Đừng để bị lừa (suy niệm Tin Mừng – thứ Ba 22/11/2016)

Bài Tin Mừng Lc 21,5-19 nói đến tương lai dành cho các đồ đệ của Chúa, và nói đến cách hành xử đúng đắn của người đồ đệ trong hoàn cảnh tương lai ấy. Chúa dạy chúng ta đừng để bị lừa dối bởi những ngôn sứ và thày dạy giả hiệu, và đừng sợ hãi khi thấy những dấu hiệu xảy ra trước cuộc tận thế.

20161121 Gierusalem sup doNhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước? ”  Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”

Bài Tin mừng được bắt đầu bằng sấm ngôn của Đức Giêsu về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem. Nghe sấm ngôn đó, mấy người trong đám đông đặt Đức Giêsu trước một câu hỏi theo viễn tượng khải huyền: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có dấu hiệu gì báo trước?” (c.7).

Tuy nhiên, thay vì đưa ra một câu trả lời thỏa mãn khuynh hướng tìm kiếm các dấu hiệu và tính toán ngày giờ sẽ xảy đến các biến cố, thì Đức Giêsu lại mời gọi các đồ đệ phải đề phòng kẻo bị lừa dối và phải đừng sợ hãi. Rõ ràng câu trả lời đầu tiên này đã không được thánh Luca biên soạn theo viễn tượng khải huyền của câu hỏi. Tác giả không muốn người đọc hiểu lời cảnh báo mang tính ngôn sứ của Đức Giêsu về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem theo nghĩa cánh chung và khải huyền.

Lời cảnh báo thứ nhất kêu gọi đừng để bị lừa dối bởi những kẻ mạo danh Đức Giêsu (c.8). Có lẽ khi viết lại lời cảnh báo này, thánh Luca không nghĩ trước hết đến những kẻ tự xưng là Mêsia vốn xuất hiện nhan nhản tại Palestina trước và trong thời kỳ chiến tranh Do Thái (x. Cv 5,37; 21,38), nhưng là những ngôn sứ và thày dạy giả hiệu xuất hiện trong các cộng đoàn Kitô hữu. Sự xuất hiện của các ngôn sứ giả này không phải là dấu hiệu của thời cùng tận, nhưng là sự tình vẫn thường có trong lịch sử Hội Thánh. Cũng tương tự như vậy, chiến tranh và loạn lạc không phải là những dấu hiệu của thời cùng tận (c.9).

Và Đức Giêsu kêu gọi: “Đừng sợ hãi”.

Chúng ta không thể chắc chắn về tương lai, hơn nữa, chúng ta không muốn những tai họa hay những yếu tố bất thường trong tương lai ập xuống trên chúng ta. Chính vì thế, chúng ta dễ bị lừa gạt khi có những người tỏ ra nắm chắc tương lai trong tay, hoặc nghĩ rằng họ có đủ quyền năng mang lại một tương lai hạnh phúc với những chương trình và hệ thống của họ. Những kẻ ấy lừa dối mọi người, vì thực ra, chỉ có một Đấng biết rõ tương lai thế nào, và là Đấng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa nhiệm vụ dẫn đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành toàn. Đó là chính Đức Kitô Giêsu.

Các đồ đệ được dặn đừng để mình bị lừa dối bởi những kẻ mạo danh của Người. Cho dù họ không cảm thấy Người hiện diện một cách tỏ tường bên mình nữa, và không được đón nhận trực tiếp từ Người những lời giáo huấn và dạy dỗ nữa, nhưng họ vẫn tin vào lời của Người, lời mạc khải rằng Thiên Chúa có quyền tuyệt đối trên mọi sự và rằng Thiên Chúa luôn thực thi quyền năng yêu thương nơi Đức Giêsu Kitô.

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có những cơn đói kém và ôn dịch; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và dấu lạ lớn lao từ trời xuất hiện(cc.10-11). Đoạn văn này đặt người đọc trực tiếp đối diện với những dấu hiệu đi trước thời cùng tận. Đó là những thực tại thuộc về lãnh vực chính trị, thuộc về thế giới tự nhiên và mang tầm mức vũ trụ.

Lần này, thánh Luca giữ nguyên ngôn ngữ và những hình ảnh khải huyền. Và bằng cách thêm vào ngữ đoạn “rồi Người nói tiếp” ở đầu c.10, thánh Luca muốn cho thấy diễn từ ở cc. 10-11 này không liên tục với câu trả lời ở cc.8-9, và cần phải được hiểu trên một bình diện khác với cc.8-9. Nói cách khác, nếu ở cc.8-9 là những thực tại xảy đến trước thời cùng tận, thì ở cc.10-11 lại là những lời nói về các dấu hiệu mang tầm mức vũ trụ của thời cùng tận. Đây là những dấu hiệu xảy ra trước cuộc Quang Lâm.

Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết