Người dân Việt bỗng nhiên lắng lại sau vụ cá tôm chết trắng bờ miền Trung khi Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm thẳng thừng trả lời: “Chỉ được chọn một hoặc nhà máy, hoặc tôm cá”.
Những người có tinh thần quan tâm đến vận mệnh đất nước, chủ quyền lãnh thổ và danh dự con người Việt Nam lắng lại mất vài giây để cảm nhận hết sự trắng trợn – nhưng là sự thật – trong câu nói này. Chỉ lắng lại một lúc rồi bùng lên phẫn nộ.
Câu trả lời đầy tính thách thức đất nước này, dân tộc này nói lên nhiều điều.
Tiếng oan dậy đất
Từ cả tháng nay, cá chết đầy biển miền Trung từ Vũng Áng, Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên – Huế và các tỉnh khác. Các bè các thiệt hại hàng tỷ đồng, dân nuôi trồng thủy sản đau đớn nhìn tài sản đội nón ra đi. Ngư dân đưa thuyền lên bờ phơi nắng và nhịn đói. Tại Quảng Bình, hàng loạt người dân ăn cá đã phải vào bệnh viện cấp cứu… Nguy cơ ô nhiễm môi trường đã đến lúc trầm trọng.
Trầm trọng ở chỗ, cá là loài sinh vật mạnh mẽ, di chuyển năng động và nhanh chóng hòa nhập môi trường còn lăn đùng ra chết, thì các loại sinh vật khác ở môi trường này sẽ ra sao? Những sinh vật, thực vật biển không biết đi, biết chạy thì làm sao tồn tại.
Những tiếng kêu ai oán của người dân không đi đến đâu. Họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ về đời sống gia đình, xã hội và môi trường sống bị tiêu diệt mà không biết phải làm sao.
Đâu rồi những chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước kêu gọi xây dựng nông thôn mới, đời sống mới cho người dân.
Đâu rồi những cái miệng mở ra là “nuôi con gì, trồng cây gì”, hoặc “kết hợp phát triển tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn”… cứ leo lẻo như một bài học thuộc lòng từ mấy ông lãnh đạo đảng và nhà nước?
Vẫn còn đó, cái Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 08 năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ: Nuôi trồng thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững…
Rồi thì là “có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, quy trình nuôi sạch, tiết kiệm tài nguyên nước, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đối với các vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản tập trung… Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng và áp dụng công nghệ xử lý chất thải, nước thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực chế biến thủy sản” – Nghe nói hay và đẹp làm sao.
Nhưng khi người nuôi trồng thủy sản gặp hoạn nạn, thì gần cả tháng không thấy chính phủ và nhà nước can thiệp gì cho họ.
Án ngờ lòa mây
Vấn đề lại là ở chỗ, cho đến nay, sau cả tháng trời, một đất nước với hàng ngàn hàng vạn tiến sĩ, bộ nọ, ngành kia với 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về như tổng kết của ông Thủ tướng hiện nay… không thiếu một nhân viên quét rác nào, vẫn không hiểu được vì sao cá chết.
Mà hàng ngũ “trí thức XHCN” có ít đâu. Thậm chí, cả hệ thống đào tạo tiến sĩ với những lò đào tạo trung bình mỗi ngày 1 tiến sĩ vẫn không có một sản phẩm nào của những cái lò ấy biết tại sao cá chết, cứ mặc kệ mấy ngư dân vật lộn với cuộc sống và câu hỏi trong độc hại chết người.
Nhiều người đã phân tích rõ rằng: việc cá đã chết hàng loạt, đó là thảm họa môi trường hết sức nặng nề, không chỉ với loài cá mà là các loại động, thực vật khác. Ông PGĐ Sở NN & PTNT Quảng Bình Trần Đình Du, sau khi mổ xẻ, phân tích những con cá chết, đã khẳng định rằng cá chết do nhiễm độc. Bởi tất cả từ bên ngoài đến nội tạng cá không hề có những giập vỡ hoặc các hiện tượng dịch bệnh.
Sự oan uổng của người dân đã thấu tận trời xanh, báo chí vào cuộc mổ xẻ ồn ào, người dân lo ngay ngáy về nạn phá hủy môi trường sống của đất nước, dân tộc này.
Nhưng qua đó ta thấy gì?
Điều rõ nhất là sự thờ ơ của hệ thống “đảng, nhà nước, chính quyền nhân dân” mệnh danh là “của dân, do dân, vì dân” trước nguy cơ của không chỉ một vùng, mà là cả khu vực rộng lớn.
Báo Dân Trí cho biết, lãnh đạo Hà Tĩnh đã “tàng hình” trước nỗi đau này của người dân, lo chuyện bầu bán, ghế mâm… và người dân kêu trời rằng “Họ bỏ mặc chúng tôi”, “Chắc phải đợi dân chết rồi mới vào thị sát”.
Thậm chí, ngay sau khi Bộ NN& PTNT vừa ra công văn cấm ăn cá nhiễm độc, Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hà Tĩnh, sau một thời gian lặn mất tăm, đã lên báo chí kêu gọi người dân: cứ thoải mái ăn cá và tắm biển Vũng Áng. Một người dân đã gọi điện mời ông ta nhận cá về cho gia đình ăn và tắm biển rồi đưa lên mạng như ông ấy kêu gọi dân. Nhưng, đến giờ này chưa thấy ông đâu.
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải nói, trong trường hợp chưa xác định được độc tố khiến cá chết, thì việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khuyên người dân cứ yên tâm ăn cá, tắm biển là “không có kỹ năng sống và thiếu chuyên môn về khoa học”.
Còn ở trung ương, gần một tháng sau khi hiện tượng cá chết đồng loạt, TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng vào Hà Tĩnh, đến Công trình Formosa – một khu đất được mệnh danh là “Tô giới của Tàu” biệt lập đến mức ngay cả Vụ phó vụ nuôi trồng Thủy sản cũng không được vào vì “có yếu tố nước ngoài”.
Ông ta đến mang theo nỗi hy vọng của người dân về sự quan tâm của đảng và nhà nước, bởi ông ta tự nhận là người lãnh đạo cao nhất “được dân giao phó”(?).
Nhưng, ông ta đến, rồi đi, cạy răng không nói nửa lời về thảm họa dân đối mặt. Ông ta bình thản bước qua vùng của những người dân với cuộc sống đang bị đe dọa hàng ngày.
Ông ta quay mặt bước qua những thân phận bệnh nhân đang nằm la liệt trong bệnh viện vì ngộ độc cá biển.
Ông ta cười tươi, hý hửng với công trình Fomosa với cỡ hai sư đoàn quân của “bạn vàng” đang có mặt tại Fomosa.
Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
Lẽ ra, trước những thảm họa môi trường, điều cần thiết nhất, là tìm ra nguyên nhân sớm nhất, tích cực nhất để hạn chế hậu quả. Trước hết là cần nghi ngờ và kiểm tra ngay nguồn nghi ngờ gây ô nhiễm.
Thế nhưng, mấy ông lãnh đạo được hỏi, thì câu trả lời là “không biết” vì đây là khu vực “nước ngoài”.
Cho đến khi người dân tự đi lặn mò tìm nguồn ô nhiễm là đường ống dẫn nước thải thẳng ra biển của khu “Tô giới Formosa” hàng ngày xả lượng nước khổng lồ ra đáy biển bằng đường ngầm. Ngư dân khẳng định đường nước này đã xả thải từ sau tết và họ đã tận mắt chứng kiến nó xả nước thải từ trước đó rất lâu. Cho tới ngày 22-4, Formosa vẫn khẳng định chưa hề xả thải ra biển qua đường ống chìm dài tới 1,5km. Cả nước giật mình để ý đường ống ngầm này là gì?
Khi đó, quan chức nhà nước vội thanh minh: đấy là đường ống có phép, đúng quy trình.
Khi báo chí tìm ra rằng Formosa đã nhập về 300 tấn chất cực độc để sử dụng thời gian qua rồi thải ra biển, thì hệ thống nhà nước vẫn coi như chuyện nhỏ và không biết, mặc mấy ông đưa chất độc về thanh minh, thanh nga là chẳng hại gì.
