Nhiều người tham gia biểu tình đã phải là nạn nhân của bạo quyền.
Nhưng họ sẽ thắng được cái ác, không phải bằng cái ác dữ dằn hơn. Họ sẽ thắng được cái ác vì họ là nạn nhân, vì họ luôn bày tỏ thiện chí và những hành vi gây thiện cảm. Họ sẵn sàng tha thứ và đón nhận những con người đã “không biết việc mình làm” để minh chứng cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”.
Chủ đề “Ecce Homo” (“Này là người”) từng là nguồn cảm hứng cho nhiều danh họa để lại cho nhân loại những kiệt tác vô giá, nhưng danh họa Antonio Ciseri (1821, Switzerland) có góc nhìn khác hẳn các danh họa khác. Thay vì họa trực diện khuôn mặt và thân thể Đức Giêsu, Ciseri lại vẽ từ phía sau, như sach Tin mừng theo thánh Gioan mô tả. “Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, rồi vả vào mặt Người…Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Này là người!” (Ga 19,1-3.5).
Đức Giêsu đứng trước đám đông. Mặt mũi Người lem luốc tiều tụy thế nào, thân thể Người tan nát bởi những vết thương ra sao… không ai rõ, ngoại trừ những ai đang đối diện với Người!
Không ai rõ Người mang bao nhiêu vết thương và mức độ đau đớn gây ra từ những vết thương ấy, nhưng “Người đã mang lấy những bịnh hoạn tật nguyền của ta và gánh lấy các bịnh hoạn của ta” (Mt 8,17), là tất cả những người nghèo khổ đang chịu những sự thống khổ không chỉ ở thời của Người, mà còn cho đến tận thế. Vì thế, hôm nay ta có thể nhìn vào hoàn cảnh và tình trạng của những con người đang bị bạo quyền đày ải, bóc lột, bị đàn áp, đánh đập cách vô nhân đạo, bị bắt bớ một cách phi lý và bị tuyên án một cách bất công, bị tước đoạt những quyền căn bản của con người, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền sở hữu hợp pháp, quyền được biết những thông tin liên quan đến đời sống và chính vận mệnh của họ, của gia đình họ, của tương lai, của dân tộc và quê hương họ, để nhận ra rằng, đó chính là những vết thương vẫn còn rỉ máu trên thân thể Đức Giêsu.
Thế nên, việc đồng cảm với những thân phận khổ đau ấy không chỉ là những bài thuyết giảng phân tích sâu sắc, hoặc qua những sự trợ giúp trong lúc khó khăn, mà còn phải nhập cuộc, nói theo ý tưởng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, là phải “đi đến vùng ngoại biên”, là “mang lấy mùi của chiên”. Nghĩa là những vấn đề nóng bỏng của xã hội không chỉ giới hạn vào những bản tin thời sự, những con số thống kê, những khía cạnh của vấn đề được mổ xẻ trong văn phòng, mà chính xác hơn là “tường thuật đến từng chi tiết” những nỗi khổ nhục, những sự đày ải, áp bức bất công của từng người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể của họ, như đang họa lại “những vết thương trên thân thể Đức Giêsu”.
Trong hai ngày biểu tình 1/5 và 8/5/2016 vừa qua, nhiều người đã có động thái tích cực nói lên quyết tâm của mình. Họ sát cánh bên nhau vì môi trường trong sạch, vì sự sống và kế sinh nhai của những ngư dân và người dân bốn tỉnh miền Trung, vì muốn bạch hóa thông tin về những nguyên nhân gây ra ô nhiễm và muốn những kẻ tạo ra thảm họa môi sinh phải có trách nhiệm… Nhiều người, theo sự thúc đẩy của lương tâm ngay chính và lòng xót thương, đã tự nguyện liên đới với những nạn nhân, đứng lên đấu tranh cho lẽ phải và quyền lợi của những con người nghèo khổ thấp cổ bé họng… Và họ sẵn sàng gánh lấy mọi hậu quả cho bản thân mình.
Họ, những con người vì đã có hành động liên đới với những người nghèo khổ, đã bị coi là những “đối tượng” xấu xa, gây nghi ngại đối với chính quyền này. Họ, ngày hôm qua còn được hưởng chút tự do “trong lồng”, còn biết mình được bảo vệ chút ít bởi pháp luật, còn được tôn trọng, nay cảm thấy cô đơn trong những khu giam giữ các phạm nhân, bị khinh khi, xỉ vả, bị đánh đập bởi những người thay vì là “cơ quan bảo vệ luật pháp” hoặc cộng tác viên gìn giữ an ninh trật tự, thì lại là những “công cụ” của bạo quyền và bất công, hừng hực bạo lực, sẵn sàng tra tay đàn áp với những cách thức dã man, vô nhân đạo và phi nhân tính.
