Đức Giáo hoàng tròn 80 tuổi và gần bốn năm thực hiện sứ vụ Phêrô. Thời gian đủ để hình dung một vài đường nét quan trọng.
Cải cách Giáo triều, Thượng Hội đồng và tính hiệp đoàn, làm sạch ngành tài chính Tòa Thánh, đẩy mạnh đại kết và thanh luyện ký ức, thúc đẩy các mối quan hệ liên tôn và đối thoại với thế giới đương đại, từ chối thần học chính trị và sự lạm dụng tôn giáo, bảo vệ quyền của người di cư và các vùng ngoại ô thế giới, chăm sóc mục vụ gia đình, tìm kiếm hòa bình và lên án nạn buôn bán vũ khí, tôn trọng tạo thành và chỉ trích của các mô hình kỹ trị chi phối thế giới.
Đó là những chủ đề mà Đức Phanxicô, dựa vào cầu nguyện và cảm nhận về cõi siêu việt, đã can thiệp bằng những lời nói mạnh mẽ và những hành động tinh tế, làm nên những xung lực lớn trong đời sống của người nghèo, khiến nhiều người thích áp dụng cho ngài hạn từ “cách mạng”.
Được nhiều người hoan nghênh và bị nhiều người khác chỉ trích, thậm chí là sỉ nhục, Đức Thánh Cha vẫn kiên cường thực hiện trách nhiệm và chấp nhận những căng thẳng, vì những sự thay đổi cần thiết cho Giáo hội và thế giới.
Ý thức về “những giá trị không thể thương lượng”, Đức Giáo hoàng Bergoglio hướng kế hoạch hành động về mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo: loan báo – không có ngoại lệ – tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.
Và vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên với ý tưởng cải cách Giáo hội ít nhiều theo phong cách I-nhã, chưa kể đặc điểm là vị Giám mục Roma đầu tiên không tham gia Công đồng Vatican II, mỗi ngày đều đọc lại những trang Tin Mừng, kín múc dòng nước tinh khiết từ nguồn kinh nghiệm Kitô giáo… Dòng nước ấy tràn ngập bên trong những cánh cửa từ lâu đã bị đóng kín, phá hủy các bức tường, rửa sạch các vết thương tinh thần và vật chất, trong tinh thần phục vụ của sứ vụ Phêrô, dành những phần còn lại cho các giám mục và hồng y được ngài chọn theo các tiêu chí loan báo lòng thương xót và niềm vui Tin Mừng.
Vẫn còn nhiều việc phải làm “trong nhà” và “bên ngoài”. Trong nhà: về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, về việc thực hiện trong thực tế những bước đi quan trọng theo các văn kiện như Amoris Laetitia hoặc Laudato Si. Bên ngoài, có ít nhất có bốn vấn đề đang chờ đợi những nỗ lực của Đức Phanxicô như là một “nhà lãnh đạo đáng tin cậy”: tiến trình hòa bình ở Syria và Trung Đông (không chỉ bảo vệ các Kitô hữu khỏi những gì không phải là Hồi giáo); tiến trình hòa dịu tương quan giữa Nga và phương Tây (chia sẻ cái ôm huynh đệ với Đức Kirill); tự do cho người Công giáo Trung Quốc; đồng hành với các nước Mỹ Latinh hậu Obama.
Đối với Đức Thánh Cha, điểm quy chiếu của tất cả các định hướng mục vụ hay các lựa chọn ngoại giao, trong mọi trường hợp, vẫn là “cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, và giữa những con người của mọi nền văn hóa với nhau”.
Và Đức Bergoglio sẽ vẫn tiếp tục sẵn sàng chịu những hậu quả của các tia lửa tung tóe ra từ các mối hàn giữa việc bảo vệ giáo lý và việc chăm sóc mục vụ, giữa lòng thương xót và công lý, giữa pháp luật và lương tâm, không bỏ qua “cuộc sống thực” của những người yếu nhất…
Và ngài vẫn cần lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội.
Tân Thanh