Còn phía những người Việt Nam làm việc tại đó, họ sẵn sàng trả lời: “Nước thải đã được xử lý đúng quy trình” – lại cái quy trình(?). Dân càng hoang mang hơn.
Thậm chí một số quan chức, với học vị học hàm tiến sĩ, giáo sư còn ngồi nghĩ ra rằng: cá chết là do “đau đầu” bởi tiếng động. Có lẽ nên đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa, mục sáng tác truyện tiếu lâm(!)
Thế rồi, một đoàn của chính phủ gồm mấy bộ cũng được thành lập để vào kiểm tra và việc kiểm tra này được thông báo trước có… 4 ngày. Trong khi nước biển vẫn trôi, nước sông vẫn chảy, chất độc vẫn cứ hòa tan và lan đi… và trong khu “Tô giới” họ làm gì thì đó là việc của họ.
Người dân nghe tin này, cười nửa miệng: Bốn ngày? Cần gì nhiều thế, thường thì những hành động lén lút nếu có, chỉ cần vài ngày cũng đủ phi tang chứ cần gì lâu thế cho họ căng thẳng ra làm gì.
Thế rồi, hôm nay như một tin vui cho đoàn cán bộ kiểm tra: ông Giám đốc đối ngoại Formosa chẳng cần giấu diếm hoặc loanh quanh gì nữa, huỵch toẹt trước Đài truyền hình rằng: chỉ có một lựa chọn, hoặc nhà máy, hoặc tôm cá, môi trường. Thậm chí, ông ta còn lý luận: tại sao lại không tiếc những mảnh ruộng lúa tươi tốt, lại tiếc cái tôm, cá thủy sản… Sở dĩ là tin vui, vì đỡ mất công điều tra chi cho mệt.
Như vậy có nghĩa là ông ta nói thẳng: tôm, cá, biển chết, không ruộng vườn tươi tốt… nghĩa là môi trường bị hủy hoại, là cái phải chọn lựa cho việc bán đất bán biển cho Tàu vào đây. Đơn giản thế đỡ phải thắc mắc.
Nói cách khác là cách ông ta thú nhận: tao đấy, tao đổ xả nước thải vào đấy, tôm cá chết chứ người chết cũng cứ vậy mà chấp nhận đi nhé. Được cái này, phải mất cái kia.
Đúng hướng?
Khi ông Nguyễn Phú Trọng vào Hà Tĩnh, câu nói mà người ta nghe được từ ông là: Hà Tĩnh đã đi đúng hướng.
Vậy hướng đó là hướng nào?
Một khu vực, rộng lớn, nằm ở vị trí tử huyệt về an ninh, quốc phòng được giao cho Tàu 70 năm, được bao quanh bằng mọi biện pháp cẩn mật bất khả xâm phạm và những đường ngầm ra biển, với đội quân người Tàu khoảng 2 sư đoàn. Nên nhớ rằng, cách đó chỉ 300 km, nghĩa là cách 4 giờ tàu biển, là căn cứ Tam Á, căn cứ quân sự lớn nhất của Tàu.
Cũng nên nhớ rằng, đoạn Vũng Áng, là đoạn gần hẹp nhất theo bề rộng đất nước, nghĩa là khi bị ngăn cách, thì nửa đất nước Việt từ đó trở ra sẽ rất dễ biến thành một loại như Criema của Ucraina đã gia nhập Nga cách đây 2 năm.
Một khu công nghiệp khổng lồ được đầu tư ở nơi này, mà bất chấp môi trường bị hủy hoại, mạng sống người dân bị đe dọa, thì sự phát triển nếu có, cũng chỉ là sự phát triển tiêu diệt mà thôi.
Đến đây, ta chợt nhớ câu Kiều, của một Đại thi hào Hà Tĩnh – Nguyễn Du:
Phép công chiếu án luận vào .
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình.
Một là cứ phép gia hình,
Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Và người dân Việt chỉ được chọn một trong hai khả năng: Chết từ từ, hoặc làm nô lệ.
Video tổng hợp từ báo chí về vụ việc:
Hà Nội, ngày 25/4/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh