
ĐTC Phanxicô cầu nguyện tại Auschwitz vào ngày 29 tháng 7 năm 2016 (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Hôm Thứ Hai 27/1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mgọi người dành một chút thời gian để cầu nguyện và hồi tưởng nhân Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân vụ Diệt chủng Holocaust.
Ngày 27 tháng 1 đánh dấu kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau.
Trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến năm 1945, chế độ Đức Quốc xã đã sát hại 1,1 triệu người tại Auschwitz, nhiều người đã bị giết trong các buồng khí ngay khi được đưa đến trại tập trung. Sáu triệu người Do Thái đã chết trong vụ thảm sát Holocaust.
“Đứng trước thảm kịch nghiêm trọng này, sự tàn bạo này, sự thờ ơ là hoàn toàn không thể chấp nhận và việc tưởng nhớ các nạn nhân là điều bắt buộc”, ĐTC Phanxicô chia sẻ hôm 26 tháng 1 trong bài phát biểu trong giờ kinh Truyền Tin của mình.
Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người dành một khoảnh khắc trong ngày kỷ niệm sự kiện này để cầu nguyện và tưởng nhớ các nạn nhân với việc “mỗi người tự nhủ thầm rằng: ‘Đừng bao giờ, đừng bao giờ để cho điều này xảy ra nữa!”.
Trong một cuộc họp với Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức nhân quyền của người Do Thái, tuần trước, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại chuyến viếng thăm trại tập trung của Đức Quốc xã tại Ba Lan năm 2016:
“Tôi đã đến đó để suy ngẫm và cầu nguyện trong thinh lặng. Trong thế giới của chúng ta, với cơn lốc xoáy của những hoạt động, chúng ta khó có thể dừng lại, nhìn vào bên trong và lắng nghe trong sự thinh lặng trước lời cầu xin thống thiết của nhân loại đang đau khổ”.
“Nếu như chúng ta đánh mất ký ức, chúng ta sẽ phá hủy tương lai của chúng ta. Chớ gì dịp kỷ niệm về sự tàn ác không thể kể xiết mà nhân loại đã phải trải qua cách đây 75 năm trước đóng vai trò như là một lời hiệu triệu để tạm dừng lại, để thinh lặng và hồi tưởng. Chúng ta cần phải làm điều này, kẻo chúng ta trở nên thờ ơ”, ĐTC Phanxicô nói.
ĐTC Phanxicô cũng lên án “sự hồi sinh dã man” của các trường hợp của chủ nghĩa bài Do Thái trên thế giới, và đồng thời thúc giục sự cần thiết cần phải tôn trọng phẩm giá của mỗi người.
“Ở nhiều nơi trên thế giới, điều đáng lo ngại đó chính là sự gia tăng sự ích kỷ và thờ ơ, thiếu sự quan tâm đối với người khác và thái độ nói rằng cuộc sống trở nên tốt đẹp miễn là nó tốt cho tôi, và khi mọi thứ trở nên tồi tệ, sự giận dữ và ác ý bắt đầu nảy sinh”, ĐTC Phanxicô chia sẻ hôm 20 tháng 1.
“Điều này tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các hình thức của chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa dân túy mà chúng ta có thể nhận thấy xung quanh chúng ta, nơi mà lòng thù hận nhanh chóng trỗi dậy”, ĐTC Phanxicô nói. “Thậm chí ngay cả gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự hồi sinh dã man của các trường hợp của chủ nghĩa bài Do Thái. Một lần nữa tôi kiên quyết lên án tất cả mọi hình thức của chủ nghĩa bài Do Thái”.
Hội nghị của Hội đồng Giám mục Châu Âu và Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu cũng đã tố cáo chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại trong một tuyên bố vào ngày 25 tháng 1 đánh dấu kỷ niệm sự kiện này.
“Vào giờ phút giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau, chúng ta hãy thắp nến và cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho những người đã bị sát hại trong các trại tử thần thuộc tất cả các quốc tịch và tôn giáo và cho những người thân của họ. Hãy để cho những lời cầu nguyện của chúng ta mở rộng sự hòa giải và tinh thần huynh đệ, mà trong đó điều đối nghịch đó chính là sự thù địch, những cuộc xung đột tàn phá và những hiểu lầm đã được thúc đẩy”, các Giám mục khuyến khích.
“Các cuộc chiến tranh tàn khốc, việc diệt chủng, sự đàn áp và các hình thức khác nhau của chủ nghĩa cuồng tín vẫn đang diễn ra, mặc dù lịch sử dạy chúng ta rằng bạo lực không bao giờ dẫn đến hòa bình, nhưng ngược lại, làm nảy sinh thêm nhiều bạo lực và sự chết chóc hơn” các Giám mục cho biết thêm. “Chớ gì sức mạnh tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng nơi mỗi người chúng ta”.
Minh Tuệ (theo CNA)