Đặc tính của thời đại mới khai mạc bởi Phục sinh là đổi mới các tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người. Chính Đức Yêsu là giao điểm các mối tương quan ấy, đến đỗi từ đây đối với Israel, tất cả mọi đường giây liên lạc với Thiên Chúa cũng như con người cứu độ bó buộc phải đi qua Ngài:
Hai nguồn liệu lịch sử đã giữ lại cho chúng ta tư tưởng của các Tông đồ về việc Phục sinh của Chúa Yêsu trong công thức nguyên sơ của chúng:
- Thư I Côrintô (15.3-5)
- Và Công vụ Tông đồ (2. Thư của vị Tông đồ 22-36; 3.12-26; 4.9-12; 10. 34, 43).
Côrintô
- Dân ngoại ra đời trước sách Công vụ Tông đồ:
“Tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chúng tôi cũng đã chịu lấy là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại ngày thứ ba, theo lời Kinh Thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai…”.
+ Tử nạn đền tội, còn Phục Sinh? …
Đoạn thư có hình dạng một công thức. Nó trình bày một truyền thống kỳ cựu mà vị Tông đồ đã lãnh nhận. Như thế truyền thống này đã có trước khi ông trở lại đạo.
Truyền thống này nhìn nhận cái chết của Chúa Yêsu có giá trị đền tội. Nhưng về sống lại, chỉ kê ra sự kiện, tuy có nêu rõ tầm quan trọng của nó nhờ các nhân chứng được đưa ra làm hậu thuẫn.
Chúng ta có nên kết luận rằng: lời rao giảng tiên khởi chỉ đứng trong lằn mức quả quyết có sự kiện Phục sinh thôi chăng? Nhưng nếu Phục sinh chẳng tỏ ra có ý nghĩa gì đặc biệt thì đâu các Tông đồ có lấy nó hợp với việc Tử nạn mà dạy như một đạo lý căn bản!
Khi tài liệu im tiếng, chưa phải là lý do để kết luận chẳng có ai phê phán gì về giá trị của việc Phục sinh. Im lặng kia có thể giải thích như sau: Việc lượng giá theo mặt đạo lý về biến cố Phục sinh chưa chín muồi đủ để tìm được một công thức gọn ghẽ mà diễn tả, đang khi bên cạnh, việc lượng giá về vai trò cuộc tử nạn ít phức tạp và dễ phát biểu hơn (1).
Công vụ Tông đồ
Còn trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca đã giữ lại cho ta một số những diễn từ của thánh Phêrô nói trước đám đông Dothái, ngay sau cuộc Phục sinh của Chúa Yêsu, và một diễn từ khác nói cho người ngoại giáo ít lâu sau.
Xét về mặt văn chương và nội dung tư tưởng, những đoạn văn này có liên hệ, theo ý thánh Luca, với những lời Chúa Kitô dạy dỗ các Tông đồ trong 40 ngày sau sống lại.
+ Làm Tông đồ để rao giảng Đức Yê su Phục Sinh
Trong diễn từ thứ nhất nói giữa đại hội anh em, thánh Phêrô để tâm tình một người thay thế cho Yuđa phản bội, và đồng thời làm chứng nhân có uy tín không thể chối cãi về cuộc Phục sinh của Chúa Yêsu.
Ông kê ra những điều kiện người được tiến cử phải có để “làm chứng cho sự sống lại” của Đức Yêsu (1. 22). Xét theo đó, lời rao giảng của các Tông đồ sẽ là một sứ điệp về Phục sinh (2).
+ Phục Sinh là bằng chứng về Đấng Thiên sai
Thật vậy, ngày lễ Hiện xuống, thánh Phêrô khai mạc lời rao giảng Kitô giáo tiên khởi, khi ông công bố: Đức Yêsu thành Nadarét đã Phục sinh. Rồi trong các phần sau, việc Phục sinh vẫn là chủ đề chính của bài giảng: Mọi người Dothái đều biết đến đời sống của vị Ngôn sứ Yêsu ít ra bởi tin đồn. Họ biết Ngài chết trên thập giá. Và vị tông đồ loan báo cho họ biết: Chính Ngài đã Phục sinh (2. 24-32; 3. 15).
Không thấy đả động đến giá trị đền tội của cuộc Tử nạn trong chứng từ thuở đầu ấy. Vị tông đồ chỉ gắng làm tiêu tan mối vấp phạm do cái chết thập tự giá nhờ nại vào ý định của Thiên Chúa (2.23; 3.18). Một ý định hãy còn hàm chứa một mầu nhiệm chưa được tỏ lộ.
Còn việc Phục sinh đối với Đức Yêsu, nó vừa giàu ý nghĩa riêng, lại vừa có tầm vóc thiên sai. Trước hết, Phục sinh là sự tôn vinh của Đấng bị đóng đinh:
“Thiên Chúa của … cha ông chúng ta đã tôn vinh Tôi Tớ Người, Đức Yêsu, kẻ các ông đã nộp… đã giết đi” (3.13-15).
Các lời tiên báo về thời thiên sai đều hướng về, và ứng nghiệm trong việc Phục sinh! Đức Yêsu thành Nadarét là Đấng Thiên sai: việc Phục sinh của Ngài là bằng chứng, và việc ấy khai mạc thời sau hết (2.17):
“Vậy xin toàn thể nhà Israel hãy biết chắc là: Thiên Chúa đã đạt làm CHÚA và làm KITÔ (Cứu thế thiên sai) Đức Yêsu mà các người đã đóng đinh kia” (2.36).
“Chính Ngài là viên đá đã bị các ông là thợ xây khinh màng, thì đã hóa thành đá đỉnh góc” (4.11).
+ Các phúc lành thời Thiên sai được bảo đảm
Sau việc chữa lành người què ở cửa HOA Đền thờ, thánh Phêrô quảng diễn đề tài sau đây:
Những ngày trọng đại được Môsê và tất cả các Ngôn sứ khởi từ Samuel loan báo đã đến: bây giờ Thiên Chúa sai đến cho con cháu Abraham Đức Yêsu, Tôi tớ của Người, với đầy đủ các phúc lành đã hứa cho Tổ phục khi xưa (3.22-26). Đã đành chưa phải là thời cánh chung, “thời buổi thanh nhàn” và “thời phục hồi vạn vật” (3.20-21). Việc thành tựu viên mãn ấy chỉ được thể hiện nhờ cuộc trở lại của Đức Yêsu lần thứ hai trên trần giới, nhưng đã được đảm bảo ngay rồi cho người Israel bởi việc Ngài hiện thời được tôn vinh. Vì từ đây, Đức Yêsu được lập làm Đấng Cứu tinh của họ và cho họ.
+ Đức Yêsu Phục Sinh ban Thần khí
Nét độc đáo của Đấng Phục sinh, nét biểu lộ tính thiên sai của Ngài là quyền trên các ơn sủng thiên hình vạn trạng của Thần khí (2.33). Dấu hiệu thời sau hết đã tới: đó là việc đổ tràn Thần khí (2.16t) trong đó chứa đựng tất cả mọi ơn huệ của lời hứa. Thần khí chính là Lời Hứa hiện thân (1.4-8; 2.33).
+ Đức Yêsu Phục Sinh giao điểm các mối tương quan
Đức Kitô thi hành quyền bính của Ngài không theo quan niệm thiên sai đương thời, nặng mầu sắc vật chất và chính trị. Đặc tính của thời đại mới khai mạc bởi Phục sinh là đổi mới các tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người. Chính Đức Yêsu là giao điểm các mối tương quan ấy, đến đỗi từ đây đối với Israel, tất cả mọi đường giây liên lạc với Thiên Chúa cũng như con người cứu độ bó buộc phải đi qua Ngài:
“Ngài chính là viên đá đã bị các ông là thợ xây khinh màng, thì đã hóa thành đỉnh góc. Và hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được ơn cứu thoát” (4.11-12).
Ở đây, sự cứu độ được nêu ra dưới khía cạnh tiêu cực: Ơn tha tội:
“Thiên Chúa đã nhắc Ngài lên bên hữu Người để ban cho Israel ơn hối cải và tha tội” (5.31).
Phúc lành hứa cho Abraham được Đấng Phục sinh mang tới cho Israel dưới dạng ơn hối cải và tha tội (3.26). Kèm với tha thứ tội được ban vì Danh Ngài (2.38; 10.43), Đức Yêsu trao ban Thần khí tràn đầy đặc sủng (2.33,38).
Tóm Kết
Ở buổi đầu việc rao giảng của các Tông đồ, cuộc tôn vinh của Chúa Yêsu tỏ ra là một sự kiện chủ yếu, mầu nhiệm then chốt khai mạc thời Đấng Thiên sai. Sự cứu độ của dân phát sinh từ cuộc tôn vinh ấy. Ơn cứu độ đến cho những ai kêu khấn danh vì Yêsu mà “Thiên Chúa đã đặt làm Chúa và làm Kitô” (2.36). Ý tưởng về cuộc Tử nạn đền tội có phớt qua đấy, khi vị Tông đồ công bố ơn tha tội của Thiên Chúa được ban trong Danh Chúa Yêsu, song không quả quyết mạnh mẽ. Nguồn ơn cứu độ, chính là Đức Yêsu được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa sau cái chết đóng đinh bởi người Dothái.
Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.
trong “Đức Yêsu Phục Sinh – Mầu Nhiệm Cứu Độ”