Dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, Cha sở Giáo xứ bắt đầu lại việc học tập cho học sinh ở Gaza

Một số bạn trẻ đến từ Gaza trong các hoạt động hỗ trợ học tập tại một vọng lâu bên trong khuôn viên Giáo xứ Thánh Gia (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Một số bạn trẻ đến từ Gaza trong các hoạt động hỗ trợ học tập tại một vọng lâu bên trong khuôn viên Giáo xứ Thánh Gia (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Khoảng 150 trẻ em và thanh thiếu niên từ 4 đến 17 tuổi đang trú ẩn tại Giáo xứ Thánh Gia nghi lễ Latinh ở Gaza đã bắt đầu lại việc học vào tháng 6 lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas vào tháng 10 năm ngoái nhờ một nỗ lực dẫn đầu bởi Linh mục Giáo xứ của họ, Cha Gabriel Romanelli.

Chương trình này đã phải tạm dừng hai tuần vào đầu tháng này do hành động quân sự của Israel nhưng đã được tiếp tục trở lại vào ngày 19 tháng 7.

Trở về Gaza vào giữa tháng 5 sau khi bị mắc kẹt ở Giêrusalem trong bảy tháng đầu tiên của cuộc chiến Israel-Hamas, Cha Romanelli đã không lãng phí thời gian. Trong vòng vài tuần, ngài đã khởi động Dự án Thánh Giuse để giúp trẻ em tái kết nối với việc học sau khi phải nghỉ học cả năm do cuộc xung đột đang diễn ra.

“Tôi đã nghĩ đến điều đó từ khi chiến tranh nổ ra, và khi trở về, tôi thấy nó rất cần thiết”, Cha Romanelli kể lại. “Việc trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả là điều tốt đẹp. Việc để chúng không được học hành, khiến chúng phải phó mặc cho những gì xảy ra xung quanh mình”.

Một số trẻ em và thanh thiếu niên đến từ Gaza trong giờ học tại hiên nhà của các Nữ tu Dòng Ngôi Lờ trong khuôn viên của Giáo xứ nghi lễ Latinh (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Một số trẻ em và thanh thiếu niên đến từ Gaza trong giờ học tại hiên nhà của các Nữ tu Dòng Ngôi Lờ trong khuôn viên của Giáo xứ nghi lễ Latinh (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Đây không phải là một trường học điển hình và không có chương trình giảng dạy chính thức nào để tuân theo. Ý tưởng này đúng hơn là giúp những người trẻ hướng năng lượng thể chất và tinh thần của họ vào một điều gì đó mang tính xây dựng và sẵn sàng khi trường học tiếp tục.

“Bởi vì một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ kết thúc và chúng tôi sẽ sẵn sàng bắt đầu lại”, Cha Romanelli nói với sự xác quyết.

“Tham gia học tập giúp tránh việc chỉ nghĩ và nói về chiến tranh, không chỉ tập trung vào xung đột. Đó là một hạt giống hy vọng nhỏ bé”, Cha Romanelli giải thích với CNA.

“Dự án”, Cha Romanelli giải thích, “được dâng kính Thánh Giuse vì nhờ ngài mà Thánh Gia đã tìm thấy sự bảo vệ ở Ai Cập, đi qua đây và sau đó trở về Nazareth. Chúng tôi khẩn cầu Ngài che chở bảo vệ con cái của chúng tôi và giúp chúng phát triển”.

Các cuộc tấn công đã gia tăng ở khu vực rất gần Giáo xứ. Vị Linh mục kể lại rằng “bom và tên lửa dội xuống trong phạm vi vài chục hoặc hàng trăm mét, và các mảnh bom và tên lửa tiếp tục trút xuống khu nhà”, khiến cho việc ở ngoài trời “rất nguy hiểm”.

Một số Kitô hữu từ Giáo xứ nghi lễ Latinh đã bị thương nhẹ vào tuần trước sau một vụ nổ ở khu chợ gần đó. Trường Thánh Gia của Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh, nằm cách Giáo xứ nghi lễ Latinh khoảng ba dặm, đã bị tấn công vào ngày 8 tháng 7, nhưng vụ việc đó không ảnh hưởng đến quyết định đình chỉ hoạt động.

Một buổi ôn toán dành cho các bạn trẻ đến từ Gaza trong nhà nguyện của Nữ tu Ngôi Lời Nhập Thể, bên trong khuôn viên của Giáo xứ nghi lễ Latinh (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Một buổi ôn toán dành cho các bạn trẻ đến từ Gaza trong nhà nguyện của các Nữ tu Dòng Ngôi Lời bên trong khuôn viên của Giáo xứ nghi lễ Latinh (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Việc tổ chức dự án không hề đơn giản. Không còn chỗ trống trong khu nhà Công giáo. Nhưng Cha Romanelli đã không thiếu sự chủ động.

Nhà nguyện, nhà bếp, phòng khách, ban công nhà của các Nữ tu Dòng Ngôi Lời đều trở thành “các lớp học”; 3 ban công trong khu vườn tổ chức các nhóm học tập.

“Các lớp học rất cởi mở, nhưng chúng tôi đóng cửa để giúp bọn trẻ tránh bị phân tâm vì luôn có người xung quanh”, Cha Romanelli nói. Thậm chí ngay cả nhà thờ Giáo xứ cũng tổ chức một nhóm học.

