Facebooker

  • Xã hội
  • Thứ Sáu, 11-03-2016 | 02:05:34

Khi tham gia mạng xã hội, chúng ta có cơ hội để trưởng thành hơn, nhất là về phần tâm linh, hay không? Nơi ấy có giúp chúng ta ý thức hơn về cách tỏ bày căn tính Kitô hữu của mình hay không? Và chúng ta, cùng với người chúng ta chia sẻ, có thấy mình chịu trách nhiệm nhiều hơn và cởi mở hơn với người khác hay không?

Theo thống kê của một chuyên viên Công nghệ thông tin làm việc tại Uniity, năm 2015 có 31% trên tổng số 90,7 triệu dân Việt Nam có tài khoản trên các mạng xã hội. Tất nhiên, một người có thể sử dụng nhiều tài khoản. Nhưng không thể phủ nhận Facebook là mạng xã hội được người Việt chọn lựa nhiều nhất, đến 21%. Thời gian trung bình vào mạng xã hội của một người dùng các thiết bị điện tử ( như laptop, máy tính bảng, điện thoại) là 3 giờ 4 phút một ngày.

Trong đám đông dân chúng ấy có không ít người Công giáo chúng ta. Giáo dân có, linh mục, tu sĩ có. Mỗi người tham gia có thể có nhiều mục đích khác nhau, nhưng có lẽ đều có lúc cùng chia sẻ một mục đích cơ bản: trao đổi thông tin về một sự kiện nào đó cho nhau.
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều sự thật bị che đậy, hằng hà bất công. Số nhân viên công quyền không làm đúng chức năng không ít; thay vì là người phục vụ vì nhận tiền lương từ đồng tiền thuế dân đóng góp, thì họ lại hành xử như một kẻ cai trị, áp bức dân; pháp luật lại lắm khi không đứng về phía dân thường. Do đó khi có sự việc áp bức xảy ra hoặc bị che giấu, người dân nhanh chóng lên tiếng bảo vệ nhau, thông tin cho nhau, kêu nhờ người hỗ trợ, hoặc giúp nhau hiểu biết sự việc hơn. Và hầu hết là nhờ mạng facebook. Do đó, vai trò của mạng xã hội tại Việt Nam, nhất là của facebook, rất cần thiết.

Trên facebook có nhiều thông tin đúng sự thật nhưng cũng có những thông tin không đúng, thậm chí dối trá, tưởng rằng nhờ thế sẽ nhanh đạt được mục đích tốt. Thí dụ những ảnh chế, ảnh giả, thông tin giả mà có người lý luận là “tung hỏa mù”. Tham gia dòng xoáy, các facebooker Công giáo được Giáo hội nhắc nhở: chỉ sự thật mới giải thoát anh em. Cần cố giữ bình tĩnh, cẩn trọng kiểm tra nguồn tin, nguồn ảnh đến mức có thể, để sự thật được tôn trọng. Giữ được như thế, bản thân facebooker giữ được uy tín với người đọc, góp mình vào như một mỏm đá vững chắc, có ích giữa một dòng xoáy truyền thông khai trí cần thiết cho Việt Nam hôm nay.

Rồi, lại có những lúc phải đối diện với bạo lực. Mà bạo lực thì tràn lan trong xã hội, thông tin mô tả bạo lực tràn đầy ngay trên các mạng báo-chí-công-cụ của nhà nước; con người với trái tim còn mẫn cảm sẽ uất ức, vì hầu như bất lực trong mong muốn giúp đỡ người anh em, sẽ phải kêu lên, bật ra những status …chửi mắng cho trái tim nhẹ bớt cơn đau. Làm sao lúc ấy có thể không có lời độc địa nào dược thốt ra? Chỉ có cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần chữa lành cho trái tim bị thương tổn, facebooker Kitô hữu lúc ấy mới có thể trụ lại làm Nhân Chứng Kitô, góp phần biến đổi thế gian.

Thánh Phaolô mạnh mẽ và rõ ràng cảnh báo những ai đang hoạt động với những khả năng khác nhau trong những lĩnh vực truyền thông xã hội: ”Bởi vậy, hãy cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người lân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau… Ước gì không có lời độc địa nào thốt ra từ môi miệng anh em, nhưng nếu cần hãy nói những gì tốt đẹp để xây dựng và giúp ích cho người nghe” (Ep 4,25.29).
Xin tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã ban cho chúng con cơ hội để tham gia mạng xã hội, cũng là một phần dấn thân trong thời đại này, và ban ân sủng giữ gìn chúng con trong vai trò làm một mỏm đá nhỏ định hướng, giữa dòng xoáy truyền thông cần thiết của quê hương.

Can Đê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết