Phát biểu với Truyền thông Vatican bên lề cuộc họp bàn tròn về hòa bình tại Hội nghị Rimini, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo hoàng về Sự sống đã suy ngẫm về vai trò của người Kitô hữu với tư cách là những người xây dựng hòa bình và đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của sự hoán cải thiêng liêng nhằm xây dựng hòa bình trong một thế giới bị chiến tranh tàn phá.
Sự cần thiết của sự hoán cải thiêng liêng và tái khám phá Tin Mừng về tình huynh đệ nhằm xây dựng hòa bình trong một thế giới bị chiến tranh tàn phá là những chủ đề chính trong cuộc phỏng vấn do Đài phát thanh Vatican-Vatican News thực hiện với Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia bên lề Hội nghị Rimini. Chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo hoàng về Sự sống (PAL) đã phát biểu hôm thứ Năm tại một cuộc họp bàn tròn có chủ đề “Con đường Hòa bình” cùng với Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý và Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani.
Kính thưa Đức Tổng Giám mục Paglia, đối với nhiều người, từ hòa bình nghe có vẻ là một từ trừu tượng, tuy nhiên, ngài đã nhiều lần nói rằng chúng ta không bao giờ được từ bỏ việc xây dựng nó, đề cập đến hai Thông điệp Laudato Si’ và Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô…
Vâng, thực sự như vậy, bởi vì điều còn thiếu trên thế giới ngày nay, không chỉ ở Ý và Châu Âu, là một tầm nhìn. Các quốc gia, thậm chí là các cá nhân, đều bị cuốn hút để chỉ chăm chú vào bản thân mình, đến nỗi trong một thế giới đã trở nên toàn cầu hóa và bị chi phối bởi nền kinh tế, tất cả mọi người đều tập trung vào việc theo đuổi và bảo vệ lợi ích hoặc những vấn đề cá nhân của họ.
Ngược lại, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra cho chúng ta một tầm nhìn: rằng chúng ta sống trong một ngôi nhà, hành tinh này (Laudato Si’), và chúng ta là một đại gia đình các dân tộc, đó là tình huynh đệ phổ quát. Việc tin tưởng rằng chúng ta có một Người Cha Chung của tất cả mọi con cái của Thiên Chúa là điều cốt yếu cho hòa bình.
Chúng ta run rẩy trước ý tưởng về cái mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là Thế chiến thứ III “từng phần”, nhưng trên thực tế, chúng ta đã xé nát thế giới, chúng ta đã nghiền nát nó gây ra những thảm kịch không thể tưởng tượng nổi: có 59 cuộc chiến đang diễn ra, mặc dù mỗi ngày chúng ta chỉ nói về hai trong số các cuộc chiến đó, một cuộc chiến ở Ukraine và một cuộc chiến ở Trung Đông. Theo quan điểm của tôi, điểm quan trọng là cần phải có sự hoán cải về mặt thiêng liêng, để hiểu rằng chúng ta có trách nhiệm với tất cả mọi người. Đây là lời tiên tri mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra, nhưng nhiều người lại che giấu điều đó.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ, bao gồm cả việc thúc đẩy các cuộc xung đột và chiến tranh. Ngài đã nhắc lại khái niệm về sự toàn cầu hóa của chủ nghĩa nhân văn, tức là một thực tế lấy con người làm trọng tâm. Thực tế thì điều này được thực hiện như thế nào?
Nhiều người tiến hành chiến tranh nhưng tất cả chúng ta đều có thể tạo ra hòa bình, vì vậy không ai có thể nói rằng tôi không quan tâm đến cuộc chiến ở Ukraine hoặc tôi chẳng thể làm gì về vấn đề này. Bạn có thể buồn bã về những gì đang xảy ra hoặc phẫn nộ, nhưng bạn cũng có thể cầu nguyện, hợp tác với nhiều người cam kết thúc đẩy hòa bình hoặc thậm chí là liên đới. Có nhiều điều chúng ta có thể làm. Thật không may, những gì đang thịnh hành ngày nay chính là thứ mà một người bạn thân của tôi, Giuseppe De Rita, gọi là tôn giáo mới, tức là “egolatry” (sự tôn thờ cái tôi), sự tôn thờ bản thân, trên tế đàn của nó, mọi thứ, ngay cả những tình cảm trân quý nhất của con người đều bị hiến tế. Chúng ta phải chuyển từ chủ nghĩa cá nhân tiêu cực này sang một “chúng ta” đậm tình huynh đệ. Đây là cuộc cách mạng vĩ đại mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang nói đến và tôi hy vọng rằng tất cả các Giáo hội, không chỉ riêng Giáo hội Công giáo, sẽ cùng đồng lòng về vấn đề này. Có một câu nói rất hay của Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras, được nhớ đến vì cái ôm lịch sử của ngài với Đức Giáo hoàng Phaolô VI, rằng: “Các Giáo hội Chị em, các Dân tộc Anh em”, nếu các Giáo hội bị chia rẽ, thì nhân loại sẽ như thế nào? Đó là một câu hỏi lớn.
Cũng có một nghịch lý: quá nhiều chủ nghĩa cá nhân nhưng cũng bất lực trước cái ác. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ đâu để không cảm thấy bất lực?
Từ Tin Mừng, trong đó nói rõ với chúng ta rằng mọi sự đều có thể. Chúng ta phải tái khám phá Lời Chúa như một nguồn năng lượng lịch sử và phi trừu tượng. Chúng ta, những người Kitô hữu, có trách nhiệm thay đổi thực tại: đây là điều Chúa Giêsu đã làm, Người đã trao cho các Tông đồ sức mạnh để làm điều tương tự và chúng ta nên tiếp tục theo hướng này. Với điều hết sức đơn giản này, chúng ta hãy bắt đầu đọc lại Tin Mừng mỗi ngày, thực sự chào đón nó và sự bồi hồi nội tại đó sẽ trở thành hiện thực lịch sử của sự thay đổi.
Ở Rimini có nhiều thực thể khác nhau, bao gồm cả những người ngoài Công giáo đến để tạo nên những cầu nối của tri thức và gặp gỡ: đây có phải là chìa khóa không?
Chắc chắn rồi! Đức Phaolô VI đã có trực giác này khi ngài viết Thông điệp đầu tiên ‘Ecclesiam suam’ trong đó ngài nói rằng một Kitô hữu tự bản chất của mình có tính phổ quát, trong Giáo hội, trong mối tương quan của mình với các Kitô hữu, với các tôn giáo khác và thậm chí với những người không có đức tin. Đây là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng việc bảo vệ bản sắc của chúng ta đòi hỏi sự cởi mở, bản sắc của chúng ta là trở thành những người huynh đệ phổ quát: Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Charles de Foucauld là một số mẫu gương. Tôi muốn tất cả các Kitô hữu trải nghiệm sự bồi hồi này, đó là sự bồi hồi của Thiên Chúa.
Đâu là điều cần thiết để xây dựng hòa bình?
Yêu thương và yêu thương lẫn nhau.
Việc xây dựng hòa bình trong gia đình, trong ngôi nhà của bạn quan trọng đến nhường nào: để trở thành những người kiến tạo hòa bình, chúng ta phải cảm thấy thoải mái như ở trong chính ngôi nhà của mình…
Chắc chắn rồi, vì chiến tranh bắt đầu từ trong gia đình, sau đó chúng trở nên kịch tính. Theo nghĩa này, hòa bình có nghĩa là yêu thương và được yêu thương: chúng ta hãy chăm sóc lẫn nhau và chúng ta cũng sẽ đánh bại chiến tranh.
Minh Tuệ (theo Vatican News)