Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine phát biểu về tình hình ở Ukraine bị chiến tranh tàn phá tại một sự kiện trực tuyến do Giáo hoàng Học viện Đông Phương ở Rôma tổ chức, có sự tham gia của các Đức Hồng y Leonardo Sandri và Đức Hồng y Michael Czerny.
Cuộc xâm lược tàn bạo đang diễn ra của Tổng thống Nga Putin là một “cuộc chiến hủy diệt hoàn toàn” và không có lời biện minh nào, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk Địa phận Kyiv- Halyč cho biết hôm thứ Ba.
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Ukraine đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn này từ Kyiv tại một hội thảo trực tuyến do Giáo hoàng Học Viện Đông Phương tổ chức ở Rôma. Đức Tổng Giám mục Shevchuk là diễn giả chính tại sự kiện, với tựa đề “Vai trò của Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Ukraine trong bối cảnh chiến tranh”.
Nhìn cuộc chiến ở một góc độ khác
Hội thảo trực tuyến là cơ hội để tìm hiểu về tình hình đất nước và công việc của Giáo hội đối với những người tị nạn, những người tản cư trong nước và tất cả những người đã rơi vào cảnh nghèo đói do hậu quả của chiến tranh. Cho đến nay, cuộc xung đột đã buộc khoảng 13 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để đến những nơi an toàn hơn, ở Ukraine hoặc ở nước ngoài.
Đức Tổng Giám mục Địa phận Kyiv-Halyč đã được yêu cầu trình bày tổng quan về tình hình hiện nay ở Ukraine theo một quan điểm khác, đó là về các Giáo hội địa phương đang đau khổ. Mô tả của Đức Tổng Giám mục Shevchuk quả thực đã gây ấn tượng sâu sắc.
Thảm họa hủy diệt và nhân đạo
Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết rằng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, khoảng 1.300 quả rocket đã được các lực lượng Nga phóng vào lãnh thổ Ukraine. Các vụ đánh bom vào các thành phố và thị trấn nhắm vào các cơ sở hạ tầng, các khu dân cư và thậm chí cả bệnh viện được tiến hành liên tục và có sức tàn phá khủng khiếp, cụ thể là ở thành phố Mariupol đau khổ cùng cực, cũng như ở Kharkiv, Chernihiv và Kyiv, cùng những nơi khác.
Trong lời chứng của mình, Đức Tổng Giám mục Shevchuk tuyên bố rằng viện trợ nhân đạo bị ngăn cản tiến vào Mariupol dẫn đến nhiều người chết vì đói.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng đã nói về hành động cưỡng bức trục xuất bị cáo buộc đối với hàng nghìn công dân Ukraine đến các vùng hẻo lánh ở Nga, mà theo ngài, nhắc nhở chúng ta về những năm tháng đen tối nhất của chế độ Stalin ở Liên Xô.
Giáo hội trợ giúp tất cả mọi người
Tuy nhiên, vị Giám chức Ukraine đã bày tỏ niềm tự hào trước thực tế là các Linh mục và Giám mục đã tiếp tục ở lại để giúp đỡ người dân của họ, cũng như sự can đảm của người dân Ukraine trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cũng nhắc lại lòng biết ơn của mình đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh vì sự ủng hộ của họ và “làm mọi thứ có thể để ngăn chặn vụ thảm sát những người vô tội này ở Ukraine”.
Đề cập đến việc việc Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến hai quốc gia Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 25 tháng 3, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết rằng cử chỉ này cũng được nhiều tín hữu Chính thống đánh giá cao: “Việc thánh hiến quốc gia này cho Đức Mẹ, sự hiện diện này, sức mạnh này của Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội giữa chúng ta quả thực hết sức quan trọng”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nhấn mạnh.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk đã kết thúc bài chia sẻ đầy xúc động của mình bằng những lời hy vọng.
“Tôi cảm thấy có nhiệm vụ trở thành một nhà thuyết giảng về niềm hy vọng. Một niềm hy vọng không đến từ các cường quốc quân sự. Một sức mạnh không phát xuất từ ngoại giao. Nhưng một sức mạnh xuất phát từ đức tin”.
Đức Hồng y Sandri
Cùng tham gia sự kiện này, trong số những người khác, còn có Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo hội Đông Phương, và Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng Trưởng lâm thời của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, người đã được cử làm Đặc phái viên Giáo hoàng tới biên giớicủa Ukraine hai lần kể từ khi chiến tranh bùng nổ.
Trong bài phát biểu giới thiệu của mình, Đức Hồng Y Sandri lưu ý rằng cuộc chiến kéo dài một tháng ở Ukraine là một “sự lặp lại quá khứ đáng buồn”, không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với châu Âu cũng như toàn thế giới “vốn dường như chẳng học được gì, thậm chí ngay cả từ lịch sử gần đây, nỗi kinh hoàng gây ra bởi sự tàn phá của chiến tranh và sự điên cuồng mù quáng và hủy diệt của các loại vũ khí”.
Vị Giám chức Vatican nhấn mạnh vai trò của Giáo hội Công giáo Hy Lạp-Ukraine cũng như toàn thể Giáo hội trong bối cảnh chiến tranh, đồng thời nhắc lại sự gần gũi và ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tất cả những người đau khổ trong cuộc xung đột.
“Trong những tuần lễ gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng cho những người đau khổ, lên án hành động gây hấn và cuộc xâm lược, đồng thời yêu cầu sự liên đới hữu hiệu của các cộng đồng Kitô giáo và toàn thế giới, không chỉ hôm nay mà còn trong tương lai gần, với tất cả những người là những nạn nhân của cuộc xung đột này, những người đã bị đẩy vào cảnh đói nghèo, những người phải sống trong cảnh bom đạn hoặc bị buộc phải ra đi để cứu lấy gia đình của họ”.
Do đó, Đức Hồng Y Sandri bày tỏ hy vọng chân thành rằng hòa bình, công lý và các quy tắc của luật pháp quốc tế sẽ được khôi phục sớm nhất có thể và những vết thương do xung đột để lại sẽ được chữa lành.
Đức Hồng y Czerny
Về phần mình, Đức Hồng Y Czerny đã nói về điều mà ngài gọi là sự chú ý đến “những Thiên thần của sự chào đón đầy anh dũng” mà ngài đã gặp gỡ trong các chuyến đi gần đây đến Hungary và Slovakia, nơi có nhiều người tị nạn Ukraine đang kéo đến.
“Chúng ta dễ dàng gọi họ là ‘Thiên thần’, những người đã nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ những người xa lạ đang gặp khó khăn, thường là những người vô danh”. Họ là những gia đình “linh mục” cũng như các tu sĩ nam nữ, linh mục và giám mục độc thân, và nhiều anh chị em giáo dân thiện nguyện”.
“Những người cung cấp sự chăm sóc và chào đón chắc chắn là những thiên thần anh hùng, nhưng họ không phải là những người duy nhất”, Đức Hồng y Czerny cho biết thêm. “Kinh Thánh khuyến khích chúng ta nhìn một cách sâu sắc hơn và nhận ra rằng những người đang đến, những người đang chạy trốn, những người đang tìm kiếm nơi trú ẩn, cũng có thể là các thiên thần ẩn giấu. Thư gửi tín hữu Do Thái cảnh báo chúng ta: ‘Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết’”, Đức Hồng y Czerny nói.
Thiên Ân (theo Vatican News)