Trên mạng internet còn ghi lại những nét thảng thốt của những người không ngờ rằng mình bị “liệt vào hàng ngũ các tội nhân”, nhân phẩm bị xúc phạm, bị còng tay, bị đánh đập, giam cầm… Họ bất khả kháng trước đám an ninh và dân quân lạnh lùng, hành xử tàn nhẫn, đầy thù hận và khoái trá đê hèn.
Những con người bị đày ải, bị đánh cho bầm dập ấy có thể là những cô gái dịu dàng, dễ thương, những người mẹ đang dắt con bỗng chốc bị chia lìa, những thanh niên mặt mũi khôi ngô bị đánh đến thâm tím…
Họ đấy, những “Ecce Homo” của ngày hôm nay, không nhất thiết là các Kitô hữu, vì muốn “làm sáng tỏ công lý”, đã cho thế giới thấy được những vết thương trên thân thể Đức Giêsu khi xưa, gây ra cách bất công bởi những kẻ tàn ác hôm nay.
Họ đấy, những “Ecce Homo” của ngày hôm nay cho thấy đâu là giới hạn và sự yếu hèn của những “công cụ của luật pháp”, được vũ trang đầy đủ, có bổn phận và nghĩa vụ bảo vệ người dân, lại nhẫn tâm hành xử tàn bạo với chính đồng loại của mình. Nhưng chỉ đến thế thôi!
Họ đấy, những “Ecce Homo” của ngày hôm nay cũng hiên ngang đối diện với những kẻ đang áp bức mình và lên tiếng như Đức Giêsu: “Nếu tôi sai, hãy chứng minh tôi sai chỗ nào; còn nếu tôi nói đúng, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).
Họ đấy, hôm qua có thể là những người bình thường, có thể sống rời rạc với nhau, nhưng hôm nay hợp nhau lại vì lợi ích chung, đã cho thấy khí phách của những người không vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, trước vận mệnh đen tối của đất nước, trước sự tồn vong của dân tộc. Sự hiện diện và dấn thân cho công lý của họ là lời kêu gọi mọi người đừng thờ ơ với chính trị, vì khi thờ ơ với chính trị, để mặc chính quyền muốn làm gì làm, thì chính người ấy cùng với tất cả mọi người, không trừ một ai, sẽ gánh chịu hậu quả trực tiếp lẫn gián tiếp!
Đẹp lắm những cuộc biểu tình bất bạo động, sự đối kháng với cái sai cái xấu, được thực hiện trong trật tự hòa nhã của những người biết mình đang hành động theo lẽ phải, dù luôn bị hành xử bạo ngược, dù uất hận trong giây lát, vẫn thể hiện sự văn minh của tình thương, ý chí vẫn kiên cường, khát khao luôn cháy bỏng.
Trả thù ư? Không! Họ chỉ muốn thức tỉnh nhân tính của đám kiêu binh cuồng say ấy, để một lúc nào đó chúng nhận ra sự sai trái đáng hổ thẹn của mình mà đứng về phía đồng bào đang bị đày đọa, đầu độc qua từng ngày sống, trong một cuộc sống không đáng sống.
Họ sẽ thắng được cái ác không phải bằng cái ác dữ dằn hơn. Họ sẽ thắng được cái ác vì họ là nạn nhân, vì họ luôn bày tỏ thiện chí và những hành vi gây thiện cảm. Họ sẵn sàng tha thứ và đón nhận những con người đã “không biết việc mình làm” để minh chứng cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”.
“Ecce Homo”. Đức Giêsu, sau khi bị hành hạ, được đem đến trước đám đông hung hăng đang gào thét lời kết án “đóng đinh nó; đóng đinh nó vào thập giá”, đã chọn thái độ “không” với bạo lực, dù điều ấy nằm trong tầm tay Người. Những vết thương người ta gây ra cho Người trở nên những chứng tích của sự tha thứ, hiền lành, sự cứu độ và ngập tràn yêu thương. Thánh Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Ðể một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1 Pr 2, 24).
Mong cho những “Ecce Homo” hôm nay đang đấu tranh cho công lý cũng vậy: chọn thái độ bất bạo động để làm chứng cho sức mạnh vô địch của sự thật.
Linh mục Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.