Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine đã phát biểu với Vatican News về 1.000 ngày chiến tranh toàn diện ở đất nước này, đồng thời cho biết rằng khả năng phục hồi của người dân Ukraine chính là giải pháp cho nhiều sự bất công hiện nay trên thế giới.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk đã nói về sự đau khổ nhưng đồng thời cũng nói nhiều hơn về niềm hy vọng khi ngài suy ngẫm về 1000 ngày chiến tranh đã tàn phá đất nước của ngài, Ukraine, kể từ tháng 2 năm 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine đã nhắc lại lời lên án cuộc chiến, đồng thời mô tả đây là cuộc chiến “vô nhân và phạm thánh”.
Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của mình thay mặt cho người dân Ukraine rằng thế giới đừng bỏ rơi họ: “Đừng bỏ rơi chúng tôi một mình”, vị Giám chức nói. “Hãy tiếp tục sát cánh cùng với chúng tôi, ngay cả trong thinh lặng”.
Cảm xúc chủ đạo của người dân Ukraine hiện nay là gì sau 1000 ngày chiến tranh, cũng như những cuộc tấn công gần đây nhất của Nga?
Nếu chúng ta nói về cảm xúc, một mặt, có một cảm giác đau đớn sâu sắc ngày càng tăng. Mọi người bị tổn thương sâu sắc vì, mỗi ngày, chúng tôi buộc phải chứng kiến diện mạo khủng khiếp của chết chóc và sự hủy diệt. Mặt khác, khi nhìn vào cách chúng tôi đã trải qua 1000 ngày vừa qua, cảm giác chủ đạo là hy vọng – hay đúng hơn là đức tính và khả năng bám víu vào niềm hy vọng. Bởi vì nếu không có hy vọng, không thể sống ở Ukraine hiện nay. Khi chúng ta thấy cách những công nhân cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine bắt đầu lại sau mỗi cuộc tấn công bằng tên lửa và sửa chữa thiệt hại trong vòng vài giờ, hoặc cách các bác sĩ của chúng tôi, bất chấp nguy hiểm, giải cứu mọi người khỏi những ngôi nhà bị phá hủy và cứu sống họ—thì, bên cạnh sự đau khổ, vẫn có hy vọng. Hy vọng nảy sinh từ những người thuộc các ngành nghề, nhóm xã hội và khu vực khác nhau của Ukraine.
Nhiều người Ukraine nói rằng chiến tranh đã thay đổi họ một cách sâu sắc. Theo quan điểm của ngài, Giáo hội Ukraine đã trải qua những thay đổi hoặc biến đổi nào? Và những kinh nghiệm này có thể chia sẻ với các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới như thế nào?
Khi chiến tranh nổ ra và chúng tôi đột nhiên thấy mình phải sống dưới cảnh bom đạn, chúng tôi đã trải qua một cú sốc nặng nề. Nhiều nhà tâm lý học và nhà khoa học xã hội, cũng như chúng tôi, từ góc độ tâm linh, đều đồng tình rằng cú sốc này là một sự khởi đầu mới tốt đẹp: trong khoảnh khắc, mọi mối tương quan của con người đều tan vỡ, và mọi thứ chúng tôi từng hiểu, từng biết và từng sống theo cho đến thời điểm đó đều bị phá hủy. Sự khởi đầu mới này dẫn đến sự đổi mới vì chúng tôi phải xây dựng lại các mối quan hệ của mình, trước tiên là với chính mình—mỗi người phải tự hỏi: “Tôi là ai? Tôi nên làm gì?”. Mọi mặt nạ và vẻ bề ngoài đều biến mất, để lộ bản chất sâu xa của nhân loại trong cả sự vĩ đại lẫn mong manh của nó. Sự xáo trộn này cũng gây ra một hiện tượng khác: đánh mất và tái khám phá mối tương quan của chúng tôi với Thiên Chúa.
Khi bạn trải qua cảnh bom đạn, nhà cửa rung chuyển, và tiếng gầm rú khủng khiếp của bom đạn, bạn cảm thấy như mình bị ném vào bóng tối tâm linh, kêu lên rằng: “Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Tại sao Ngài bỏ rơi con?” giống như Chúa Giêsu trên Thập giá. Tuy nhiên, Thiên Chúa dường như vắng mặt trong khoảnh khắc đó đã tỏ mình ra, và Giáo hội chứng kiến một sự hoán cải sâu sắc—một sự hoán cải của các Linh mục, Giám mục, tu sĩ và tín hữu, cũng như những người ở xa Giáo hội. Con người tái khám phá Thiên Chúa như là nguồn mạch sự sống của mình giữa thảm họa và đau khổ. Đây là bản chất của đời sống tâm linh và Giáo hội: sự mất mát và tìm lại, vượt qua sự hủy diệt và xuất hiện ở một thế giới, xã hội hoặc quốc gia khác. Đó là lý do tại sao mọi người đều nói rằng Ukraine tồn tại trước ngày 24 tháng 2 năm 2022, không còn tồn tại nữa. Chúng ta phải tái khám phá dân tộc này, đất nước này và Giáo hội của Chúa Kitô giữa họ.
Món quà quý giá nhất của Thiên Chúa chính là sự sống. Ở Ukraine, nhiều gia đình đau buồn vì mất đi những người thân yêu đã ngã xuống ở tiền tuyến hoặc trong các vụ đánh bom. Giáo hội giúp mọi người tiếp tục yêu thương và bảo vệ sự sống như thế nào?
Trong những hoàn cảnh này, chúng ta cảm thấy như đang chìm đắm trong sự đau khổ tột cùng. Sự đau khổ của con người là một mầu nhiệm, và Giáo hội noi theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi vào vực sâu của sự đau khổ của con người để chỉ ra lối thoát. Chúng tôi đã học được một số bài học quan trọng.
Đầu tiên là đừng vội nói rằng: “Tôi hiểu anh”. Nhiều người ở nước ngoài, kể cả bạn bè, đều nói rằng: “Chúng tôi hiểu anh”, nhưng những lời này gây ra nỗi đau sâu sắc vì bạn không thể nói với một chàng trai trẻ bị mất đi đôi chân rằng: “Tôi hiểu anh”.
Thứ hai là tầm quan trọng của việc chỉ cần hiện diện, ngay cả khi chúng ta không thể nói bất cứ điều gì. Sự hiện diện là vô cùng quan trọng. Chúng tôi khẩn cầu: “Hãy thinh lặng, nhưng hãy sát cánh bên chúng tôi. Đừng để chúng tôi một mình”. Sự hiện diện của Giáo hội là một Bí tích làm cho sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa giữa dân Người trở nên hữu hình.
Bài học thứ ba, cũng quan trọng không kém, là sức mạnh của Lời Chúa. Lời Chúa mang lại sức mạnh, sự sống, hy vọng của của Thiên Chúa và khả năng đổi mới các nguồn lực con người và tinh thần của chúng ta. Lời Phúc Âm thực sự là sự sống—đó không chỉ là một cụm từ hay ẩn dụ đẹp đẽ. Tôi đã tận mắt chứng kiến, khi tôi công bố Lời Chúa, điều đó thực sự đã đưa mọi người trở lại cuộc sống. Đó quả là một phép lạ!
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, chúng tôi nghe người Ukraine nói rằng họ là những người đầu tiên mong muốn hòa bình, nhưng những gì đang xảy ra thật không may dường như đẩy mục tiêu này xa hơn. Nguồn hy vọng nào cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài có thể đến với đất nước đang bị giày vò này?
Chúng tôi đã cảm nghiệm rằng nguồn hy vọng này không nằm ở bên ngoài Ukraine, ở nước ngoài, mà nằm trong chính chúng tô. Họ đã cho chúng tôi ba ngày… và giờ chúng ta đang nói về 1.000 ngày của một cuộc chiến vô nghĩa, vô nhân, báng bổ, phạm thánh. Chúng ta đã nhận thấy rằng ngay bên trong chúng tôi có một nguồn sức đề kháng, khả năng phục hồi, hy vọng đang trỗi dậy, trở thành vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao.
Kẻ xâm lược muốn tiêu diệt nguồn năng lượng sôi sục này, từ chối thừa nhận sự tồn tại của nó và tìm cách phá hủy nó bằng tên lửa, bom đạn, xe tăng. Và đôi khi, nguồn hy vọng này cũng tạo ra vấn đề cho các chính trị gia: nhiều người coi Ukraine là một vấn đề. Nhưng họ không hiểu rằng trong ngọn nguồn này ẩn chứa giải pháp cho nhiều sự bất công và nhiều tình huống trong thế giới hiện đại đang mất dần tính nhân văn. Ngay cả các nhà ngoại giao cũng bị thách thức bởi nguồn mạch hy vọng và khả năng phục hồi này ở Ukraine; họ tìm kiếm nhiều công thức hòa bình, công thức đàm phán chính trị, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa tìm thấy. Tôi tin rằng nguồn mạch này chắc chắn không có nguồn gốc hoàn toàn từ con người: mỗi ngày, chúng tôi nhận thấy sức mạnh con người của mình cạn kiệt rồi lại được bổ sung. Có một tia lửa của sự sống.
Ngài có muốn chia sẻ thêm điều gì nữa không?
Tôi muốn nói thêm rằng ngày nay tại Ukraine, chúng tôi thực sự đang trải nghiệm điều gì đó vượt qua ranh giới của một quốc gia, một đất nước hay thậm chí là một Giáo hội.
Diện mạo đích thực của nhân loại đang được biểu lộ, và những ai có khả năng nhận ra điều đó sẽ hiểu rằng Ukraine ngày nay không phải là vấn đề mà là một phần của giải pháp.
Minh Tuệ (theo Vatican News)