SÃO PAULO – Một linh mục Công giáo ở Brazil nổi tiếng với cuộc đấu tranh chống lại thái độ mà ngài gọi là “aporophobia” (từ chối người nghèo), hay sự căm ghét người nghèo, đã được xác nhận một cách hiệu quả bởi phán quyết vào ngày 20 tháng 8 của Tòa án Tối cao của đất nước rằng chính quyền thành phố và tiểu bang không thể tịch thu đồ đạc của những người vô gia cư trong các hoạt động dọn dẹp đường phố và công viên.
Việc tịch thu những đồ đạc đó là một thông lệ ở Brazil, và theo các nhà phê bình, thường đi kèm với bạo lực của cảnh sát nhắm vào người vô gia cư.
Với phong cách đặc trưng, Cha Julio Lancellotti đã ca ngợi phán quyết trong khi vẫn tiếp tục chỉ trích chính quyền thành phố São Paulo, cũng như chính quyền các thành phố trên cả nước, vì đã không tuân thủ quyết định.
“Chẳng có gì thay đổi cho đến lúc này. Tất cả đềU vẫn như vậy”, Cha Lancellotti, đại diện cho người vô gia cư của Tổng Giáo phận São Paulo, phát biểu với Crux.
Hoạt động tích cực của Cha Lancellotti thay mặt cho người nghèo và người vô gia cư đã được nhiều người biết đến, kể cả Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã gọi điện cho vị linh mục 74 tuổi vào ngày 10 tháng 10 năm 2020 để khuyến khích công việc của ngài.
Phán quyết của Tòa án Tối cao vào ngày 20 tháng 8 năm 2023 đã giữ nguyên sắc lệnh trước đó của thẩm phán tòa án cấp dưới, Thẩm phán Alexandre de Moraes, người đã viện dẫn Cha Lancellotti trong phán quyết của mình ra lệnh cho các chính phủ tôn trọng quyền tài sản của người vô gia cư.
Thẩm phán De Moraes đã ra lệnh cho chính phủ liên bang trình bày kế hoạch giải quyết tình trạng vô gia cư trong vòng 120 ngày. Các Thống đốc bang và Thị trưởng thành phố có cùng khoảng thời gian để trình bày các nghiên cứu chi tiết về số lượng người vô gia cư và nhu cầu của họ, đồng thời thiết lập một loạt chính sách công để hỗ trợ họ.
Cha Lancellotti cho biết rằng ngài đã chất vấn chính quyền thành phố São Paulo về hành động của họ và các quan chức nói với ngài rằng thành phố đã triển khai một kế hoạch vào năm 2021 để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cho người vô gia cư.
“Nhưng không ai làm việc trong phân khúc đó từng nhìn thấy kế hoạch đó”, Cha Lancellotti nói. “Nếu có một chương trình thì rõ ràng là không đủ và thiếu sót trước số lượng người lang thang trên đường phố quá lớn”.
Một nghiên cứu gần đây ước tính số người vô gia cư ở Brazil lên tới hơn 200.000 người. Chỉ riêng thành phố São Paulo đã có hơn 52.000 người. Theo các nhà hoạt động Giáo hội làm việc với họ, trong vài năm qua, một chuỗi các cuộc khủng hoảng đã khiến ngày càng có nhiều người phải lang thang trên đường phố.
Cha Marcos Augusto Mendes, người đứng đầu Ủy ban Mục vụ Người vô gia cư của Hội đồng Giám mục, khẳng định: “Sau khi Dilma [Rousseff, cựu Tổng thống] bị luận tội vào năm 2016, chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều người vô gia cư”. Ông Rousseff là một chính trị gia trung gian thiên tả và là cựu chánh văn phòng của Tổng thống hiện tại của Brazil, ông Luiz Inácio Lula da Silva.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài chỉ trở nên tồi tệ hơn với đại dịch COVID-19, “và các nhà hoạt động mục vụ trên khắp Brazil bắt đầu báo cáo rằng giờ đây toàn bộ các gia đình đang sống dưới gầm cầu và tại các quảng trường”, Cha Mendes nói.
Chính quyền địa phương luôn không có đủ chương trình để giải quyết vấn đề dân số đó, vị linh mục cho biết, và bạo lực chống lại họ là một vấn đề thường xuyên.
“Tầm nhìn vệ sinh – một hệ tư tưởng thế kỷ 19 cho rằng người nghèo bẩn thỉu và mang bệnh tật vào thành phố, vì vậy họ phải bị đưa ra vùng ngoại ô – luôn chiếm ưu thế ở Brazil”, Cha Mendes, người đã làm việc ở thành phố Salvador trong nhiều năm và hiện sống ở Fortaleza, cho biết.
Thẩm phán De Moraes đã mời Ủy ban Mục vụ Người vô gia cư và các tổ chức dân sự khác tổ chức một cuộc họp về vấn đề này vào cuối năm 2022, đồng thời nghe họ phàn nàn về sự thiếu tôn trọng đối với luật bảo đảm quyền của người vô gia cư trong nước.
Thẩm phán De Moraes cũng đã đến thăm Giáo xứ của Cha Lancellotti ở São Paulo, nơi hàng trăm người nhận được sự giúp đỡ mỗi ngày.
“Ông ấy đã quyết định can thiệp sau các cuộc họp đó và cho chính quyền mới vài tháng để bắt đầu làm việc và thực thi các chính sách. Giờ đây họ phải cung cấp bằng chứng cho thấy họ đang quan tâm đến số dân đó và giải quyết các nguyên nhân sâu xa của tình trạng vô gia cư”, Cha Mendes nói.
Ủy ban Mục vụ Người vô gia cư quốc gia có mặt ở khoảng 40 thành phố trên toàn quốc. Các báo cáo về bạo lực đối với người vô gia cư và việc buộc họ phải di dời khỏi một số khu vực thành thị nhất định vẫn tiếp tục xuất phát từ hầu hết họ, bất chấp phán quyết của Tòa án Tối cao, Cha Mendes khẳng định.
Cha Lancellotti đã tố cáo những hành động như vậy hàng ngày trên mạng xã hội của mình, chiếu những đoạn video về những người bị mất lều, hành lý và thậm chí cả thực phẩm trong các cuộc đột kích của cảnh sát.
“Chính quyền thành phố đã không tuân thủ phán quyết đó”, Cha Lancellotti than phiền.
Natercia Navegante, thành viên của Diễn đàn Quốc gia về Người vô gia cư ở Manaus, bang Amazonas, khẳng định chính quyền địa phương không đưa ra chính sách nào để giải quyết số lượng người vô gia cư ngày càng tăng trong thành phố.
“Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, Manaus đã tiếp đón rất nhiều người đến từ Venezuela, Peru và từ các vùng khác nhau của Amazon. Nhiều người trong số họ đã phải sống cảnh vô gia cư”, bà Navegante phát biểu với Crux, đồng thời cũng cho biết thêm rằng thành phố chỉ có một nơi trú ẩn duy nhất và hiếm khi có những hành động cứu trợ.
Cách đây vài tháng trước, chính quyền thành phố Manaus đã phát động một cuộc đột kích trên diện rộng nhằm vào những người vô gia cư và tịch thu hầu hết đồ đạc của họ, bao gồm cả giấy tờ tùy thân, những thứ mà cho đến nay vẫn chưa được trả lại cho họ, bà Navegante mô tả.
“Kể từ khi Tòa án Tối cao ra quyết định phản đối việc cưỡng bức di dời đồ đạc của người vô gia cư, chưa hề có tình tiết mới nào như vậy. Nhưng không có biện pháp cụ thể nào để giải quyết số tình cảnh của những người dân đó được đưa ra”, bà Navegante nói.
Bà Navegante mô tả tình hình ở thành phố là “hoàn toàn bị bỏ rơi”, với việc trẻ em và người già bị xua đuổi ra đường, nhiều khi gặp vấn đề về sức khỏe và không được hỗ trợ.
“Tôi đã từng thấy những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường bị hoại tử và lộ cả xương. Những người đó đã bị gạt sang một bên”, bà Navegante nói.
Cha Mendes cho biết Ủy ban Mục vụ Người vô gia cư đang mở rộng phạm vi hoạt động ở Brazil, với việc liên tục bổ sung các nhóm ở các thành phố mới.
“Chúng ta cần gây áp lực lên các thành phố và tiểu bang để họ tuân thủ quyết định. Xã hội dân sự cần tham gia vào cuộc đấu tranh này”, Cha Mendes nói.
Minh Tuệ (theo Crux)