Formosa và việc tái nhìn nhận phẩm giá của nhà cầm quyền

Biển chết 50 – 70 năm thì đã chết. Nhưng việc có thể làm và phải làm là không được để biển chết thêm, không được cho phép bất kỳ nguy cơ nào có thể dẫn đến cái chết của một phần thân thể đất nước phải kéo dài thêm một lần 50 – 70 năm nữa. Bằng cách chấm dứt lp tức sự tàn độc của nguồn xả thải ngay bây giờ, ngay lúc này.

Một vùng biển rộng lớn đã chết, cái chết sẽ kéo dài 50 – 70 năm nữa mới có thể hồi phục. 50 – 70 năm, mấy thế hệ con người nữa sinh ra và lớn lên biển mới lại trở về! Một xác nhận làm chết lặng hoặc cắt nát nhiều trái tim Việt Nam. Vì vậy, dù nhà cầm quyền đã công bố danh tính thủ phạm và một số tiền họ gọi là đền bù cho những thiệt hại sẽ đến từ thủ phạm, vấn đề Formosa vẫn còn nhiều việc quan trọng phải làm. Một trong những việc quan trọng đó là việc nhà cầm quyền hành xử tới nơi tới chốn một cách đúng đắn và can đảm.

Biển chết với mức độ rộng lớn như thế không chỉ làm hồn của biết bao người dân Việt sống dọc các tỉnh miền Trung chết. Biển chết là cuộc sống của mọi người dân trên cả đất nước này bị xáo trộn tận căn. Vì những gì biển đã đem đến nhưng không cho con người, từ hạt muối, từ giọt nước mắm, từ con cá, con tôm, con mực, những thứ không thể thiếu trong việc nuôi sống hàng ngày cho bất cứ ai, nay không còn “tình thân hữu” nữa. Con người nhìn hạt muối với ánh mắt nghi ngờ, nhìn giọt nước mắm với cái nhìn ngờ vực, nhìn giỏ cá với tâm trạng sợ sệt, vì đó có thể là nguồn chất độc hại chết con người….Quan hệ giữa hạt muối, giọt nước mắm, con cá, con tôm, sản phẩm của biển, với con người, không còn là quan hệ thân thương nữa.

Mọi sự là do hoạt động của Formosa! (Trớ trêu với những gì người dân Việt Nam từ nay nhớ đến và nghĩa thật của chữ Formosa: hòn đảo xinh đẹp)

Đọc thông tin trên các trang mạng, trên báo chí nhà nước lẫn báo chí của lề dân, chúng ta không thể không nghĩ đến một câu trong số 182, thông điệp Laudato Si:

“[…] khi nạn tham ô che đậy ảnh hưởng thực sự về môi sinh của một dự án để đổi lấy những ân huệ, nó thường đưa tới những hợp đồng mơ hồ, trốn tránh nghĩa vụ thông tin và một cuộc thảo luận sâu rộng”.

Ai đưa Formosa vào Việt Nam? Họ đưa một công ty có bề dầy thành tích gây ô nhiễm môi trường một cách tàn độc như thế vào hại chết dân Việt vì sao? Vì họ là những kẻ tham ô? Hay trong họ có kẻ tham ô và có kẻ chỉ vì dốt nát?

Dù vì gì, mấy chục năm nay, người dân Việt Nam bị buộc phải trao quyền điều hành đất nước cho một nhóm người dù lòng dân không muốn, nên chọn Formosa cho đầu tư là một trong những việc chỉ có các người đang chiếm quyền lực quyết định.

Họ có là người Việt Nam không? Lúc này, họ có đau như bao trái tim Việt Nam đang đau không? Họ có biết vì giọt nước tràn ly này mà càng ngày càng nhiều người muốn thoát khỏi đất nước này không? Họ chiếm quyền lực và điều hành đất nước này như thế!

Tuy nhiên, biển chết 50 – 70 năm thì đã chết. Nhưng việc có thể làm và phải làm là không được để biển chết thêm, không được cho phép bất kỳ nguy cơ nào có thể dẫn đến cái chết của một phần thân thể đất nước phải kéo dài thêm một lần 50 – 70 năm nữa. Bằng cách chấm dứt lập tức sự tàn độc của nguồn xả thải ngay bây giờ.

Chuyện này thì họ, những người đang nắm giữ quyền điều hành đất nước, hoàn toàn có thể làm, nếu họ đủ can đảm. “Nếu họ có can đảm làm, thì họ sẽ có thể tái nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ như một người và họ sẽ để lại một chứng tá về trách nhiệm quảng đại, sau khi họ đi vào lịch s” (Laudato Si, 181).

Phần chúng ta, ngoài nhiều việc chúng ta phải làm trong tư cách công dân, vì đất nước này là của mỗi người chúng ta – do Thiên Chúa ban, hết sức cá vị – chúng ta còn là những người Tin, những Tín Hữu nên chúng ta còn một bổn phận: Cầu nguyện hết tấm lòng, cho những người đang chiếm quyền điều hành đất nước này nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ như một con người, để họ có được sự can đảm làm điều hết sức đúng đắn và cần thiết trước mắt, là chấm dứt sự hiện diện của nguồn tai ương, nguồn sự chết ấy trên đất nước Việt Nam ngay lập tức.

Can Đê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết