Bài Tin Mừng Mt 17,1-9 kể lại cho chúng ta cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, trong đó, dung nhan Người chói lọi vinh quang và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng.
Thực ra, tất cả khung cảnh và những chi tiết diễn tiến của cuộc hiển dung đều đưa về viễn ảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Hơn nữa, được tác giả Mt trình thuật ngay sau sự kiện lần thứ nhất Chúa Giêsu báo trước cuộc Thương Khó (Mt 16,21) và ông Phêrô can ngăn Ngài (16,22), biến cố Chúa Giêsu hiển dung có mục đích chứng tỏ cho các môn đệ rằng số phận của Đấng Mêsia chính là “tư tưởng của Thiên Chúa” (16,23), là điểm đến của tất cả Cựu Ước, đồng thời cho thấy trước thực tại Phục Sinh, thực tại của sự sống siêu vượt trên đau khổ và sự chết.
“Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (c.1). Tác giả Mt, giống như trong Mc, cung cấp một chi tiết xác định về phương diện thời gian: sáu ngày sau. Chi tiết này có thể được giải thích theo những cách thức khác nhau. Ngày thứ sáu của tầun sáng tạo là ngày Thiên Chúa sáng tạo con người: tình trạng vinh quang mà Đức Giêsu sẽ hiển lộ được hiểu như là điểm đến của tạo thành, là sự thực hiện viên mãn chương trình của Thiên Chúa về nhân loại. Đồng thời, cũng như trong Mc, “sáu ngày” là kết quả tổng cộng các dữ kiện thời gian của cuộc khổ nạn: “còn hai ngày nữa” (Mt 26,2), “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men” (26,17) và “sau ba ngày” sẽ xảy đến cuộc phục sinh (27,63). Như thế, cuộc hiển dung diễn tả tình trạng tiếp sau cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Cũng có người muốn giải thích chi tiết “sáu ngày sau” này theo hướng quy về bản văn Xh 24,16, trong đó kể rằng sau sáu ngày mây bao phủ núi Sinai, đến ngày thứ bảy Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê. Theo hướng giải thích này, trình thuật Mt muốn làm nổi bật hình ảnh Chúa Giêsu là ông Môsê mới, Đấng sáng lập giao ước mới.
Bên cạnh dữ kiện thời gian, tác giả Mt còn cung cấp cho chúng ta một dữ kiện không gian của biến cố: một ngọn núi cao. Núi cao là biểu tượng cho nơi Thiên Chúa mạc khải, là nơi chốn của sự hiện diện và trao ban thần linh (x.5,1). Theo một cách hiểu từ truyền thống xa xưa, có lẽ đây là núi Tabor. Nhưng ngày nay nhiều người cho đó là núi Khermôn. Trong bản văn Tin Mừng, tác giả không nói rõ đó là núi nào. Có lẽ ông chỉ chú trọng đến ý nghĩa biểu tượng của “ngọn núi cao”, nơi xảy đến kinh nghiệm siêu nhiên về sự tỏ mình của Thiên Chúa. Ngọn núi cao này đối lập với ngọn núi cao mà quỷ dữ đã đưa Đức Giêsu lên để chỉ cho Ngài thấy vinh hoa lợi lộc của toàn thể các nước thế gian, và ở đó, quỷ hiện nguyên hình là thiên chúa giả trá và xảo quyệt; còn trên ngọn núi cao của cuộc hiển dung, vinh quang đích thực đến từ vị Thiên Chúa hằng sống, được hiển lộ uy nghi nơi Chúa Giêsu, báo trước vinh quang Phục Sinh của Ngài.
“Rồi Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (c.2). Dung nhan chói lọi như mặt trời là hình ảnh diễn tả hữu hình vinh quang của người công chính trong Nước của Chúa Cha (13,43). Đồng thời, hình ảnh này cũng gợi đến diện mạo rạng ngời của ông Môsê khi ông ở trên núi Sinai với Thiên Chúa (Xh 34,29-35). Y phục trắng tinh như ánh sáng, theo truyền thống văn chương khải huyền, là biểu hiện của vinh quang thiên thai dành cho những người được chọn của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh cho thấy người ấy thuộc về cảnh vực thần linh.
“Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người” (c.3). Sự xuất hiện của hai ông Môsê và Êlia là sự kiện xảy đến vì các môn đệ. Hai vị này là những người đã được phúc đón nhận mạc khải đặc biệt của Thiên Chúa. Họ là tượng trưng cho Luật và các ngôn sứ, tức là cho toàn bộ Cựu Ước, thực tại loan báo Nước Thiên Chúa (11,13) mà Chúa Giêsu sẽ hoàn tất (5,17). Ông Môsê và ông Êlia đàm đạo với Chúa Giêsu chứ không phải là với các môn đệ. Lề Luật và các Ngôn Sứ qui hướng về Đấng Mêsia. Ông Môsê và ông Êlia là những con người đã được phúc đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai xưa (Xh 33,17tt; 1V 19,9-13); nay, trên “ngọn núi cao” này, các ngài đàm đạo với Chúa Giêsu, Vị Người – Chúa, Đấng hoàn tất lời hứa và là điểm đến của tất cả Cựu Ước, Đấng mang nơi mình vinh quang của những người công chính trong Nước của Chúa Cha. Tác giả Mt không cho biết nội dung của cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với các ông Môsê và Êlia.
“Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (c.4). Ông Phêrô thưa với Đức Giêsu. Đề nghị của ông nối kết thị kiến ông đang được chiêm ngưỡng với lễ Lều, là một lễ có đặc tính Mêsia và đặc tính dân tộc chủ nghĩa. Ông Phêrô đề nghị một tổng hợp giữa Đấng Mêsia và Cựu Ước. Ông không đặt Môsê và Êlia trong tư thế tùy thuộc Đức Giêsu, nhưng là trên cùng một bình diện với Người khi ông nói: “một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Ông nhận biết tư cách Mêsia của Đức Giêsu (16,16) nhưng không muốn Người tách khỏi những phạm trù Cựu Ước. Ông chứng tỏ mình vẫn tiếp tục suy nghĩ theo những phạm trù của “loài người” (16,23). Có một cách hiểu khác về đề nghị của ông Phêrô ở đây. Ý tưởng về các chiếc lều trong câu nói của ông Phêrô là một ý tưởng có giá trị tôn giáo. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng ngự trong Lều Hội Ngộ trong suốt cuộc xuất hành của dân. Lều Hội Ngộ đã là hình ảnh tiên báo mầu nhiệm Thiên Chúa cư ngụ chung cục và mai hậu giữa con cái loài người.
“Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (c.5). Như câu trả lời cho đề nghị của ông Phêrô, một đám mây bao phủ lấy các ông. Trong Cựu Ước, đám mây là thực tại có tầm quan trọng đặc biệt về phương diện thần học. Đám mây là biểu tượng của sự hiện diện và vinh quang của Thiên Chúa (x. Xh 13,21; Ds 9,15). Trong Xh 24,15-18, ông Môsê đi vào trong đám mây đang bao phủ đỉnh núi, nơi vinh quang của Đức Chúa đang hiển ngự. Trong Xh 40,34-35 “đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm; ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm”. Vậy rõ ràng là trên núi hiển dung, có sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa và của thế giới thần thiêng mà những kẻ đang có mặt ở đó được mời gọi đi vào.
Tiếng phán từ đám mây lặp lại cho các môn đệ những lời đã được công bố trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa (3,17) và cho thấy tính cách độc nhất vô nhị của Chúa Giêsu. Không có bất cứ thực tại nào của Cựu Ước có thể so sánh được với Đức Giêsu. Tiếng phán từ đám mây còn thêm rằng: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Đức Giêsu là Môsê mới, mang nơi mình hình ảnh của vị ngôn sứ cánh chung đã được hứa xưa (x.Đnl 18,15), và là Đấng duy nhất mà người ta từ nay phải vâng nghe lời của Người. Các thực tại Cựu Ước mà ông Môsê và ông Êlia là đại diện, nay đã trở thành hoàn toàn tương đối. Cần nhớ rằng các ông Môsê và Êlia đã không ngỏ lời với ba môn đệ đang hiện diện, vì các môn đệ sẽ không phải nghe lời của một ai khác, ngoại trừ của một mình Chúa Giêsu mà thôi.
“Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (c.6). Phản ứng của các môn đệ diễn tả sự kinh hoàng và sợ hãi tột độ. Đó là phản ứng của những con người tôn giáo trong Cựu Ước, sợ hãi đến chết khiếp đi khi họ nhận được một sấm ngôn của Đức Chúa (Is 6,5; Đn 10,15.19). Rõ ràng các môn đệ ở đây vẫn còn suy nghĩ và phản ứng theo các phạm trù xưa cũ. Họ vẫn là nạn nhân của ý thức hệ tôn giáo mà họ đã lãnh nhận từ trước.
“Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” (c.8). Đức Giêsu, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (1,23), đến gần các môn đệ và chạm vào các ông như Ngài đã từng chạm vào những người bệnh và những thi thể kẻ chết (8,3.15; 9,25-29). Ngài mời gọi họ hãy trỗi dậy, như Ngài đã từng làm thế với con gái ông thủ lãnh trong 9,25.
“Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi” (c.8). Từ nay chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Chỉ một mình Ngài là Thầy dạy Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh cửu. Chi tiết này rất có ý nghĩa đối với Hội Thánh và mỗi người chúng ta. Nó cho biết đâu là điều cần thiết duy nhất đối với Hội Thánh: “chỉ còn một mình Đức Giêsu”. Chỉ một mình Đức Giêsu đang ở đây với các đồ đệ, và Người có lời ngỏ với Hội Thánh, còn nhiệm vụ của Hội Thánh là vâng theo lời ấy.
“Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: ‘Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy’” (c.9). Việc nói cho người khác những gì các môn đệ đã được thấy trên núi hiển dung, sẽ có thể gây ra sự hiểu lầm, vì những quan niệm sai lầm mà người đương thời đang có về Đấng Mêsia. Trái lại, sau khi Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, thị kiến này sẽ có thể giúp cho các môn đệ hiểu biết sâu sắc hơn những kinh nghiệm của các ông về mầu nhiệm Phục Sinh, và đàng khác, chính mầu nhiệm Phục Sinh sẽ lại là chìa khóa giải thích ý nghĩa đích thực của thị kiến mà họ được chứng kiến hôm nay trên núi hiển dung.
Ba môn đệ hiện diện hôm nay trên núi hiển dung cũng sẽ là ba môn đệ được chứng kiến những gì Đức Giêsu trải qua tại vường Ghêtsimani (26,37). Những gì họ vừa được trải nghiệm sẽ giúp họ hiểu thực tại bị che giấu phía sau những yếu tố kinh hoàng của cái chết thập giá của Ngài.
Trình thuật về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta hiểu mầu nhiệm vượt qua mà Ngài sẽ thực hiện tại Giêrusalem sau này.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.