Những đồ dùng học tập mà học sinh đang sử dụng đều được Cha Romanelli tích lũy trong một khoảng thời gian.

“Trong nhiều năm, tôi đã luôn cố gắng lường trước tình huống xấu nhất và luôn dự trữ văn phòng phẩm cho các hoạt động trường học và cầu nguyện khác nhau”, Cha Romanelli nói với CNA. “Cũng vào thời điểm bắt đầu chiến tranh, tôi đã mua càng nhiều mặt hàng này càng tốt”.

Những người tị nạn trẻ tuổi từ Giáo xứ Chính thống giáo St. Porphyrius gần đó cũng tham gia vào các hoạt động của trường. Học sinh được phân chia theo độ tuổi. Những học sinh nhỏ tuổi hơn tập trung học tập vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, trong khi những em lớn hơn họp vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy.

Mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều, các bài học ôn tập nhỏ được tổ chức về các môn chính: toán, tiếng Ả Rập, khoa học và tiếng Anh. Giáo dục tôn giáo và Giáo lý được dành riêng cho thời gian buổi chiều và các hoạt động cầu nguyện.

 “Các em rất vui và có mong muốn học hỏi”, Cha Romanelli nói. “Tất nhiên là không có bài tập về nhà vì chúng thậm chí còn không có nhà cửa. Cũng có tác động tích cực đối với các gia đình. Cha mẹ khuyến khích con cái của họ đọc, ôn tập và đến lớp đúng giờ”.

Một nhóm thanh thiếu niên đến từ Gaza tham gia các hoạt động ôn tập (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Một nhóm thanh thiếu niên đến từ Gaza tham gia các hoạt động ôn tập (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Khoảng 40 giáo viên đã tình nguyện giúp đỡ các em. “Đối với họ cũng vậy, việc chuẩn bị và gắn kết với giới trẻ là rất quan trọng”, Cha Romanelli nói.

Trước chiến tranh, các giáo viên dạy học ở 5 trường học Kitô giáo – trường thuộc Tòa Thượng phụ Latinh, trường của các Nữ tu Mân côi, trường thuộc Giáo hội Tin lành, trường thuộc Chính thống Hy Lạp và trường Thánh Gia – cũng như một số trường học thuộc chính phủ. Ngày nay, tất cả họ đều là những người tị nạn trong các khu nhà Công giáo và Chính thống giáo.

Mặc dù có vẻ kỳ quặc khi nói về giáo dục và học tập khi tên lửa và bom đạn tiếp tục trút xuống xung quanh, nhưng Cha Romanelli lập luận rằng chẳng thể làm gì khác hơn.

“Giáo dục là sự nuôi dưỡng tâm hồn; nó là điều cần thiết”, Cha Romanelli nói. “Đầu tiên và quan trọng nhất là từ góc độ tâm linh. Nếu cuộc sống không được sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, không có đời sống ân sủng thì con người giống như xác sống. Không có điều này, con người sẽ không bao giờ tìm được sự bình an nội tâm. Nhưng bên cạnh đó, điều quan trọng là phải nuôi dưỡng khía cạnh trí tuệ, tư duy”.

“Sau tám tháng không học hành, không đọc sách, chúng ta có thể nói chuyện gì đây? Nếu người ta không quan tâm đến khía cạnh đào tạo, trí tuệ, nếu người ta không nuôi dưỡng mình bằng những điều tốt đẹp, thú vị nói về tương lai, nếu người ta không đọc và nghiên cứu, tâm hồn sẽ khô héo, và cuộc sống sẽ tàn lụi”, Cha Romanelli tiếp tục.

Một nhóm thanh thiếu niên lắng nghe trong một buổi giảng dạy tại Nhà thờ Thánh Gia nghi lễ Latinh ở Gaza (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Một nhóm thanh thiếu niên lắng nghe trong một buổi giảng dạy tại Nhà thờ Thánh Gia nghi lễ Latinh ở Gaza (Ảnh: Linh mục Gabriel Romanelli)

Với Dự án Thánh Giuse, Cha Romanelli đã tìm cách “mang đến cho giới trẻ cơ hội nuôi dưỡng tâm hồn, cả về trí tuệ lẫn tinh thần. Để giữ họ tham gia vào các hoạt động mang tính xây dựng, mặc dù tiếng ồn náo của chiến tranh là chuyện thường ngày trong cuộc sống của họ”.

Vào lúc này, không thể tưởng tượng được liệu một năm học mới có thể bắt đầu lại hay không và như thế nào, nhưng Cha Romanelli nói, “kinh nghiệm về những bài học này cho chúng ta thấy rằng có ý chí và sức mạnh đạo đức, có khát vọng để bắt đầu lại mọi thứ và tìm ra các giải pháp”.

“Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng tôi”, Cha Romanelli nói. “Thời điểm quan phòng của Thiên Chúa là hoàn hảo. Về phần mình, chúng tôi tiếp tục gieo mầm ước muốn hòa bình, công lý, hòa giải và làm điều tốt cho tất cả những người chúng tôi có thể, bắt đầu từ những người gần gũi với chúng tôi”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết