất kỳ điều gì, hãy dành thời gian để nó được biểu lộ. Hãy lập lại đi lập lại từ hoặc mệnh đề đó và hỏi Chúa đang muốn nói gì với bạn. Viết xuống bất cứ một gợi mở nào mà bạn có được. Bình tâm, hít thở thật sâu và đón nhận bấy kể điều gì Chúa muốn gửi cho bạn

Nếu những suy nghĩ đến với bạn và khiến cho bạn được bình an, hân hoan, hy vọng hay khao khát được trở nên giống Chúa Giêsu thì bạn có thể chắc rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong bạn. Ngược lại nếu nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hay nhấn chìm trong tội lỗi thì đó không phải là điều đến từ Thiên Chúa.

Nếu những suy nghĩ của bạn và khiến bạn hành động giống như Thiên Chúa, thì bạn hãy tự tin rằng Chúa đang đồng hành với bạn. Lúc đó bạn sẽ thấy mình được thúc đẩy để tử tế với bạn bè và người thân, hoặc là muốn lãnh nhận Bí tích giao hòa về những tội nặng. Cũng có thể là bạn tìm thấy sự dũng cảm để tham gia việc giáo xứ, hoặc xây dựng lại mối quan hệ bị đổ vỡ. Tất cả những điều mà bạn cảm thấy Chúa đang thúc giục bạn, hãy làm nó ngay! Qua từng hành động nhỏ một, bạn sẽ thấy mình gần Chúa hơn.

Thiên Chúa nói với bạn

Trong phần giới thiệu của lời kêu gọi, Đức Thánh Cha Bênêđictô nói rằng: con người trong thế giới ngày nay phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc gặp gỡ Chúa, Đấng đang nói với chúng ta và đã tỏ cho chúng ta tình yêu của Ngài và làm cho cuộc sống chúng ta thêm phong phú.

Với những lời đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô muốn gửi một thông điệp rằng: Chìa khóa của một cuộc đời yên bình, tràn đầy, sinh nhiều hoa trái là sự lắng nghe những gì Chúa nói với chúng ta. Cha trên trời muốn chúng ta thấy được sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Tất cả những gì chúng ta cần làm là để cho lời của Ngài ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Cuộc sống luôn đầy những khó khăn và trắc trở, nhưng chúng ta có thể tìm được hướng đi cho cuộc đời mình bằng việc cậy trông, lắng nghe lời Chúa, Đấng thiện hảo và hoàn mỹ!

Chuyển ngữ: Giới Trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết